Phóng viên đài huyện: Những người làm báo 'qua loa'

18/06/2014 10:38 GMT+7

Nhân dịp kỉ niệm 89 năm Ngày Báo chí Cách mạng VN 21.6, PV Thanh Niên đã gặp gỡ chia sẻ những câu chuyện buồn vui của những người làm báo còn nhiều thiệt thòi này.

Nhân dịp kỉ niệm 89 năm Ngày Báo chí Cách mạng VN 21.6, PV Thanh Niên đã gặp gỡ chia sẻ những câu chuyện buồn vui của những người làm báo còn nhiều thiệt thòi này.

 Phóng viên đài huyện: Những người làm báo 'qua loa'
Phóng viên Đài truyền thanh H.Quảng Điền trong một lần tác nghiệp - Ảnh: Đình Toàn

Với những người làm đài huyện, chiếc loa phát thanh với họ có vai trò cực kì quan trọng nhằm chuyển tải thông tin đến với đông đảo người dân một cách hiệu quả nhất.

Chiếc loa thời @

Với đại đa số người dân vùng nông thôn, dù đang là thời đại bùng nổ kĩ thuật số, đa dạng các loại hình truyền thông thì những chiếc loa phát thanh vẫn là người bạn thân thiết cung cấp nguồn thông tin ngồn ngộn cho họ hằng ngày. Những chiếc loa có mặt trên những lũy tre làng, bên góc đường nhà hay bên những cánh đồng oi nồng mùi rơm rạ. Khi chúng tôi về huyện vùng trũng Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế) thì ngoài thông tin thời sự nóng hổi về tình hình biển Đông thường xuyên được cập nhật trong những bản tin chính của Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền thanh huyện cũng liên tục sản xuất, phát sóng những chương trình phát thanh của địa phương mình. Đó là những bản tin về tình hình nắng hạn, những cảnh báo về thời tiết cực đoan, dịch bệnh mùa hè đối với con người lẫn gia súc, gia cầm, tôm cá… Hay những bài viết giới thiệu gương điển hình, những kinh nghiệm, mô hình trong sản xuất, kinh doanh, mô hình về phòng chống biến đổi khí hậu đều được giới thiệu qua hệ thống loa đài trên toàn huyện. “Từ lâu lắm rồi cuộc sống chúng tôi đã quen với những chiếc loa công cộng. Nếu như báo chí, truyền hình, internet với người dân chúng tôi còn hạn chế và không phải lúc nào chúng tôi cũng tiếp cận được thì những thông tin chúng tôi đón nhận trên loa đài là những món ăn tinh thần rất quý giá”, ông Nguyễn Văn Lành (54 tuổi), ở xã Quảng Công, H.Quảng Điền chia sẻ.

Quảng Điền hiện có khoảng 500 cụm loa, phần lớn là hệ thống loa vô tuyến tiếp - phát sóng Đài tiếng nói Việt Nam, đài tỉnh và phát chương trình của đài huyện sản xuất đến với người dân 12 xã, thị trấn. “Do tính đặc thù của hệ thống thông tin, tuyên truyền qua loa phát thanh ở tuyến huyện nên chúng tôi cố gắng làm sao bác nông dân ra đồng hằng ngày, người ta đi tập thể dục buổi sáng cũng có thể tiếp cận được những thông tin thời sự, những bài viết phản ánh cuộc sống một cách nhanh và có chiều sâu nhất qua hệ thống loa phát thanh lẫn chiếc điện thoại di động mang bên mình”, ông Nguyễn Khải, Trưởng Đài truyền thanh H.Quảng Điền bộc bạch.

“Qua loa” nhưng không qua quýt

Là một huyện vùng chiêm trũng đồng thời cũng là huyện vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai nên đội ngũ lãnh đạo, cán bộ kĩ thuật, phát thanh viên, phóng viên tại Đài truyền thanh H.Quảng Điền luôn phải “nam chinh bắc chiến” để có tin, bài cho chương trình phát thanh hằng ngày. “Nguyên tắc của chúng tôi là bản tin phải “nóng”, chúng tôi cực kì hạn chế đưa tin theo kiểu “vừa qua, tại xã X, phòng Y triển khai chương trình này, dự án kia. Tin là phải làm và phát ngay trong ngày, bất đắc dĩ mới dùng bản tin chuyện xảy ra ngày hôm trước sáng hôm sau mới đưa. Anh em nào làm tin muộn, tin “nguội” kiểu như thế không chỉ bị tôi “gác” mà còn bị phê bình”, ông Khải nói thêm. Để làm được điều đó, phóng viên, kĩ thuật viên của các đài huyện hằng ngày cũng phải tác nghiệp như bao phóng viên cơ quan báo chí khác, cũng trải qua nhiều gian khổ, hiểm nguy.

Hiện nay ngoài những chương trình tiếp - phát sóng của đài trung ương và đài tỉnh, Đài truyền thanh H.Quảng Điền tự sản xuất chương trình phát thanh có thời lượng 30 phút và phát sóng lúc 5 giờ 30 và 17 giờ 30 mỗi ngày. Mỗi chương trình tối thiểu có 6 tin, 3 bài, mỗi năm đài sản xuất trên 300 chương trình.

Ngoài ra mỗi tháng buộc phải có ít nhất 16 chương trình phát thanh chuyên đề đài sản xuất để làm phong phú nội dung và tăng tính hữu ích của hệ thống truyền thông cấp cơ sở này... Để làm được những điều đó, cả 6 người (ngoài 1 kế toán) gồm 2 phóng viên, 2 kĩ thuật viên, 2 lãnh đạo đài đều phải kiêm nhiệm tất cả các công việc từ thu thập thông tin, biên tập dàn dựng, đọc thu thanh cho việc phát sóng tin bài hằng ngày. Đặc biệt, không khác những cơ quan báo chí, tùy thuộc vào sự kiện “nóng” đang diễn ra mà đội ngũ của đài được huy động tổng lực để thực hiện các chương trình phát thanh trực tiếp. Đó là những phiên toà lưu động, những cuộc họp hay đại hội quan trọng của huyện, xã và nhất là vào mùa lũ bão. “Quảng Điền là một trong những đài huyện đầu tiên làm cầu nối với các xã để thực hiện phát thanh trực tiếp trong mùa lũ bão. Do mùa lũ thường chia cắt giao thông nên khi thực hiện chương trình chúng tôi thường nối điện thoại với cán bộ, lãnh đạo phòng chống lụt bão tại cơ sở để phát thanh trực tiếp trên sóng của đài. Phương thức này tạo hiệu ứng và độ tương tác rất tốt trong công tác thông tin tuyên truyền”, Phó trưởng đài Nguyễn Việt Bình chia sẻ.

Đình Toàn

>> Kiểm tra thông tư hạn chế báo chí tại tòa
>> Loạt bài '25 năm hải chiến Trường Sa' của TNO giành giải A báo chí quốc gia
>> Trao giải các cuộc thi văn học nghệ thuật, báo chí
>> Quyền tác nghiệp của báo chí bị hạn chế tại tòa
>> Trao giải Biếm họa báo chí Việt Nam
>> T.Ư Đoàn phát động giải thưởng báo chí về đề tài thanh thiếu niên
>> Tạm dừng cấp phép thành lập các cơ quan báo chí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.