Iraq căng thẳng trước ngày bầu cử

12/12/2005 23:45 GMT+7

Hôm qua, các bệnh viện, trại lính và nhà tù tại Iraq đã bắt đầu bỏ những lá phiếu bầu quốc hội đầu tiên kể từ khi chính quyền S.Hussein sụp đổ vào năm 2003. Chính phủ đã ban bố các biện pháp an ninh chặt chẽ để đối phó với khả năng bạo động xảy ra trong thời gian bầu cử.

Tại Bệnh viện Yarmouk ở trung tâm Baghdad, các quan chức bầu cử cho biết khoảng 1.500 bệnh nhân đã bỏ những lá phiếu bầu đầu tiên. Các tù nhân chưa được thụ án cũng được quyền bầu cử, trong đó có cả cựu Tổng thống S.Hussein. Tuy nhiên, chưa rõ ông này có muốn thực hiện quyền công dân của mình hay không. Hôm nay, khoảng 1,5 triệu người Iraq đang sống ở nước ngoài cũng bắt đầu đến các phòng phiếu được thiết lập tại 15 nước như Mỹ, Canada, Úc... Ngày bầu cử chính thức sẽ là 15.12 với hơn 15,5 triệu cử tri bỏ phiếu trên toàn quốc để chọn ra 275 thành viên Quốc hội từ khoảng 7 ngàn ứng viên. Sau đó, 275 thành viên Quốc hội sẽ bầu ra chính phủ mới mà Mỹ hy vọng sẽ chiếm được lòng tin của nhóm người thiểu số Sunni đang là "chủ lực" của các cuộc nổi dậy.

Ít nhất 12 người thiệt mạng và hơn 30 người khác bị thương trong các cuộc tấn công của  quân nổi dậy ngày hôm qua. 5 nhóm Hồi giáo, trong đó có tổ chức al-Qaeda ở Iraq, đã đưa ra tuyên bố chung bác bỏ bất cứ chính quyền Iraq nào do Mỹ hậu thuẫn và kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử vào 15.12 vì nó đi ngược lại với kinh Quran và luật lệ Hồi giáo. Trong khi đó, kết quả khảo sát do ABC phối hợp với Times cho thấy hơn 2/3 người Iraq phản đối sự có mặt của liên minh do Mỹ dẫn đầu tại Iraq và hơn 3/4 cho biết họ tin vào cuộc bầu cử Quốc hội lần này.
Để bảo đảm an ninh trong thời gian diễn ra bầu cử, Chính phủ Iraq tuyên bố từ hôm nay sẽ bắt đầu đóng cửa biên giới, kéo dài thời gian giới nghiêm ban đêm, cấm mang vũ khí nơi công cộng và hạn chế di chuyển nội địa. Sân bay sẽ được đóng cửa vào ngày mai. Ủy ban bầu cử Iraq cho biết đang tiến hành điều tra nguyên nhân tại sao số cử tri mới ở thành phố Kirkuk - nơi người Kurd, Ả Rập và Turkomen chiếm đa số - lại tăng một cách đột biến (gấp 5 lần so với cuộc bầu cử chính phủ lâm thời hồi đầu năm). Người Kurd luôn muốn sáp nhập thành phố miền Nam giàu dầu mỏ này vào khu vực tự trị của mình nhưng hiện đang vấp phải sự phản đối dữ dội của người Ả Rập và Turkomen tại đây.

Trong cuộc bầu cử này, một phép mầu mà chỉ mấy tháng trước đây không ai ngờ có thể xảy ra, đã xuất hiện. Các cựu thành viên đảng Baath cầm quyền dưới thời ông Hussein thúc giục người Sunni đi bỏ phiếu vào ngày 15.12 và cảnh cáo những kẻ khủng bố al-Qaeda không được tổ chức tấn công. Căng thẳng về an ninh cũng như chính trị dâng cao trước ngày bầu cử đã khiến các tay súng Sunni tại tỉnh al-Anbar tuyên bố sẵn sàng bảo vệ các địa điểm đặt hòm phiếu trong trường hợp tay chân của al-Zarqawi, lãnh đạo al-Qaeda ở Iraq tấn công. Tại Falluhja, nơi được xem là thánh địa của Iraq, các lãnh đạo tôn giáo người Sunni đảm bảo sẽ không xảy ra đợt tẩy chay như tổng tuyển cử hồi đầu năm. Chuyển biến trên có thể là do sự góp mặt của 2 chính trị gia dòng Sunni S.Mutlak và al-Dulaimi trong cuộc bầu cử lần này. Hội các học giả Hồi giáo cũng kêu gọi cộng đồng Hồi giáo Sunni hãy tẩy chay những hành vi gian lận như trong kỳ bầu cử trước. (Al-jazeera, AP)

Thuỵ Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.