Tổng cục Thuế nói về siết hóa đơn điện tử trong mua bán vàng

02/05/2024 21:49 GMT+7

Đối với lĩnh vực gia công vàng, bạc, có một số trường hợp người mua hàng gia công, dịch vụ gia công là cá nhân, không lấy hóa đơn dẫn đến khó khăn cho cơ quan thuế trong việc kiểm soát giao dịch.

Trao đổi với Thanh Niên hôm nay (2.5) xung quanh vấn đề áp dụng hóa đơn điện tử trong lĩnh vực mua bán vàng, đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết: từ ngày 1.7.2022, hóa đơn điện tử đã được triển khai trên toàn quốc đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

Theo đó, 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh kinh doanh vàng, bạc đã sử dụng hóa đơn điện tử.

Đối với việc kinh doanh vàng miếng và vàng trang sức, mỹ nghệ, cơ bản cơ quan quản lý thuế đã kiểm soát được việc xuất hóa đơn

Đối với việc kinh doanh vàng miếng và vàng trang sức, mỹ nghệ, cơ bản cơ quan quản lý thuế đã kiểm soát được việc xuất hóa đơn

NGỌC THẮNG

Từ ngày 15.12.2022, ngành thuế chính thức triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng hóa đơn điện tử một cách nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm; đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế đối với lĩnh vực bán lẻ.

Theo quy định tại Điều 90 luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 của Quốc hội, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua.

Đối với việc kinh doanh vàng miếng, chỉ doanh nghiệp đáp ứng quy mô lớn về nguồn vốn, mạng lưới chi nhánh… được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mới được phép kinh doanh.

Doanh nghiệp sẽ được mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ khi có đăng ký kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; có địa điểm, cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ.

"Đối với 2 lĩnh vực này, cơ bản cơ quan quản lý thuế đã kiểm soát được việc xuất hóa đơn. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực gia công vàng, bạc, có một số trường hợp người mua hàng gia công, dịch vụ gia công là cá nhân và không lấy hóa đơn, dẫn đến khó khăn cho cơ quan thuế trong việc kiểm soát giao dịch", đại diện Tổng cục Thuế nhấn mạnh.

Để kiểm soát được toàn bộ các giao dịch này, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành địa phương.

Trong đó, vai trò của ngân hàng trong việc kiểm soát dòng tiền, vai trò của UBND các tỉnh, thành phố, quận huyện… trong việc chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát là vô cùng quan trọng.

Hơn 5.800 cơ sở kinh doanh vàng đã áp dụng hóa đơn điện tử

Theo Tổng cục Thuế, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát xuất hóa đơn điện tử trong thực hiện các giao dịch mua bán vàng.

100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh kinh doanh vàng, bạc đã sử dụng hóa đơn điện tử

100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh kinh doanh vàng, bạc đã sử dụng hóa đơn điện tử

ĐAN THANH

Sau hơn một năm triển khai, trên toàn quốc đã có 53.425 cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; trong đó có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng, bạc đã thực hiện áp dụng và sử dụng trên 1,065 triệu hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Để tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực này, Tổng cục Thuế kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh vàng bán hàng không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua.

Bên cạnh đó, tổ chức giám sát, kiểm tra việc duy trì, chấp hành của các cơ sở kinh doanh vàng đã áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền…

Nhắc tới câu chuyện minh bạch hóa giao dịch, mua bán vàng dùng hóa đơn điện tử, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, nhấn mạnh đây là xu hướng chung, tất yếu. Như vậy sẽ biết được nguồn vàng như thế nào, ai bán ai mua.

Ông Trần Ngọc Báu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần WiGroup (một đơn vị lớn hoạt động trong lĩnh vực dữ liệu - PV), cũng phân tích: khi tất cả phải xuất hóa đơn, một số dữ liệu liên quan đến thị trường vàng sẽ được giải mã. Ít nhất phải thực hiện việc đong đếm được lượng mua bán ra sao để có những điều tiết chính sách phù hợp.

Ngày 16.4, Ngân hàng Nhà nước đã có Văn bản số 3145/NHNN-QLNH chỉ đạo các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng nghiêm túc thực hiện một số nhiệm vụ.

Trong đó có nhiệm vụ thực hiện đúng chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính; áp dụng hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua bán vàng để nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động mua bán vàng, đặc biệt là mua bán vàng miếng...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.