Làm nghề phụ nuôi nghề y

27/02/2012 10:51 GMT+7

Gần 40 năm công tác trong ngành y, trong đó 30 năm là trưởng trạm y tế xã Long Hòa (H.Châu Thành, tỉnh Trà Vinh), y sĩ Trương Chí Dũng (Chín Dũng) nói lương của ông chỉ đủ “đi đám”. Nguồn thu nhập chính của gia đình là từ 15 công ruộng.

Gần 40 năm công tác trong ngành y, trong đó 30 năm là trưởng trạm y tế xã Long Hòa (H.Châu Thành, tỉnh Trà Vinh), y sĩ Trương Chí Dũng (Chín Dũng) nói lương của ông chỉ đủ “đi đám”. Nguồn thu nhập chính của gia đình là từ 15 công ruộng.

Trước năm 1975, ông Chín Dũng tham gia bộ đội địa phương, làm nhiệm vụ cứu thương. Sau ngày đất nước thống nhất, ông được cử đi học lớp y sĩ đầu tiên của tỉnh Cửu Long (sau tách thành hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh) trong thời gian ba năm rồi về làm trưởng trạm y tế xã suốt từ đó đến nay. Ông Võ Minh Thành - bí thư Đảng ủy xã Long Hòa, người đã hàng chục năm công tác tại địa phương, hiểu rõ hoàn cảnh gia đình ông Chín - nhận xét: “Cán bộ y tế xã có bề dày kinh nghiệm như Chín Dũng quả thật hiếm. Anh ấy gắn bó với ngành lâu như vậy nhờ có nghề tay trái nuôi nghề tay phải”.

Nghề tay trái nuôi nghề tay phải

Giữa trưa, hết ca trực, ông Chín Dũng về nhà. Căn nhà ông Chín Dũng khá rộng nhưng tuềnh toàng nằm ẩn sau rặng dừa nước, mé bên rạch Xẻo Quau, ấp Bà Tình, xã Long Hòa.

 
Trưởng trạm y tế xã Long Hòa, y sĩ Trương Chí Dũng đang thăm khám bệnh - Ảnh: T.Đức

“Bây giờ đường sá đã định hình, chứ hồi trước từ đất liền muốn ra xã đảo này phải ngược lên thị xã Trà Vinh đón đò dọc, mỗi ngày chỉ có một chuyến với hành trình kéo dài hơn năm giờ. Cán bộ y tế từ xã lên huyện họp hay từ huyện xuống công tác phải đi trước một ngày. Hệ thống giao thông nội bộ của xã hầu như chỉ có trục đường chính như cái xương sống chạy xuyên qua xã được đổ bêtông, còn đường vô các ấp chỉ có nước đi bộ. Nhiều đêm anh em phải lội bộ băng đồng, bơi xuồng vượt sông cấp cứu cho người bệnh, cố gắng làm hết khả năng của mình, đối đế lắm mới chuyển tuyến trên vì đường sá cách trở quá. Nói thế không phải kể khổ mà để mọi người hiểu công việc của anh em chúng tôi. Nếu ngán ngại công việc thì đâu có ai theo nghề này suốt thời gian dài như vậy”.

Ông Chín Dũng có “hậu phương” lớn là 15 công ruộng. Mỗi năm một vụ lúa, một vụ tôm cộng với đàn vịt và mấy con heo, gia đình ông Chín thu nhập khoảng trăm triệu đồng/năm. “Đó là nguồn chi xài chính của gia đình, còn lương của tôi dành đi đám đầy tháng, thôi nôi, cưới hỏi, giỗ tang vì mình làm lâu năm, từ đầu đến cuối xã chỗ nào cũng quen mặt, nặng tình nghĩa lắm không từ chối được” - ông Chín Dũng kể.

Nói vậy nhưng ông Chín Dũng cũng tự nhận là người may mắn, vì là dân cố cựu ở địa phương, được cha mẹ để lại ít đất đai sản xuất. Đồng nghiệp của ông Dũng là bác sĩ Nguyễn Văn Vinh với thâm niên hơn 20 năm, trong đó năm năm làm phó trạm y tế xã Long Hòa, cũng có thu nhập tương tự (3,8 triệu đồng/tháng, tính cả trợ cấp ưu đãi đối với cán bộ y tế vùng đặc biệt khó khăn) nhưng do không có đất để tăng gia sản xuất nên cuộc sống khá chật vật.

Trạm y tế xã Long Hòa hiện có bảy cán bộ, nhân viên đảm nhận chăm sóc sức khỏe cho hơn 10.000 dân tại mười ấp trong toàn xã. Năm 2011, trạm đã khám chữa bệnh cho 12.423 lượt bệnh nhân, trong đó 10.934 lượt người có bảo hiểm y tế, tổng số tiền bảo hiểm y tế đã chi trả hơn 341 triệu đồng.

Nhà ông Vinh ở ấp Bãi Vàng, xã Hưng Mỹ (H.Châu Thành), hằng ngày ông phải dậy từ lúc 5g sáng, nhờ vợ đưa từ nhà ra bến đò Bãi Vàng để qua sông Cổ Chiên rồi lấy xe máy chạy thật nhanh lên trạm y tế xã cho kịp giờ làm buổi sáng. Con trai lớn của vợ chồng bác sĩ Vinh ở trọ, đi học tại TP Trà Vinh, chi tiêu dè sẻn cũng hết 2 triệu đồng/tháng. Thêm đứa nhỏ đang học lớp 4 nên lương của bác sĩ Vinh không thấm vào đâu.

Vợ chồng bác sĩ Vinh bàn cách mở tiệm uốn tóc, trang điểm ngay tại nhà, dù chốn quê vắng vẻ này năm thì mười họa mới có khách hàng làm đẹp.

Nữ hộ sinh Võ Kim Hường cũng có hoàn cảnh tương tự. Nhà bà ở xã Hòa Thuận (H.Châu Thành), giáp ranh với TP Trà Vinh. Từ nhà tới trạm y tế xã Long Hòa gần 30 cây số, thêm một chuyến phà vượt sông dài đằng đẵng. Vậy mà đã tròn 20 năm bà vẫn đi về, miệt mài với việc chăm lo sức khỏe cho người dân cù lao.

“Hồi mới qua đây (năm 1992) tôi đã đỡ đẻ cho một bà mẹ trẻ, rồi bẵng đi gần 20 năm, người mẹ ấy lại dẫn đứa bé ngày xưa đến đây sinh con. Nghe họ nhắc lại, mình mới giật mình. Đã một thế hệ trôi qua mà đời mình vẫn chưa có gì đổi thay” - bà Hường tâm sự.

“Để dành” bệnh

Xã Long Hòa án ngữ ngay cửa biển Cung Hầu, gồm mười ấp, tổng dân số hơn 10.000 người. Ngoài một số ấp gần trung tâm xã có đường bộ đã được đổ bêtông, nhiều khu vực đi lại rất khó khăn, trong đó ấp Cồn Phụng nằm tách biệt giữa sông Cổ Chiên là ấp “5 không” (không đường giao thông, không trường học, không trạm y tế, không điện, không nước sạch sinh hoạt).

Trước năm 2001, người dân ở xã đảo này chỉ độc canh cây lúa, mỗi năm một vụ vào mùa mưa, năng suất chưa tới 15 giạ/công (chỉ bằng 1/3 trong đất liền), nhưng mấy năm gần đây nhờ phát triển nghề nuôi tôm sú trên chân ruộng, cuộc sống đã dễ thở hơn, người dân đã quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe bản thân. Nhiều nông dân đã tự nguyện mua bảo hiểm y tế nhưng do hoàn cảnh kinh tế, không ít người vẫn chưa có điều kiện chăm sóc sức khỏe.

Ngồi trong phòng khám của trạm y tế xã Long Hòa, bác sĩ Nguyễn Văn Vinh đưa mắt ngó ra phía cổng, cất tiếng: “Nay là giữa tuần, bệnh thưa rồi, chứ ngày đầu tuần có khi 70-80 người đến khám. Đó có thể là một con số rất nhỏ so với các phòng khám ở đô thị, nhưng với nơi thiếu thốn mọi bề như xứ cồn Long Hòa là một sự lạ”.

Có bệnh thì đi khám chứ sao lại “lạ”? Tôi còn chưa kịp thắc mắc thì ngoài cửa có một người đàn ông dẫn theo hai đứa trẻ rụt rè bước vô. Anh lần lượt “khai” bệnh của ba người và nhờ bác sĩ Vinh “bắt” bệnh. Sau khi nghe bác sĩ cho biết cả ba chỉ bị cảm sốt thông thường do thời tiết thay đổi, nét mặt anh giãn hẳn ra. Anh cho biết tên là Lê Văn Nhanh, 34 tuổi, nhà ở ấp Cồn Phụng.

Cháu gái 11 tuổi là con anh, còn bé trai 3 tuổi con của người chị cũng ở Cồn Phụng. Anh đã bị nóng sốt cả tuần nay nhưng vì bận chăm sóc vuông tôm hơn 4 công vừa thả giống nên “để dành” bệnh, chừng đứa cháu cũng bị cảm giống anh nên gom cả cha, con, cháu đi khám một lần.

Bác sĩ Vinh cho biết thêm do điều kiện đi lại khó khăn, nhất là bà con ở các ấp phía đuôi cồn như Hai Thủ, Rạch Giồng, Cả Nứa rất ngại đi khám bệnh. Bởi thực tế nhiều người đến khám xong, mua toa thuốc chỉ chừng 30.000-40.000 đồng nhưng tiền đi xe ôm đã hết 60.000-70.000 đồng.

Vậy nên bà con thường có tâm lý “để dành” bệnh, khi nào có việc ra chợ xã hoặc nhà có mấy người bệnh thì kết hợp đi khám luôn thể cho đỡ tốn kém.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.