Đề thi nâng cao có khó hơn chuẩn?

14/12/2008 23:31 GMT+7

Nhiều học sinh băn khoăn: trong cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT và ĐH-CĐ 2009, liệu đề thi dành cho thí sinh học chương trình nâng cao có khó hơn chương trình chuẩn?

Đề thi nằm trong kiến thức đã được học

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, theo quy định về cấu trúc đề thi đã được ban hành: các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, đề thi mỗi môn gồm 2 phần: phần chung (cho tất cả TS) và phần riêng (cho TS học theo từng chương trình).

Ông Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) phát biểu: thiệt thòi cho TS học chương trình nâng cao là ở chỗ, TS học chương trình nâng cao sẽ phải làm đề thi khó hơn trong khi mức điểm của phần đề riêng là ngang nhau. Ông Nguyễn Hải Châu - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) phân tích: "Thực ra quy định về phần chung và phần riêng theo cấu trúc đề thi chỉ là vấn đề kỹ thuật. Điều này không ảnh hưởng nhiều đến mức độ khó dễ về nội dung kiến thức của đề thi. Ở khía cạnh quản lý bậc học, tôi cho rằng điều quan trọng nhất là đề thi phải nằm trong nội dung kiến thức mà HS được học. Vì thế HS có thể yên tâm là nếu học tốt chương trình mình được học và bám sát sách giáo khoa thì chọn phần đề dành riêng cho chương trình đó sẽ đạt điểm cao hơn".

Trước những ý kiến cho rằng: việc ra đề như vậy sẽ khiến chương trình phân ban hiện hành có thể sẽ bị "phá sản" ngay trong năm học tới khi mà HS chỉ cần chọn ban Cơ bản để học là đạt yêu cầu tốt nghiệp, ông Châu cho rằng: mặc dù ban Cơ bản cũng có chương trình nâng cao, nhưng ở mỗi ban cách tiếp cận môn học có những điểm khác nhau nên sẽ vẫn có những HS chọn ban Khoa học tự nhiên hoặc ban Khoa học xã hội để có cơ hội học và thực hành các môn này sâu hơn.

Ông Nguyễn An Ninh cho biết: Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009, để kiểm soát được TS học theo chương trình nào (chuẩn hoặc nâng cao) chỉ được làm phần đề dành riêng cho chương trình đó, việc sắp xếp danh sách thí sinh sẽ theo từng ban; trong mỗi phòng thi sẽ chỉ có TS học cùng một ban.

Nâng cao và chuẩn sẽ tương đương nhau

Ông Nguyễn An Ninh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD (Bộ GD-ĐT) cho biết: cần phải nhấn mạnh rằng đề thi theo chương trình chuẩn và chương trình nâng cao là có những phần kiến thức khác nhau chứ không phải cứ là phần của đề thi nâng cao là khó hơn phần dành riêng cho chương trình chuẩn.

Cũng theo ông Ninh: Thi tốt nghiệp thì bắt buộc TS học chương trình nào phải làm phần dành riêng của chương trình đó nhưng yêu cầu kiến thức để đạt tốt nghiệp chỉ ở mức tối thiểu. Còn ở kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ thì đề thi các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý cũng gồm 2 phần: phần chung cho tất cả TS và phần riêng (ra theo chương trình chuẩn hoặc chương trình nâng cao) nhưng không quy định "cứng": TS học chương trình nào chỉ làm phần đề dành riêng cho chương trình đó, mà TS được quyền lựa chọn một trong hai phần riêng để làm bài. Theo ông Ninh, sở dĩ như vậy vì kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ là kỳ thi tuyển chọn đầu vào chứ không phải kiểm tra kiến thức đã học để công nhận tốt nghiệp. Tuy nhiên, ông Ninh cũng khẳng định: cách ra đề sẽ theo hướng để chắc chắn TS học chương trình nào sẽ làm tốt phần đề dành cho chương trình đó.

Ông Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng phân tích: Qua khảo sát toàn bộ chương trình THPT hiện hành cho thấy chương trình chuẩn và chương trình nâng cao có phần giao nhau (khoảng 80%), có phần lệch nhau (khoảng 20%). Chính vì vậy, đề thi có phần chung và phần riêng cũng với tỷ lệ kiến thức như vậy. Phần riêng không phải để phân loại TS mà ngay ở phần chung đã có những câu hỏi ở các mức độ: dễ, trung bình, khó để làm việc này.

Ông Nghĩa cũng cho rằng: sẽ không có TS nào được lợi hơn hay bị thiệt thòi hơn bởi cách thức ra đề như vậy trong cả kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ. Bởi lẽ, thi tốt nghiệp đòi hỏi TS phải bao quát chương trình mà mình được học, còn thi tuyển sinh ĐH-CĐ thì yêu cầu đặt ra là đầu vào phải tương đương nhau. Thế nên đề thi sẽ ra theo hướng đảm bảo tối đa sự công bằng, không thể có đề nào khó hơn đề nào.

Học sách nào thì cứ làm theo nội dung sách đó

Ở môn Sử, ban Cơ bản và ban Khoa học tự nhiên học theo sách chương trình chuẩn, ban Khoa học xã hội và nhân văn học theo sách của chương trình nâng cao. Về nội dung, chương trình nâng cao chi tiết hơn, mức độ cung cấp kiến thức và trình độ nhận thức có cao hơn một ít nhưng phần chênh lệch không nhiều, học sinh không nên lo lắng, học sách nào thì cứ làm theo nội dung của sách đó. Chỉ có một điều cần lưu ý: một số giáo viên đoán nội dung giới hạn đề thi tốt nghiệp nên ngay từ đầu đã dạy không kỹ một số nội dung thường bị giới hạn giờ chót (chưa công bố từ đầu năm học). Trong trường hợp này, những TS dự thi ĐH khối C cần phải học đầy đủ chương trình, phải tự cứu mình bằng cách tự lấp đầy lỗ hổng kiến thức, nếu có trường hợp giáo viên không dạy đầy đủ một số nội dung đã đưa vào chương trình. (Ông Tưởng Phi Ngọ - giảng viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Không đáng lo

Bộ GD-ĐT quy định đề thi tốt nghiệp THPT có 2 phần: Phần chung cho tất cả TS ra theo phần nội dung giống nhau giữa hai chương trình chuẩn và chương trình nâng cao (khoảng 80%); Phần riêng cho TS học theo từng chương trình (chuẩn hoặc nâng cao) nhưng mức độ phù hợp với yêu cầu phân loại, TS học chương trình nào chỉ được làm phần dành riêng cho chương trình đó (chuẩn hoặc nâng cao). Với quy định này, học sinh học theo chương trình nào thì cứ yên tâm học theo sách giáo khoa của chương trình đó, tập trung đi sâu vào các nội dung được các thầy cô giảng dạy theo chương trình thì sẽ làm bài tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngay cả việc thi vào các trường ĐH-CĐ, trước đây một số học sinh trường tôi cũng lo lắng, nhưng với đề thi ĐH-CĐ có phần tự chọn ở phần riêng thì cũng không đáng lo. (Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó hiệu trưởng trường THPT dân lập Ngôi Sao TP.HCM)

Nên có sự chuẩn bị thêm kiến thức

Ở chương trình nâng cao, nội dung dạy học thường được đi sâu hơn nên đòi hỏi thầy cô phải nghiên cứu kỹ hơn để truyền đạt cho học sinh hiểu. Về phần học sinh thi tốt nghiệp THPT thì không có gì phải lo lắng, không nên có tâm lý kêu ca khi chưa nắm vững các quy định thi cử, vì thật ra trong đề thi tốt nghiệp THPT có phần riêng, học chương trình nào mà tập trung ôn kỹ thì chắc chắn làm tốt được đề thi. Đối với việc thi ĐH-CĐ, học sinh phải có sự chuẩn bị kỹ hơn. Do vậy, những học sinh học chương trình chuẩn mà có dự định thi ĐH-CĐ thì nên có sự chuẩn bị thêm kiến thức ở những môn sẽ thi. Ở trường tôi, tất cả học sinh học theo chương trình chuẩn, nhưng do có nhiều học sinh dự định thi Y khoa (khối B, có môn Sinh) nên nhiều em đã đăng ký học nâng cao môn Sinh. Đó là sự chuẩn bị cần thiết! (Ông Trần Văn Ghê - giáo viên trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Khánh Hòa)

Nhựt Quang (ghi)

> Học sinh cần nắm vững những gì?
> Học sinh ban cơ sở sẽ khó đỗ đại học?

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.