Từ vụ cháy chợ Quy Nhơn

17/12/2006 23:48 GMT+7

Có lẽ đây là vụ cháy chợ lớn nhất từ trước tới nay ở nước ta. Trước đó, đã từng xảy ra không ít vụ cháy chợ, kể cả chợ Đồng Xuân nổi tiếng ngay giữa Hà Nội cũng đã từng bị thần lửa hủy hoại. Riêng vụ cháy chợ Quy Nhơn, mặc dù tỉnh Bình Định đã huy động toàn lực chữa cháy nhưng đã bất lực: cấu trúc chợ đã không cho phép các phương tiện chữa cháy thực thi hữu hiệu nhiệm vụ của mình.

Vụ cháy xảy ra đúng thời điểm các chủ sạp mới cất hàng chuẩn bị bán trong dịp lễ Giáng sinh và Tết dương lịch nên thiệt hại càng lớn. Chắc chắn, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã có phương án trợ giúp nhằm làm giảm thiểu những khó khăn cho những hộ tiểu thương buôn bán ở chợ Quy Nhơn, vì với nhiều hộ buôn bán ở đây, họ đã trắng tay sau vụ cháy kinh hoàng này.

Từ vụ cháy chợ đầy nguy hiểm và gây thiệt hại lớn này, có một số điều cần phải suy nghĩ và tìm cách giải quyết, hầu giảm thiểu những tai họa như thế này cho tất cả các chợ trên toàn quốc. Người ta hay nói "như một cái chợ" - nghĩa là ở đó có rất nhiều "chủ" nhưng lại không có ai thực sự là chủ cả. Chợ nào cũng có một ban quản lý chợ, nhưng như chợ Quy Nhơn cháy lúc 8 giờ tối, bấy giờ ban quản lý, nếu có, đang ở đâu? Ai cũng biết, khả năng cháy chợ nhất là trong mùa khô hanh, là rất lớn, nhưng đã có những biện pháp cụ thể gì để phòng chống?

Những chợ như  chợ Lớn Quy Nhơn, xây trong thời bao cấp bất chấp những quy định tối thiểu về phòng cháy chữa cháy, với cấu trúc bất hợp lý, chỉ lấy tiêu chuẩn "hoành tráng" là chính, vừa cồng kềnh thiếu mỹ quan vừa thiếu những lối thoát hiểm và những con đường rộng quanh chợ cho xe cứu hỏa tác nghiệp khi có hỏa hoạn. Những "mô hình chợ" như chợ Quy Nhơn hiện vẫn còn không ít trong cả nước, và như thế, những mối nguy hiểm vẫn tiếp tục rình rập và sẵn sàng bộc phát bất cứ lúc nào.

Bây giờ, khi kinh tế thị trường phát triển, đã mọc lên ngày càng nhiều những siêu thị và cửa hàng bán lẻ. Đó là những địa điểm kinh doanh "có chủ", và người chủ phải lo trước tiên đến an toàn cho siêu thị hay cửa hàng của mình, có phương án phòng ngừa những nguy cơ, tai nạn. Có lẽ sẽ tới lúc, do sự quyết định của thị trường, những cái chợ lớn ở thành phố sẽ tự thu hẹp quy mô cũng như sự quá đa dạng các mặt hàng ở đó. Nếu chợ chỉ chủ yếu bán những mặt hàng thực phẩm, nhất là mặt hàng tươi sống, thì khả năng xảy ra cháy chợ cũng được giảm thiểu.

Một cái chợ "tổng hợp" như hiện nay, ở mức độ nào đó có thể thuận lợi cho người mua kẻ bán, nhưng hoàn toàn bất lợi trong bảo hiểm. Thêm nữa, những chủ sạp ở chợ trong lúc bán những mặt hàng dễ cháy thì vẫn duy trì phong tục thắp hương ngay ở quầy hàng của mình, ngay cả khi mình không có mặt. Cũng không thể cấm một hoạt động tín ngưỡng như vậy, mặc dù nó có thể là nguyên nhân xảy ra các vụ cháy chợ. Thêm nữa, ở những chợ cũ và thiết kế lạc hậu, những đường điện dẫn tới các quầy hàng chính là "tác nhân" gây cháy lớn nhất.

Đã tới lúc các cơ quan chức năng nhà nước cần phải rà soát lại toàn bộ hệ thống chợ trong cả nước, đặc biệt những chợ ở các thành phố đã có tuổi thọ cao, hoặc xây dựng bất hợp lý, không an toàn. Từ đó, mới có thể có những biện pháp thật cụ thể phòng cháy chữa cháy cũng như phòng tránh những tai nạn khác.

Chợ Quy Nhơn bị cháy lúc không có người, vì thế thiệt hại hàng hóa là rất lớn. Nhưng nếu chợ cháy lúc đang tấp nập người mua kẻ bán, thì hậu quả sẽ ra sao?  Và sau chợ Quy Nhơn, sẽ còn chợ nào nữa bị thần hỏa xuống tay nếu chúng ta cứ "cháy chợ hàng xóm bình chân như vại"?

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.