Lập lờ 'chùa giả' trong lòng Yên Tử

08/04/2014 15:22 GMT+7

Một doanh nghiệp tư nhân đã dựng lên ngay trong lòng “kinh đô Phật giáo” Yên Tử nhiều địa điểm có thể thắp hương, khấn vái, gây nhầm lẫn cho nhiều Phật tử và du khách.

Một doanh nghiệp tư nhân đã dựng lên ngay trong lòng “kinh đô Phật giáo” Yên Tử nhiều địa điểm có thể thắp hương, khấn vái, gây nhầm lẫn cho nhiều Phật tử và du khách.

Lập lờ “chùa giả” trong lòng Yên Tử
Một “chùa giả” tại Yên Tử - Ảnh: B.N 

Lần đầu tiên hành hương về Yên Tử, bà Nguyễn Thị An, 48 tuổi, ở Bắc Giang băn khoăn vì không rõ “ngôi chùa” bên trong nhà ga cáp treo số 1 của Yên  Tử có tên là chùa gì mà rất đông người đến khấn vái.

“Tôi hỏi thì nhiều người cũng không biết, có người gọi là chùa Ga Cáp treo”. “Chùa Ga Cáp treo” có diện tích khoảng 60 m2, mái ngói nâu cong vút, các cột chống tròn trịa sơn son thếp vàng, lại có tượng Phật, điện Tam bảo, thờ Trúc Lâm Tam tổ.

Vào hai tháng đầu cao điểm của mùa lễ hội Yên Tử, “chùa” còn có một ni sư với pháp danh Thích Viên Giác đến ngồi tụng kinh, gõ mõ ngày đêm.

Tuy nhiên, trao đổi về cái tên khá lạ lẫm “chùa Ga Cáp treo”, thầy Thích Vân Phong, trụ trì chùa Đồng, Yên Tử cho biết: Công trình này không nằm trong hệ thống chùa Yên Tử, cũng không là chùa do Giáo hội Phật giáo Việt Nam lập nên và Thích Viên Giác chỉ là một Phật tử, chứ không phải là ni sư thuộc Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh.

“Cũng không thể gọi đây là chùa được, vì đó chỉ là một điểm thờ tự do tư nhân lập ra mà thôi”, thầy Thích Vân Phong khẳng định.

Cũng theo thầy Thích Vân Phong, điểm thờ tự trên trước đây vốn dĩ là nơi sắp lễ mỗi dịp tổ chức khai hội Yên Tử. Trong khi lễ hội diễn ra thì nơi đây lại là… sân khấu biểu diễn văn nghệ.

Từ năm 2012, khi Yên Tử chuyển địa điểm khai hội ra khu vực mới gần bến xe Giải Oan như ngày nay, Công ty cổ phần Tùng Lâm bắt đầu tự ý dựng điện thờ, nhập tượng, thỉnh sư về và bài trí nơi đây giống như một ngôi chùa thực sự.

Không chỉ vậy, bên cạnh “chùa Ga Cáp treo” tại nhà ga số 1, doanh nghiệp này còn lập tiếp một điểm thờ tự khác tại chân nhà ga số 3. Điểm này tuy có diện tích nhỏ hơn (khoảng 40 m2 - PV) và thờ Phật Thích Ca Mâu Ni nhưng cũng mở cửa suốt ngày đêm.

Trên thực tế, tại hai điểm thờ tự kể trên đều đặt các khay đựng tiền “giọt dầu” và hòm đựng tiền công đức. Tuy nhiên, nhiều người không hiểu rằng, tiền cúng của họ đã vào túi Công ty cổ phần Tùng Lâm.

Đại diện Công ty Tùng Lâm cho biết hai điểm thờ tự trên chỉ lập ra để “thờ duyên”, nghĩa là cho cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp thắp hương, khấn vái cầu nguyện thể hiện lòng thành kính đối với Phật tổ và Phật hoàng. Còn tiền công đức sẽ được dùng để làm từ thiện, nên Công ty Tùng Lâm vẫn duy trì các điểm thờ tự này.

Theo tìm hiểu của PV, trong nhiều cuộc họp, các chư tăng, ni trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh đã lên tiếng phản đối việc làm kể trên của Công ty Tùng Lâm. Tuy nhiên, đại diện của Tùng Lâm luôn vắng mặt trong các cuộc họp này, khiến dư luận bức xúc.

Bích Ngọc

>> Triển lãm ‘Tinh hoa cổ vật Phật giáo’
>> Công bố các kỷ lục Phật giáo
>> Triển lãm di sản văn hóa mỹ thuật Phật giáo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.