Đi học mà không được chạy nhảy !

24/10/2013 03:00 GMT+7

Con tôi vào lớp 1 ở một trong những trường thuộc loại “hot” của Q.1, TP.HCM, nhưng tôi bất ngờ đến phát hoảng vì sự thiếu vận động của bé ở trường.

 
Có hàng loạt lợi ích cho trẻ thông qua các trò chơi vận động  - Ảnh: Đào Ngọc Thạch 

Giờ ra chơi, hoạt động phổ biến nhất của trẻ là… coi ti vi (cô giáo bật), nếu không cũng là đọc truyện hoặc ngồi vẽ trong lớp. Ban đầu, tôi gợi ý con rủ bạn xuống sân chơi đuổi bắt, trốn tìm, thi chạy... Bé về nhà mếu máo kể bị cô giáo phạt vì cô đã bảo không được chạy. Thôi thì cô cũng có lý, sân trường nhỏ, hàng trăm đứa trẻ mà ùa ra sân chạy giỡn một lần thì dễ dàng va chạm vào nhau. Tôi đành hướng trẻ chuyển sang các hoạt động ít di chuyển mạnh hơn như nhảy cò cò, nhảy dây. Bé lắc đầu bảo: “Cô không cho đâu, không tin mẹ lên hỏi cô đi”.

Đúng là cô giáo không cho thật, bảo rằng giờ ra chơi, bé được phép xuống sân trường để... đi vòng vòng chứ không được chơi đùa, chạy nhảy. Rõ ràng hoạt động “đi vòng vòng” quá chán so với những bộ phim hoạt hình hấp dẫn trên ti vi. Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm (2 tháng sau khi trẻ bắt đầu đi học), cô giáo liên tục than phiền là học sinh “quậy” quá, nhiều trẻ không nghe lời, đã bảo không được chạy nhảy mà giờ ra chơi cứ chạy mồ hôi chảy ròng ròng, ướt hết áo thì làm sao mà học (?)

Tôi thực sự sốc vì quy định của nhà trường và quan điểm của cô giáo. Thứ nhất, về mặt nhu cầu vận động, cấm một đứa trẻ ở tuổi tiểu học chơi đùa, chạy nhảy chẳng khác nào trói tay, trói chân chúng. Vận động thông qua vui chơi là nhu cầu tự nhiên của tất cả những đứa trẻ trên hành tinh này, ngoại trừ trẻ thiểu năng vận động. Thứ hai, về mặt sức khỏe, vận động giúp trẻ tăng cường sức mạnh cơ bắp, củng cố cho hệ tim mạch, giúp đẩy xa những “đại dịch” của thời hiện đại như tiểu đường, béo phì... Về sức khỏe tâm thần, vận động giúp trẻ xả stress, giúp tinh thần phấn chấn, giúp đầu óc minh mẫn, tập trung hơn, chắc chắn là sẽ giúp trẻ học tốt hơn. Ấy là chưa nói tới hàng loạt lợi ích khác như thông qua các trò chơi vận động: trẻ học được cách xử lý tình huống thắng/thua, học được cách xử lý khi va chạm với bạn, học được tinh thần đồng đội, biết cách kết bạn... Tất cả đều là những kỹ năng cực kỳ quan trọng cho cả cuộc đời một con người.

Hiện mỗi tuần bé có 2 tiết thể dục, còn lại thì tha hồ ngồi một chỗ. Mà mỗi ngày bé ở trường tới 9 giờ đồng hồ. Hiện có  một số trường tiểu học bán trú tổ chức cho trẻ học các môn thể thao như bóng rổ, bóng chuyền, đá banh… tại công viên, trung tâm thể thao mỗi tuần thêm một lần. Vẫn là quá ít ỏi so với yêu cầu vận động của một đứa trẻ, được các chuyên gia khuyên là 60 phút/ngày nhưng rõ ràng có vẫn hơn không. Chuyện tổ chức vận động cho trẻ ở trường học dường như là tùy thích, hiệu trưởng trường nào “có lòng” thì tổ chức trong giờ học, không thì thôi.

Tôi không thể hiểu nổi vì sao mỗi ngày con mình phải bỏ ra quá nhiều thời gian, gò lưng, căng mắt mà luyện viết cho thật chuẩn từng li từng tí theo yêu cầu của cô giáo. Bé phải bỏ quá nhiều công sức để luyện chữ đẹp giữa thời đại người người viết bằng máy tính trong khi vận động, nhất là vận động qua vui chơi - thứ giúp trẻ sống khỏe mạnh hơn, tinh thần phấn chấn hơn, học tốt hơn, xây dựng các kỹ năng sống cần thiết cho cả cuộc đời - thì nhà trường, cô giáo chẳng hề quan tâm tới, thậm chí cấm đoán.

Chừng nào chưa có quy định của cấp quản lý giáo dục về điều này, trẻ sẽ tiếp tục có “cơ hội” ngồi một chỗ suốt ngày!

Tường Khuê

>> Dạy học sinh phòng chống tham nhũng
>> Dạy học hè miễn phí
>> Nơi dạy học trò cách ứng xử
>> Thay đổi cách dạy, học văn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.