Đã có nhiều vụ Mỹ Lai

14/12/2008 22:56 GMT+7

Những dân làng cùng khổ bị biến thành dụng cụ dò mìn sống, bị lùa đi trước binh lính Mỹ tại các khu vực nguy hiểm. Tù nhân phải chịu đủ loại hình thức tra tấn, từ trấn nước đến giật điện.

Những thiếu niên đang câu cá cũng như trẻ chăn vịt đều bị sát hại dã man. "Có hàng trăm báo cáo giống như trên đã được ghi nhận trong kho dữ liệu về tội ác chiến tranh. Mỗi báo cáo được ghi lại đầy đủ nghiêm túc, dù có đôi khi chúng chỉ được diễn tả bằng 1 câu hoặc 2 câu nói thoáng qua, giống như chuyện giết chóc như thế là một hoạt động thường nhật", nhà báo Deborah Nelson viết trong cuốn sách mới xuất bản The War Behind Me, do báo The New York Times dẫn lại.

Kho dữ liệu tại Đại học Michigan cất giữ các tài liệu do đại tá Henry Tufts thu thập được qua nhiều năm điều tra về chiến tranh Việt Nam. Từng là người đứng đầu đơn vị điều tra của quân đội, ông đã khám phá tình trạng giết chóc và xâm hại diễn ra phổ biến trong bộ phận lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Hầu hết những hành động đáng lên án này đều được che giấu khỏi tầm mắt dư luận, dù quân đội đã tiến hành điều tra cặn kẽ.

Những tội ác đó gây ra hậu quả kinh hoàng như vụ thảm sát Mỹ Lai vào năm 1968. Thế nhưng, như nhà báo Nelson đoan chắc, hầu hết dân Mỹ nghĩ rằng cảnh bạo lực như thế chỉ là hành động của một vài đơn vị thối nát, trong khi sự thật "đây là hành động điển hình ở mỗi đơn vị chính đóng tại Việt Nam".

Sau khi câu chuyện Mỹ Lai vỡ lở trên báo chí qua bài viết của nhà báo Mỹ Seymour Hersh, giới chức Mỹ đã hành động. Họ điều tra các tội ác khác, ví dụ như nghiên cứu các lá thư nặc danh gửi lên thượng cấp, ký tên bởi "một trung sĩ có liên quan", với nội dung miêu tả cái chết của hàng trăm thường dân hoặc "mỗi tháng có một vụ Mỹ Lai xảy ra và kéo dài hơn 1 năm".

Những vụ nghiêm trọng đã được điều tra và 23 kẻ phạm tội bị lôi ra ánh sáng, dù hầu như ai cũng đều dễ dàng thoát tội sau đó. Mức án nặng nhất là 20 năm lao động khổ sai đối với một điều tra viên tại khu tù nhân chiến tranh vì tội hãm hiếp một bé gái 13 tuổi. Thực tế, kẻ phạm tội ngồi tù chỉ đúng 7 tháng và 16 ngày.

"Hãy loại quân đội khỏi các trang nhất", đó là lệnh của Tổng thống Mỹ Richard Nixon. Và các cuộc điều tra là cách tốt nhất để làm điều này. Một vụ che đậy sẽ thu hút sự quan tâm nhiều hơn, trong khi người ta ít để ý đến một tội ác đã bị điều tra. Nhà báo Nelson nhận xét việc quân đội xúc tiến điều tra không nhằm mục đích phanh phui sự thật và trừng trị, mà để đánh lạc hướng dư luận.

Khi các phóng viên nghe được một vụ tội ác chiến tranh, họ lập tức gọi đến quân đội tìm thông tin. Nếu nghi ngờ có sự che đậy, giới báo chí sẽ sục sạo để có kết quả cuối cùng. Còn nếu một đại diện quân đội nói rằng vụ việc đang điều tra, thông thường câu chuyện sẽ dừng ở đó.

Cuốn sách trên có tên đầy đủ là The War Behind Me: Vietnam Veterans Confront the Truth About U.S. War Crimes (Chiến tranh sau lưng tôi: Cựu chiến binh tại chiến trường Việt Nam đối chất về sự thật các tội ác chiến tranh của quân đội Mỹ).

Tác giả Deborah Nelson, được báo Seattle Times đánh giá là một trong các nhà báo điều tra tài ba và có nhiều kinh nghiệm nhất. Sau khi đọc kỹ các tài liệu điều tra về tội ác của lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, bà đã khổ công lần lại các dấu vết, gặp các nhân chứng sống, những cựu binh từng tham gia vào tội ác ngày xưa, thậm chí bà còn tìm đến các ngôi làng có người dân bị thảm sát tại Việt Nam.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.