Chuyện cái muỗng

15/09/2012 09:39 GMT+7

Con trai tôi gần 5 tuổi, nặng 29kg, người tròn tròn. Ai gặp bé cũng muốn nựng hoặc bẹo má. Là mẹ tôi thấy vui dù những lần đi khám bệnh định kỳ bác sĩ cảnh báo bé dư cân.

Có thể bác sĩ nói âm lượng hơi nhẹ nên tôi nghe rồi để đấy, cứ ngất ngây với vẻ bụ bẫm của con mình. Nhưng rồi âm lượng cảnh báo của bác sĩ cũng lớn dần lên: “Con chị thừa cân rồi, hãm lại đi, không thì béo phì đấy!”. Nói rồi, ông bác sĩ nhéo vào cái bụng của bé: “Bụng toàn mỡ!”. Lúc đó vợ chồng chúng tôi mới bàn bạc và lên kế hoạch cụ thể từ ăn uống, ngủ nghỉ cho con và quan tâm hơn chuyện ăn uống của trẻ em để học hỏi. Nào là giảm chất bột, tăng trái cây, rau củ, giảm xem tivi, chơi game trên máy tính, tăng vận động. Không ngờ bé rất thích các trò chơi vận động nên dần dần cái bụng gọn hơn.

Trong một lần ăn tối, tôi thấy cái miệng con đầy ắp thức ăn, má phồng ra, trên tay bé sẵn sàng một muỗng đầy cơm chờ đợi. Bé nhai và nuốt rất nhanh. Thấy tôi ngạc nhiên, bé giải thích ngay: “Cô giáo nói phải xúc đầy như thế ăn mới nhanh, ai ăn chậm là không ngoan!”. Tôi sợ bé hóc nên nhẹ nhàng khuyên bé ăn chậm lại, nhưng lời giải thích của tôi không thuyết phục được con.

Bất giác tôi nhớ đến những lúc đưa bé xuống sân chung cư chơi, thấy nhiều bà mẹ cũng dẫn con xuống chơi, kết hợp cho ăn. Những âm thanh vang lên: “Ngoan nào, há to ra, ùm!”, “nuốt!”. Có bé ăn rất ngoan, loáng cái hết bát cơm, được mẹ cho chơi. Có bé thức ăn đang đầy miệng, nhưng mẹ bé đã lăm lăm một muỗng cơm “đầy có ngọn” ở tư thế sẵn sàng và luôn miệng khích lệ bé nuốt thật nhanh, ăn thật nhiều. Có mấy bé vừa ăn xong miếng cơm cuối cùng, mẹ bé chưa kịp mừng thì... ói ào ra sân. Có bé vừa ói xong, mẹ bé lôi ra ngay một chén cháo khác, vừa dỗ dành vừa uy hiếp để bé ăn tiếp. Không phải những bé gầy mới chăm sóc như thế, mà ngay cả bé bụ bẫm cũng được mẹ o bế chuyện ăn uống. Mẹ nào cũng mong con mình giống như những bé “ăn muỗng đầy và ăn nhanh” kia, chứ không thích ăn muỗng nhỏ và nhai chậm.

Đến một ngày gặp một người bạn, tôi nhắc chuyện ăn uống của trẻ con. Đáp lại, bạn tôi kể từng được một chuyên gia dinh dưỡng tư vấn cái muỗng rất quan trọng với sự phát triển của bé. Bé ở độ tuổi nào dùng muỗng kích cỡ đó, xúc cơm vừa phải, hướng dẫn bé ăn chậm, nhai kỹ để bé cảm nhận được những loại thức ăn. Điều này không những giúp tiêu hóa tốt (do nhai kỹ), không ăn nhiều nhưng no lâu và rất tốt cho dạ dày, sẽ không gây béo phì. Lớn lên trẻ quen cách ăn từ tốn, không nhai phồng mồm, phồng má...

Tôi bỗng nhớ cách đây khoảng 10 năm, một người bạn rủ tôi đi picnic cùng các bé người Nga học một trường tiểu học ở Hà Nội. Các bé rất hiếu động, chạy nhảy nhanh thoăn thoắt. Đến giờ ăn, sau khi rửa chân tay, các em ào vào bàn thức ăn. Tôi tưởng tượng một cảnh phồng mồm phồng má sắp diễn ra. Nhưng không! Các bé thành thạo cầm dao, nĩa nhẹ nhàng lấy thịt, dưa leo, một ít nước xốt cho vào đĩa của mình, rồi dùng dao cắt thức ăn và cho từng miếng nhỏ vào miệng ...

Hóa ra, một trong những nguyên nhân quan trọng làm trẻ con béo phì có thể từ cái muỗng! Và cái muỗng có thể tạo nên hình ảnh rất xấu xí của trẻ con khi ăn uống. Nhìn một người ngốn từng khối thức ăn trong miệng quả thật chẳng hay ho, lịch sự tí nào. Liệu các bà mẹ có muốn con mình như thế không?!

Theo Bích Hường / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.