Nước mắt

12/12/2007 00:30 GMT+7

Khi chiếc hòm viền những hàng bông hồng đỏ tươi có hai con rồng chầu trăng đã hạ huyệt, tiếng dây thừng kéo ròng rọc lạnh người đã ngưng, vợ con, anh em, chị em, cô bác, gia đình ruột thịt của Phạm Tiến Duật và bè bạn lần lượt đến gần huyệt mộ, mỗi người cầm một hòn đất, ném xuống.

Duật ơi! Thôi thế từ nay là vĩnh biệt. Nào có thể ngờ hôm nay Duật đi. Đi mãi mãi như tan vào cõi mộng. Duật có trở thành vầng mây đỏ ối. Cứ chiều hôm lại sáng cuối trời xa. (*)

Chờ cho đến lúc mọi người đã thắp hương và vái xong, một người đàn bà, cao dong dỏng, mặc áo quần tuyền đen, gò má và khóe mắt đã gợn nhiều nếp nhăn, bước ra đứng trước bức ảnh Phạm Tiến Duật. Bà thắp hương rồi chắp tay vái, nước mắt đầm đìa. Bà lầm thầm khấn, rồi lại khóc, nức nở. Một lát bà lấy hai tay đã gầy guộc qua năm tháng, lau đi lau lại gương mặt vẫn tràn trề những giọt mặn.

Tôi đến bên bà.

- Thưa bà, thứ lỗi cho tôi vì sự đường đột này, dạ bà ở Hà Nội ạ?

- Không. Tôi ở Hà Tĩnh.

Bà nói tiếng Hà Tĩnh, nhỏ nhẹ, thầm thì, nghe lay động như dáng áo xanh những cô gái thanh niên xung phong một thời. Tôi hỏi:

- Vậy, ở huyện nào ạ?

- Ở huyện Thạch Hà... Nghe tin anh Duật đau nặng và mất, tôi ra thăm.

- Anh Duật có họ hàng thân thích nơi Hà Tĩnh ạ?

- Không. Tôi là thanh niên xung phong, ở Tổng đội 55. Mỗi lần xe qua, chị em thanh niên xung phong lại chạy ra đường: "Mấy anh lái xe Trường Sơn ơi, dừng lại một chút đã nào!".

Đêm ấy là một đêm không trăng. Trời sáng lờ nhờ dưới ánh những chiếc đèn dù thả xa xa đâu đó.

- Không dừng lại được đâu! Thế có yêu lái xe không?

Tiếng các cô gái ríu rít:

- Chờ ngày thống nhất đã!

Bà kể lại chuyện xưa, vẫn thế, trong nước mắt.

Có một hôm, đơn vị đưa cho bà một mẩu báo. Chị em trong tiểu đội bảo: Này, đọc đi! Ông hôm nọ là nhà thơ, tao cứ tưởng là lái xe.

Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh là Thạch Nhọn
Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón
... Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để
Anh lặng người như trôi trong tiếng ru
Tranh thủ có ánh sáng đèn dù
Anh vội nhìn em và bạn em khắp lượt
Mọi người cũng tò mò nhìn anh
Rồi bóng tối lại khép vào bóng tối
Em ơi em, hãy nghe anh hỏi
Xong đoạn đường này các em làm đâu?

Anh đã tìm em, rất lâu, rất lâu
Cô gái ở Thạch Kim Thạch Nhọn
Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm
Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều

Anh đã đi rất nhiều, rất nhiều
Những con đường như tình yêu mới mẻ
Đất rất hồng và người rất trẻ
Nhưng chẳng thấy em, 
  cô gái ở Thạch Nhọn Thạch Kim.
...
"Cạnh giếng nước có bom từ trường
Em không rửa, ngủ ngày chân lấm
Ngày em phá nhiều bom nổ chậm
Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà..."
 Từ cái đêm "Thạch Nhọn Thạch Kim"(*)
Ơi em gái chưa một lần rõ mặt
Có lẽ nào anh lại mê em

Bà vẫn khóc. Tôi hỏi:

- Thế từ buổi ấy, bà có gặp lại anh Duật không?

Bà lắc đầu:

- Không.

Tôi lại hỏi:

- Thế bà quê ở xã nào?

- Tôi quê ở Thạch Kim. Hôm đó, anh Duật hỏi:

Quê cô ở đâu đấy?

- Tôi nói là Thạch Nhọn. Mấy đứa trong tiểu đội cười rầm: Con ni nói dối đó. Nó ở Thạch Kim mà nó nói lừa là Thạch Nhọn.

Bà tên là Nguyễn Thị Nhị. Năm nay 62 tuổi. Bà vào thanh niên xung phong lúc 21 tuổi, năm 1966. Sau năm 1972, bà xuất ngũ. 

Tôi nhìn vào đôi mắt bà.

- Ông ở nhà làm gì ạ?

Bà nở cười, đôi môi nửa hồng nửa tê tái:

- Tôi chưa có gia đình lần nào, từ ngày rời tuyến đường, vẫn thế, bán rau, bán bánh ở Thạch Kim. Thạch Kim là vùng cát.

Tôi nhìn vào chiếc túi vải thổ cẩm bà đeo trên vai.

- Trong túi, đựng gì mà dày thế ạ?

Vẫn đôi mắt chưa khô lệ, bà nhìn vào chiếc túi vải:

- Các anh mới cho tuyển tập thơ Phạm Tiến Duật.

Chúng tôi cùng nhìn sâu vào ánh mắt xa xăm của bà. Thời gian trôi trên mái tóc (*). Bây giờ, đến lượt tôi và các bạn đang đứng quanh bà, ứa lệ.

Giọt nắng là nước mắt của mặt trời. Thế gian nói thế. Sương là nước mắt của đêm. Trên đời nay, bao nhiêu sông, bao nhiêu suối, bao nhiêu hồ, bao nhiêu đầm, bao nhiêu chiếc ao làng mà ngày ngày mẹ ta hằng vo gạo, là nước mắt của người, khóc thời gian, khóc nỗi đau một thuở anh hùng, khóc những vần thơ, chảy mãi, chảy hoài, non cùng, biển tận, vốn khôn nguôi.

Chiều 11.12.2007

Nguyễn Chí Trung

(*) ý thơ và thơ Phạm Tiến Duật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.