Trái đất 'giằng co' với bão mặt trời

13/05/2024 06:30 GMT+7

Hôm qua, bầu trời nhiều quốc gia xuất hiện cực quang trong đêm thứ hai liên tiếp, dấu hiệu cho thấy bão mặt trời vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng cho khí quyển địa cầu.

AFP dẫn thông báo của Trung tâm dự báo thời tiết không gian (SWPC) thuộc Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) tính toán được bão mặt trời đã ập đến hành tinh chúng ta vào khuya 10.5 (giờ VN).

SWPC xác định được cường độ bão mặt trời lần này có lúc lên đến cấp G5, tức cấp độ mạnh nhất trong thang đo đạc từ G1 - G5 và cũng là cơn bão mạnh nhất từ mặt trời ập đến địa cầu trong hơn 20 năm. Bão mặt trời cấp G5 gần đây nhất đã xảy ra vào tháng 10.2003, gây cúp điện ở Thụy Điển và làm hư hại các thiết bị biến áp ở Nam Phi. Vì thế, cơ quan này cảnh báo các lưới điện trên trái đất có thể bị ảnh hưởng trên diện rộng trong đợt bão mới nhất.

Cực quang ở TP.Vancouver, thuộc tỉnh bang British Columbia (Canada) đêm 10.5

Cực quang ở TP.Vancouver, thuộc tỉnh bang British Columbia (Canada) đêm 10.5

Reuters

"Một số hệ thống lưới điện có thể trải qua tình trạng sụp đổ toàn bộ, gây cúp điện. Các trạm biến áp có thể bị hư hại", Đài CBS News dẫn thông tin từ SWPC. Bên cạnh đó, hoạt động truyền tải vô tuyến và định vị bằng vệ tinh cũng có khả năng bị gián đoạn.

Cho đến hôm qua, các nước vẫn chưa ghi nhận bất kỳ vụ gián đoạn đáng kể nào cho lưới điện hoặc mạng lưới viễn thông, bất chấp những lo ngại ban đầu của giới hữu trách các nước. SWPC cho hay chỉ mới tiếp nhận một số trình báo ban đầu cho thấy xảy ra sự bất thường ở lưới điện một số khu vực của Mỹ, xuất hiện tình trạng suy giảm năng lực liên lạc tần số cao, GPS và có thể cả định vị vệ tinh.

Rực rỡ Bắc cực quang bùng sáng do bão mặt trời

Tỉ phú Elon Musk, nhà sáng lập Công ty SpaceX hiện vận hành mạng lưới vệ tinh Starlink cung cấp internet băng thông rộng, cho hay các vệ tinh của hãng "gặp áp lực dữ dội (của bão địa từ), nhưng đến nay vẫn kiên trì đứng vững", Reuters đưa tin.

Tuy nhiên, Trung tâm quốc gia về thời tiết không gian (Trung Quốc) sáng 11.5 phát "cảnh báo đỏ" với nội dung bão mặt trời gây ảnh hưởng cho hoạt động liên lạc và điều hướng gần như trên toàn lãnh thổ nước này, theo Tân Hoa xã. Cực quang cũng xuất hiện trên bầu trời đêm ở lãnh thổ phía bắc của Trung Quốc.

Cùng với cơn bão mặt trời mới nhất, hiện tượng cực quang xảy ra trên khắp thế giới, từ vùng Mont Saint-Michel trên bờ biển nước Pháp đến TP.Payette (bang Idaho) ở miền tây nước Mỹ, và lan tới bang hải đảo Tasmania của Úc. Trạm không gian quốc tế (ISS) cũng đối mặt nguy cơ phơi nhiễm bức xạ mặt trời độc hại ở mức độ cao.

Thậm chí các loài chim dựa vào cái gọi là "la bàn sinh học" như bồ câu cũng có thể bị ảnh hưởng bởi bão mặt trời. Những người nuôi ghi nhận số lượng chim bồ câu quay về tổ giảm đáng kể trong lúc bão hoành hành trái đất, theo NASA.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.