Trẻ nói ngọng sẽ tiếp thu kém

04/08/2012 03:20 GMT+7

Mỗi tuần, Khoa Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) thăm khám và tập nói cho gần 200 trẻ chậm nói, trong đó trẻ nói ngọng chiếm khoảng 60%.

Theo nhà trị liệu Hà Thị Kim Yến (nguyên Trưởng khoa Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi đồng 1), hiện tại rất nhiều trẻ mắc tật nói ngọng nhưng gia đình thường chủ quan, bỏ qua. Đến khi trẻ đi học, tiếp thu chậm, phát âm không rõ ràng, phụ huynh mới đưa con mình đi... tập nói. Điều này khiến cho quá trình tập nói và điều chỉnh cách phát âm của trẻ càng khó khăn.

 Trẻ nói ngọng sẽ tiếp thu kém
Trẻ tập nói tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM - Ảnh: Hà Minh

Chị N. (TP.Vũng Tàu) có đứa con duy nhất năm nay đã 6 tuổi nhưng vẫn chưa thể nói rõ ràng các câu giao tiếp thường ngày. Chị N. cho biết: “Lúc con tôi lên 4 tuổi, bé phát âm lờ lợ, tôi cứ nghĩ bé lớn lên sẽ khỏi. Nhưng càng lớn, bé nói chuyện rất khó nghe. Thấy vậy tôi mới đưa con đến bệnh viện thăm khám và tập vật lý trị liệu. Nay bé đã đỡ phần nào nhưng trong các câu dài, thường bé vẫn còn ngọng một số từ có âm đầu là ng, ph...”. Còn bé T.T.N (5 tuổi, nhà ở Q.1, TP.HCM) được mẹ đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 khám vì phát âm bất thường, như: từ “thịt” bé nói thành “hịt”... Mẹ bé N. cho biết: “Ở trường N. bị bạn bè trêu chọc nên bé càng ít nói hơn”.

Cũng do nói ngọng, nhiều trẻ bị bạn bè xa lánh. Bé M. nhà ở Q.Tân Phú (TP.HCM) năm nay 4 tuổi, đến Bệnh viện Nhi đồng 1 khám trong tình trạng nói sai hoàn toàn các phụ âm đầu của tiếng Việt, như “đầu” thì nói “ầu”, “ngủ” nói thành “ủ”... M. rất năng động và thích giao tiếp với bạn bè. Đáng buồn, vì tật nói ngọng nên các trẻ khác không hiểu ý và thường hạn chế chơi với M.

Cũng theo bà Hà Thị Kim Yến, hầu như các trường hợp trẻ bị ngọng thường phát hiện trễ. Đa phần trẻ đến đây chữa chứng nói ngọng đều nằm trong độ tuổi từ 4-6.

“Trẻ chậm nói gặp nhiều thiệt thòi trong sinh hoạt và học tập. Khi tình trạng chậm nói kéo dài, trẻ dễ tự ti và có tâm lý ngại giao tiếp với mọi người. Khi trẻ bước vào những cấp học cao hơn, tật nói ngọng sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng nghe giảng, tiếp thu bài...”, bà Kim Yến cho biết. Bà Kim Yến cũng lưu ý thêm, một đứa trẻ bình thường từ 12 đến 15 tháng tuổi thì việc phát âm đã khá rõ những từ đơn giản (như “ba”, “bà”...). Trẻ từ 18 đến 20 tháng tuổi đã có thể kết hợp hai từ lại với nhau (như “ăn cơm”, “đi chợ”...). Đến 2 tuổi, bé bắt đầu nói được những câu ngắn khoảng vài ba từ (như “Bé đi chơi”, “Mẹ đi làm”...). Trẻ 3 tuổi thì gia đình có thể hiểu ý trẻ nói tới trên 90%, còn người ngoài có thể hiểu được khoảng 70%. Nếu nghe con phát âm mà cha hiểu dưới chỉ số vừa nêu, phụ huynh nên đưa con khám để có biện pháp can thiệp, nếu trẻ bị tật nói ngọng.

Hà Minh - Minh luân

>> Tránh sai lầm khi chữa nói ngọng
>> Khi bé nói ngọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.