Tổng thống Ai Cập tuyên bố cứng rắn, gia tăng căng thẳng với Ethiopia

22/01/2024 10:04 GMT+7

Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi của Ai Cập cảnh báo Cairo sẽ không cho phép bất kỳ mối đe dọa nào đối với Somalia, sau khi Ethiopia thông báo việc xem xét công nhận Somaliland trong thỏa thuận có thể giúp nước này tiếp cận một cảng biển.

"Ai Cập sẽ không cho phép bất cứ ai đe dọa Somalia hoặc ảnh hưởng đến an ninh của nước này... Đừng thử Ai Cập hoặc cố đe dọa những người anh em của chúng tôi, đặc biệt nếu họ yêu cầu chúng tôi can thiệp", Reuters dẫn lời ông Sisi nói trong cuộc họp báo với Tổng thống Hassan Sheikh Mohamud của Somalia tại Cairo ngày 21.1.

Tuyên bố của ông Sisi là những lời lẽ cứng rắn nhất về thỏa thuận nói trên từ Ai Cập, quốc gia lâu nay có mối quan hệ lạnh nhạt với Ethiopia. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy Cairo có thể sẽ can dự vào tranh chấp vốn đã làm bùng phát những căng thẳng mới ở vùng Sừng châu Phi đầy biến động, theo Reuters.

Tổng thống Ai Cập tuyên bố cứng rắn, gia tăng căng thẳng với Ethiopia- Ảnh 1.

Tổng thống Sisi tiếp Tổng thống Mohamud tại Cairo ngày 21.1

AFP

Somaliland tuyên bố độc lập khỏi Somalia vào năm 1991 nhưng chưa được công nhận bởi bất kỳ quốc gia nào trong Liên Hiệp Quốc. Lãnh thổ rộng 176.120 km2 nằm ở phía nam vịnh Aden và giáp với Djibouti ở phía tây bắc, Ethiopia ở phía nam và phía tây, cũng như phần còn lại của Somalia ở phía đông.

Thỏa thuận cho thuê cảng giữa Somaliland và Ethiopia đã được chốt hạ hồi đầu tháng này nhưng vẫn chưa hoàn tất. Thỏa thuận sẽ mang lại lợi ích cho Ethiopia, quốc gia không giáp biển, và đã khiến Somalia phẫn nộ.

Theo một bản ghi nhớ đề ngày 1.1, Ethiopia cho biết họ sẽ xem xét công nhận độc lập của Somaliland để đổi lấy quyền tiếp cận cảng. Theo đó, Ethiopia dự kiến sẽ thuê mảnh đất ven biển có chiều dài 20 km xung quanh cảng Berbera ở vịnh Aden, trong vòng 50 năm cho mục đích quân sự và thương mại.

Cảng xuất khẩu đường biển chính của Ethiopia hiện nay nằm ở quốc gia láng giềng Djibouti.

"Thông điệp của tôi gửi tới Ethiopia là… cố gắng giành lấy một mảnh đất để kiểm soát nó là điều sẽ không ai đồng ý", ông Sisi nói trong cuộc họp báo ở Cairo, đồng thời cho rằng hợp tác để phát triển là chiến lược tốt hơn.

Ethiopia hôm 21.1 đã đáp trả những chỉ trích từ Ai Cập về thỏa thuận nói trên, cho biết đây chỉ là thỏa thuận thương mại nhằm đảm bảo quyền tiếp cận biển chứ không phải nỗ lực thôn tính đất đai.

"Đây không phải là chuyện sáp nhập hay thừa nhận chủ quyền đối với lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào", ông Redwan Hussien, cố vấn an ninh quốc gia của Ethiopia, cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội X (Twitter trước đây).

Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry gần đây cáo buộc Ethiopia là nguồn cơn của tình trạng bất ổn tại khu vực. Bộ Ngoại giao Ethiopia sau đó đã bác bỏ cáo buộc này.

Mối quan hệ giữa Ai Cập và Ethiopia, hai quốc gia chia sẻ quyền sử dụng sông Nile, đã căng thẳng trong nhiều năm qua liên quan đến một đập thủy điện lớn mà Ethiopia xây dựng trên sông Nile Xanh.

Iran-Pakistan ăn miếng trả miếng: Chuyện gì đang xảy ra?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.