Trang bị ‘độc lạ’ giúp xe tăng Nga thích nghi chiến trường Ukraine

Bảo Hoàng
Bảo Hoàng
27/04/2024 15:23 GMT+7

Những chiếc xe tăng mang lớp giáp giống ‘mai rùa’ Nga đã giúp tăng tính phòng thủ trước máy bay không người lái (UAV) của Ukraine, trong thời điểm viện trợ của Mỹ cho Kyiv chưa đến binh sĩ tiền tuyến.

Hồi đầu tháng 4, những binh lính điều khiển UAV của Ukraine đã sửng sốt khi thấy chiếc xe tăng T-72 của Nga lắp những lớp kim loại trên tháp pháo và thân trước, di chuyển trên chiến trường ở Krasnohorivka ở miền đông Ukraine.

Đáng chú ý hơn khi đây không phải chiếc xe tăng độc nhất, mà kiểu trang bị “mai rùa” này ngày càng phổ biến trong quân đội Nga. Nhiều người cười nhạo trước kiểu giáp tự chế này, đặc biệt khi chiếc thiết giáp ban đầu chống chọi được hỏa lực của quân đội Ukraine, song cũng bị phá hủy bởi loạt pháo kích nhắm vào căn cứ Nga ở Donetsk, theo Forbes.

Xe tăng với lớp giáp

Xe tăng với lớp giáp "mai rùa" trên chiến trường Ukraine

CHỤP MÀN HÌNH TELEGRAM STERNENKO

Vì sao quân đội Nga có ý tưởng độc lạ này?

Khi đặt lớp giáp kiểu mai rùa lên chiếc xe tăng, hiển nhiên tầm nhìn và khả năng xoay trụ pháo sẽ bị hạn chế nghiêm trọng. Lớp giáp được trang bị với mục đích hạn chế hiệu quả của các đợt tấn công từ nhiều hướng của UAV cảm tử (FPV) Ukraine. Kiểu trang bị này có thể khiến xe tăng thậm chí dễ tổn thương hơn trước tên lửa hoặc pháo binh, song các loại đạn dược của Ukraine đã cạn kiệt trước khi có nguồn viện trợ của Mỹ nên đây không được coi là mối nguy chính trong thời gian qua.

Xe tăng "mai rùa" kỳ dị xuất hiện ở Ukraine

Phần lớn xe tăng mai rùa đều thuộc biên chế Lữ đoàn Bộ binh Cơ giới số 5 Nga. Nhưng gần đây loại xe tăng này dần được trang bị cho các đơn vị cao cấp hơn, bao gồm Sư đoàn Xe tăng số 90, đang hoạt động tại khu vực xung quanh Avdiivka và sẵn sàng tấn công vào làng Ocheretyne, nơi quân đội Nga đã đẩy lùi được phòng tuyến của Ukraine.

Chuyên gia phân tích Rob Lee từ Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở bang Philadelphia (Mỹ) nói rằng: “Nhiều người đang cười nhạo xe tăng mai rùa, song đây không phải là sản phẩm điên rồ. Người Nga đang thích nghi với các điều kiện cụ thể trên chiến trường”. Điều kiện được nhắc đến ở đây là thực trạng Ukraine thiếu đạn dược trong 6 tháng qua, thời điểm Kyiv chưa nhận được viện trợ của Mỹ.

Ukraine đã giải quyết khó khăn này bằng cách tăng cường xây dựng các công xưởng nhỏ, nhằm sản xuất 100.000 FPV giá rẻ mỗi tháng. Mỗi chiếc UAV có thể tấn công mục tiêu cách xa vài km, mang theo đầu đạn nặng khoảng 0,5 kg.

Một cuộc tấn công của từng UAV đơn lẻ khó có thể phá hủy được chiếc xe tăng nặng 51 tấn được trang bị thêm lớp giáp dày hàng trăm mm. Nhưng các UAV cảm tử có thể là “đòn kết liễu” khi xe tăng bị mất khả năng di chuyển do trúng mìn hoặc tên lửa. Ngoài ra, FPV có thể là vũ khí chết người với bộ binh, khi các nhà phân tích ghi nhận hàng ngàn FPV đã nhắm trực tiếp vào binh sĩ.

Những hình ảnh về xe tăng mai rùa trên chiến trường Ukraine

Những hình ảnh về xe tăng mai rùa trên chiến trường Ukraine

CHỤP MÀN HÌNH ARMY RECOGNITION

Cỗ máy tiên phong

Quân đội Nga thường dùng chiến thuật điều một xe tăng gắn thiết bị gây nhiễu và máy phá mìn tiên phong, dọn đường an toàn cho các xe phía sau, thường sẽ chở bộ binh, đến phòng tuyến của Ukraine.

"Hy sinh khả năng quan sát và xoay tháp pháo trên một xe tăng của mỗi trung đội để gây nhiễu tín hiệu điều khiển nhiều FPV cùng lúc là điều hợp lý… Ưu tiên là đưa các đơn vị bộ binh xung kích băng qua bãi đất trống đến những tòa nhà hoặc vị trí phòng thủ”, ông Rob Lee đánh giá.

Nga đã diệt 5 xe tăng M1 Abrams tại Ukraine trong 2 tháng

Với mục đích đó, xét trên môi trường hiện tại, xe tăng mai rùa sẽ hoạt động hiệu quả, cho đến khi tiền tuyến của Ukraine nhận viện trợ đạn dược từ phương Tây. Tin vui với Ukraine là Lầu Năm Góc ngày 26.4 đã công bố gói viện trợ 6 tỉ USD, bao gồm các loại pháo, UAV và đạn dược, theo Reuters. Khi việc chế tạo FPV vẫn là ưu tiên, thì đối phó với loại UAV cảm tử này là nhiệm vụ của quân đội Nga. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu trang bị thêm giáp và sóng vô tuyến cho chiếc thiết giáp “mai rùa” với số lượng ngày càng tăng.

FPV sẽ không biến mất trên chiến trường, song chúng cũng sẽ không còn là vũ khí chính khi binh sĩ Ukraine nhận đạn và tên lửa chống tăng. Các nhà quan sát sẽ chờ xem liệu chiến tuyến ở miền đông Ukraine có vắng bóng các xe tăng mai rùa khi binh sĩ nhận được viện trợ hay không.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.