Bùng nổ cận thị

30/12/2012 03:25 GMT+7

Những nghiên cứu thời gian qua cho thấy tật cận thị đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng tại nhiều nước, đặc biệt là ở trẻ em.

Báo Le Monde dẫn lời Giám đốc khoa học Hội Nhãn khoa Pháp Gilles Renard nhận định, cận thị có thể xem là một trong những vấn đề gây lo ngại đối với sức khỏe cộng đồng của thế kỷ 21. Các bác sĩ nhãn khoa, dù ở nơi nào trên thế giới, cũng đều dễ dàng nhận thấy ngày càng có nhiều bệnh nhi bị mắc tật về mắt này. Kết quả công bố hồi tháng 5.2012 trên chuyên san The Lancet của nhóm nghiên cứu do Giáo sư Ian Morgan thuộc Đại học Canberra (Úc) đứng đầu cho thấy “điểm đen” của cận thị là châu Á: 90% học sinh năm cuối bậc phổ thông khu vực thành thị ở các nước được khảo sát (Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc) mắc tật này, trong đó 10-20% bị cận nặng.

Bùng nổ cận thị
Ảnh: Đào Ngọc Thạch 

Tuy không cao bằng châu Á nhưng ở nhiều nước u - Mỹ, tỷ lệ người bị cận thị cũng không ngừng gia tăng. Tỷ lệ này hiện là 40% cho những người ở độ tuổi từ 12 - 54 tại châu u, tăng gấp đôi so với thập niên 1970. Tại Mỹ, tỷ lệ cận thị gia tăng với tốc độ tương tự và đang ở mức trên 41%. Các tập đoàn sản xuất mắt kính hàng đầu thế giới như Lissac, Essilor những năm gần đây đều cho biết số lượng tròng kính cận được bán ra ngày càng tăng.

Hệ quả thời @

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, nhưng theo các chuyên gia, phần lớn đều bắt nguồn từ lối sống thời hiện đại. Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Morgan đã chỉ ra rằng nguy cơ mắc tật cận thị sẽ tăng cao khi sống ở môi trường thiếu ánh sáng tự nhiên. Đời sống đô thị hóa hiện nay dễ dàng “giam hãm” con người trong 4 bức tường của trường học hay công sở phần lớn thời gian trong ngày. Trong khi đó, ánh sáng tự nhiên là điều kiện sản sinh ra dopamine ở võng mạc. Đây là chất dẫn truyền thần kinh có vai trò thiết yếu trong việc truyền tải hình ảnh đến não bộ, đồng thời giúp hạn chế nguy cơ bị cận thị cho đến 25 tuổi.

Kết quả của nhóm Morgan cũng phù hợp với nghiên cứu của Giáo sư Seang-Mei Qaw thuộc Đại học Quốc gia Singapore đăng trên chuyên san Ophtalmic & Physiological Optics hồi cuối năm 2011: có 78,4% thiếu niên thành thị Trung Quốc bị cận thị ở tuổi 15, trong khi tỷ lệ này ở bạn bè đồng trang lứa sống tại nông thôn chỉ 55%. Ngoài ra, trẻ em ít tham gia hoạt động ngoài trời như thể thao (chạy bộ, đạp xe...), dã ngoại cũng bị cận thị nhiều hơn.

Đam mê công nghệ cũng được cho là dễ dẫn đến nguy cơ cận thị. Ngày nay, giới trẻ có quá nhiều loại màn hình để “dán mắt” vào: từ truyền hình, máy tính, điện thoại di động đến máy tính bảng. Bị “huy động” triền miên như thế và đa phần là với điều kiện ánh sáng, khoảng cách không thích hợp, “cửa sổ tâm hồn” quá tải rồi sinh tật cũng là điều dễ hiểu. Mặt khác, nhiều người lại có thói quen bỏ kính ra khi dùng máy tính nên lại càng dễ làm mắt bị mỏi.

Để hạn chế tật cận thị, nên có chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ các loại vitamin A, C, D, E; ăn nhiều trái cây, rau củ, đặc biệt là các loại có màu sậm như củ dền, cà rốt, bí đỏ... 

Lan Chi

>> Thiết bị phòng ngừa cận thị
>> Giúp trẻ giảm nguy cơ bị cận thị
>> 90% học sinh Đông Á bị cận thị do thiếu ánh sáng tự nhiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.