Hồn đá

03/03/2013 03:30 GMT+7

Đi khắp Ninh Bình, từ bắc vào nam, từ tây sang đông chỉ thấy toàn núi đá. Cảm giác như con người nơi đây được sinh ra từ đá và khi thác đi, hồn cốt cũng lạc chìm vào trùng điệp những đá núi vậy.

Biết tôi tìm hiểu về nghề chế tác đá của xã Ninh Vân, H.Hoa Lư (Ninh Bình), ông Nguyễn Xuân Lương, 84 tuổi, nguyên là Giám đốc Công ty xi măng Hệ Dưỡng Ninh Bình vui lắm. Ông bảo, Ninh Bình có nhiều thứ để tự hào, nhưng với ông thì đá và bàn tay tài hoa của người thợ đá đất cố đô Hoa Lư mới là trân quý nhất.

 Nghề chế tác đá Ninh Vân đang được tiếp nối bởi những người trẻ tuổi
Nghề chế tác đá Ninh Vân đang được tiếp nối bởi những người trẻ tuổi - Ảnh: Ngọc Minh

Trong căn nhà cổ với bốn bề, từ cột, kèo, tường, vách, sân, cổng ngõ, bình phong… và nhiều đồ đạc trong nhà được làm hoàn toàn bằng đá xanh ở thôn Xuân Vũ, xã Ninh Vân, bà Đinh Thị Long (chủ nhà) kể: “Ngôi nhà này do ông nội của chồng tôi làm và để lại cho con cháu. Riêng cái cổng ngõ được làm sau vào năm 1934, còn ngôi nhà thì đã được làm trước đó rất lâu. Ngày xưa, ông nội chúng tôi cũng nghèo, đi làm thuê cho những nhà giàu quanh vùng. Vốn là người cần cù, chịu thương chịu khó, lại có đôi bàn tay tài hoa nên cụ được những thợ lành nghề trong làng truyền thụ kỹ năng trong nghề làm đá. Rồi nhờ chăm chỉ làm ăn, cụ dần trở thành người giàu có nhất vùng. Vì vậy, để nhớ ơn cái nghề đã cho mình cuộc sống sung túc và cũng để khẳng định sự tài hoa của người thợ đá, cụ đã cho dựng nên ngôi nhà đá này để ở”.

 Ông Nguyễn Xuân Lương giới thiệu những đường nét tinh xảo trên chiếc bàn
Ông Nguyễn Xuân Lương giới thiệu những đường nét tinh xảo trên chiếc bàn

Ngôi nhà của bà Long được xây dựng theo lối kiến trúc điển hình của những ngôi nhà cổ vùng Bắc bộ với nhà trên, nhà dưới được nối với nhau bằng một hàng hiên nhỏ. Nhà trên với 3 gian, hai chái, đủ tay chân được chế tác hết sức tinh vi đến từng chi tiết nhỏ. Những đường nét hoa văn, những linh vật được người thợ đục đẽo, chạm khắc tinh vi, sắc sảo, nhưng vô cùng mềm mại và sống động như bong ra khỏi mặt đá. Cái khác và điểm đặc biệt của ngôi nhà so với những nhà cổ khác trong vùng là nó được thiết kế thêm một gian gác vuông vức làm nơi cho gia chủ uống trà, hóng gió và đàm đạo với bạn tâm giao. Cầu thang lên gác nhỏ cũng được chế tác hoàn toàn bằng đá xanh và được lắp ghép cầu kỳ làm ngôi nhà thêm sang quý.

 Bên trong ngôi nhà đá cổ của bà Long
Bên trong ngôi nhà đá cổ của bà Long

Mặc dù chất liệu chính được làm từ đá, nhưng người thợ Ninh Vân đã khéo léo chế tác, kết hợp với các cấu kiện gỗ lim, và ngói âm dương mũi hài, khiến ngôi nhà đá trở nên vững chắc mà vô cùng thanh thoát, mát mẻ mà không lạnh lẽo, trầm mặc nhưng lại vô cùng ấm cúng… Bà Long còn quả quyết, chính những người thợ tham gia chế tác ngôi nhà đá này, trước đó đã được đích thân cha Trần Lục mời xuống Kim Sơn để chế tác và dựng nên ngôi Nhà thờ đá Phát Diệm trứ danh của đất Việt.

Theo ông Nguyễn Xuân Lương, bây giờ nhiều đại gia ở Ninh Vân đua nhau dựng nhà đá để ở và làm nơi thờ phụng tổ tiên, nhưng nhà đá cổ được chế tác hoàn toàn thủ công thì chỉ có 3 cái mà thôi. Đó là nhà của bà Long, ở thôn Xuân Vũ, nhà của anh Dương Văn Thu ở thôn Thượng Vũ và nhà của ông Đỗ Khắc Đức ở thôn Xuân Thành. Đây thực sự là những kiệt tác của người thợ đá. Nó không chỉ là tài sản vô giá của gia chủ mà còn là niềm tự hào của những người thợ đá Ninh Vân. Đặc biệt, ngôi nhà đá của anh Thu từng được nhiều lãnh đạo cấp cao của đất nước như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Võ Văn Kiệt… về thăm và ngợi khen hết mực. Lý giải về việc người xưa rất ít làm nhà đá để ở, ông Lương bảo: “Các cụ ngày xưa tinh thông phong thủy và cẩn trọng lắm. Phải là người có căn số thế nào đó thì mới dám làm nhà đá để ở.

Dù có là cự phú, nhưng nếu không có căn số khắc chế được Thạch Tinh thì không bao giờ các cụ dám mơ đến việc sở hữu nhà đá”.

Qua bao thăng trầm của thời gian, có lúc nghề đá ở Ninh Vân tưởng như mai một, nhưng những năm gần đây đã có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ với hàng trăm doanh nghiệp chế tác đá ra đời. Những tác phẩm từ đá của người thợ cố đô có mặt khắp nơi trên cả nước, điển hình như tượng đài Bà mẹ chiến sĩ ở Thủ Đức, TP.HCM, tượng đài Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn ở Quảng Trị, tượng đài Thanh niên xung phong ở Hà Tĩnh, tượng Mẹ Suốt ở Quảng Bình, tượng Bác Hồ ở Nghệ An, Vĩnh Phúc, tượng Trần Hưng Đạo ở Hải Dương, 500 tượng La Hán và hàng loạt kiến trúc đá ở chùa Bái Đính, Ninh Bình… Để khẳng định bản lĩnh nghề nghiệp mà ông cha để lại, những người thợ đá Ninh Vân hôm nay còn chung tay, góp sức làm nên một ngôi đình đá rất uy nghi và đậm chất thôn quê dân dã, đó là đình Xuân Vũ. Đây được xem như sự kết nối của kỹ nghệ chế tác đá cổ truyền mà người thợ đá Ninh Vân hôm nay vẫn còn gìn giữ được.

Bây giờ đến Ninh Vân, đi đến bất cứ ngõ xóm nào ta cũng dễ dàng bắt tay, gặp mặt vài ba giám đốc doanh nghiệp đá. Nghề đá đã thực sự giúp Ninh Vân trở nên giàu có với hàng chục tỉ phú xuất hiện trong làng, trong xã. Chỉ tiếc, do chưa được quy hoạch đồng bộ, nên sự phát triển mạnh mẽ của nghề này đang khiến môi trường sống của Ninh Vân bị ô nhiễm trầm trọng. Trên khắp các con đường ở Ninh Vân, đâu đâu tôi cũng chỉ gặp những công xưởng chế tác đá với tiếng máy, tiếng chạm khắc, tiếng đục đẽo đá náo động cả một vùng, cùng một bầu không khí luôn đặc quánh, bụi mù vì bột đá…

Rời Ninh Vân, tôi cứ lẩm nhẩm đọc đôi câu đối được chạm khắc bên trong ngôi nhà đá của anh Dương Văn Thu: “Muốn đúc nhà vàng nhưng chưa có/Hãy làm nhà đá để chờ sau”. Dù chưa thật chỉnh, nhưng đôi câu đối chính là khát vọng vươn đến sự hoàn thiện bản thân, nghề nghiệp của người thợ đá Ninh Vân. Chợt nghĩ, đá núi dù có trường tồn đến ngàn năm, nhưng khát vọng của người thợ đá đất cố đô chắc còn xa hơn thế. 

Ngọc Minh

>> Quyến rũ làng đá
>> Ngõ làng đá san hô
>> Chiêm ngưỡng các tác phẩm điêu khắc đá tặng nước bạn Lào

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.