Đi săn cổ vật

09/12/2005 11:36 GMT+7

Rừng đồ cổ ngày càng hiếm "thú", "chợ" đồ cổ Lê Công Kiều (Q.1, TP.HCM) thưa bóng lái, cổ vật đổ về lèo tèo trông phát chán. Giới cổ ngoạn phải mở rộng tầm phủ sóng, lặn lội về miệt quê săn lùng cổ vật.

Phường săn

“Phường săn” gồm cả lái cổ lẫn cổ ngoạn. Thế giới này luôn cạnh tranh ác liệt, chậm vài giây là bị kẻ khác hớt tay trên ngay món đồ ưng ý. Bởi vậy, hễ nghe dưới quê có đồ cổ cần bán, “phường săn” tranh thủ cử ngay "giặc lái" (những tay buôn nhỏ) hoặc đích thân phi ngay xuống hiện trường xác định - nếu món đồ đó đáng giá - bất kể ngày đêm. “Phường săn” đa phần đều có một vài mối lái quen thuộc cắm chốt ở các tỉnh và vùng quê để tiện bề nắm bắt thông tin, hễ có đồ là alô liền.

Đâu phải lần nào đi săn cũng thành, nhiều khi đến nơi, tận mặt nhìn, món đồ không đúng như mong đợi. Đành lỗ tiền tàu xe quay về. Hoặc gia chủ đột nhiên đổi ý. Nhớ một hôm, đã hơn 19h00 tối, “giặc lái” Vĩnh Long thông báo xuống gấp vì có cặp bình 6 tấc men xanh trắng, đồ án Mẫu Đơn - Trĩ lành tít (nguyên vẹn), đẹp long lanh, nằm trong nhà dân, đang kẹt tiền cần bán. Theo lái buôn đua xuống Vĩnh Long, gửi xe ở bến phà, qua một lần đò, lên xe ôm gần 10 cây số, đường tối như mực, khúc khuỷu, gập ghềnh, tài xế thuộc hàng tay lái lụa khi đã có trong bụng vài xị đế khiến tôi luôn chực văng khỏi yên xe. Tôi nhiều lần thót tim vì phải vượt qua 8 cái cống, 21 cây cầu bê tông chênh vênh nhỏ xíu, cong vòng bắc qua rạch không một thanh chắn, mới đến nhà lá lụp xụp nơi có cặp lục bình cần bán. Lúc ấy gần 24h00 đêm, gia chủ đã tắt đèn đi ngủ, “giặc lái” dựng đầu chủ dậy bắt ra tiếp khách. Chủ mừng rơn, chẳng đề cập mua bán, kêu vợ con làm thịt gà, lấy vài xị đế ép khách say lúy túy rồi dọn chỗ đi ngủ. Sáng dậy, chủ nhà đổi ý không bán cặp bình nữa, với lý do đơn giản là… chưa muốn bán. Tức cành hông nhưng vẫn phải nín khe ra về.

Lần khác, qua tấm hình “giặc lái” Mỹ Tho gửi lên, một chiếc đĩa xanh trắng đồ án lá chuối, bướm, đẹp tuyệt vời, đường kính gần 40 phân, “giặc lái” kêu ra giá. Nhìn màu men trong hình, tưởng đồ Tàu, ra giá cho “giặc lái” 10 triệu đồng, hỏi lại gia chủ, đồng ý sáng hôm sau xuống lấy. Khi hay tin gia chủ đồng ý, lái buôn sướng tê người, vì chiếc đĩa này, nếu đúng đồ, giá trị của nó ở Sài Gòn sẽ tăng lên gấp 3 - 4 lần. Đến nơi, khi nhìn chiếc đĩa, lái thất vọng ê chề vì đó không phải đồ Tàu, mà là đồ Nhật, giá trị chiếc đĩa chỉ khoảng 1 triệu đồng. Coi như chuyến săn ấy toi công.

Gian nan

Lái tỉnh càn quét đồ gần hết, một số tay chơi tiểu xảo, lên Sài Gòn mua đồ giả cổ ở chợ Lê Công Kiều, đem gài vào nhà dân dưới quê. Dân sưu tập non tay, nghe cò dụ, tưởng về quê mua đồ rẻ, ai ngờ trúng kế cò. Chuyện lường gạt trong mua bán đồ cổ như cơm bữa. Dân chơi riêng lẻ thường có máu tự ái, không giao du với anh em nhiều, hoặc nghĩ mình giỏi, tự quyết định. Đánh vào tâm lý đó nên “giặc lái” tha hồ làm thịt. Biết bị lừa đành ngậm bồ hòn làm ngọt, coi là bài học kinh nghiệm xương máu. Dân chơi đồ cổ gọi cái phí mua đồ đểu là “ngu phí”. Hơn nữa, những người xui mua nhằm đồ giả thường sĩ diện, đâu dám nói ra vì sợ mang tiếng. Hoặc nói ra e khó mà bán “cái ngu” của mình được cho người khác.

Tâm lý đi săn, luôn nghĩ đã đi phải có đồ mang về, nên dễ nóng vội, xui gặp đồ gài, ham rẻ, ham của lạ, vơ vào là ốm đòn. Dân sưu tập vẫn nhắc lại câu chuyện của một nhà sưu tập khá cứng về nghề ở Sài Gòn, nghe “giặc lái” báo có mớ đồ đúng hệ nhà sưu tập đó đang cần. Anh vội phi về vùng Trà Vinh, được đám “giặc lái” chăn ra tận ruộng, thuê thợ đào mớ cổ vật lên ngay trước mắt nhà sưu tập. Việc mua bán diễn ra khá nhanh, nhà sưu tập mừng còn hơn bắt được vàng nghĩ vừa cất trọn một mẻ lưới lớn giá khá rẻ so với thị trường, hí hửng ôm đồ về Sài Gòn. Không ngờ, tất cả đều do đám “giặc lái” cao tay ấn sắp đặt, gài độ, đánh đúng vào điểm yếu của người sưu tập là sự đam mê cùng một chút lòng tham. Cả lô đồ đó đều là giả, đã được vùi ngoài ruộng gần chục năm trời mới được khai quật lên.

Về tỉnh săn đồ, nếu đồ thiệt, nhiều khi bị hét giá quá cao, người đi săn luôn ở chiếu dưới, vì đang trong vai trò là người cần mua, người bán thì nhùng nhằng, ỡm a ỡm ờ ra vẻ chưa cần thiết để bán. Nóng vội, đua theo giá người bán ra thì quá tội. Theo lái đi săn đồ ở Tiền Giang, ghé nhà gần phà Mỹ Thuận cũ, có chiếc bình xanh trắng, dáng Bá Huê Tôn, cao 30 phân, vẽ sơn thủy, dưới đáy triện Đại Thanh Khang Hy Niên Chế được hê giá 25 triệu đồng, lạnh cả sống lưng, vì đó là đồ non tuổi, không đúng niên đại. Lái buôn đi cùng cho biết, bình này ở Sài Gòn, cao lắm 5 triệu đồng, giá này chắc do tay “giặc lái” nào đó vào mua không được rẻ, chơi khăm ra giá thật cao cho chủ nhà tưởng món đồ giá trị. Như vậy sẽ làm món đồ cao giá lên, không ai mua được nữa. Vậy mà chỉ 2 tuần sau, một thợ săn amatơ nào đó từ Sài Gòn xuống bốc đi với giá ngất ngưởng là 17 triệu đồng chưa kể trà nước cho “giặc lái”.

Chuyện đi săn cổ vật, với lái buôn nếu mua được đồ, mua tận gốc, bán tận ngọn ắt sẽ thu lợi nhiều. Riêng với người sưu tầm, nếu biết tỉnh táo trước từng món đồ, có kinh nghiệm và kiến thức về cổ vật, thì mỗi lần lặn lội về tỉnh đều có cái hay bởi vừa là dịp săn lùng những món đồ đáp ứng sở thích của mình, vừa có cơ hội giao lưu bạn bè trong giới sưu tầm cổ ngoạn. Bên cạnh đó, săn cổ vật cũng xem như một lần đi thưởng thức phong cảnh, một lần học hỏi hoặc tìm hiểu thêm lối sống, cách cư xử của người miền quê, âu cũng là thú vui nho nhỏ của những kẻ phong lưu.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.