Trung Đông chìm vào vòng xoáy bạo lực

Bảo Vinh
Bảo Vinh
30/01/2024 05:56 GMT+7

Vụ tấn công chết chóc nhắm vào lực lượng Mỹ tại Jordan vừa qua có nguy cơ khiến xung đột tại Trung Đông lan rộng, khi lãnh đạo Mỹ đang chịu sức ép từ quốc hội phải có hành động đáp trả.

Giá dầu thế giới hôm qua (29.1) tăng lên vì lo ngại tình hình Trung Đông, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ đáp trả sau vụ tấn công tại Jordan khiến 3 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và 34 người khác bị thương, theo AFP. Vụ tấn công bằng máy bay không người lái xảy ra vào hôm 28.1, đây là lần đầu tiên binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong xung đột tại Trung Đông từ khi chiến sự giữa Hamas và Israel nổ ra vào tháng 10 năm ngoái.

Iran phủ nhận liên quan

"Chúng tôi đang thu thập chứng cứ về vụ tấn công nhưng chúng tôi biết nó do các nhóm vũ trang cực đoan được Iran hậu thuẫn tại Syria và Iraq thực hiện. Chúng tôi sẽ đáp trả", Tổng thống Biden tuyên bố.

Trung Đông chìm vào vòng xoáy bạo lực- Ảnh 1.

Căn cứ Mỹ tại Jordan, nơi xảy ra vụ tấn công hôm 28.1

Reuters

Lực lượng Mỹ và đồng minh tại Iraq và Syria đã bị tấn công hơn 150 lần từ giữa tháng 10.2023 đến nay và Washington cũng nhiều lần đáp trả lại hai nước này. Song, chưa có tổ chức nào nhận trách nhiệm vụ tấn công mới nhất, nhắm vào một căn cứ hỗ trợ hậu cần là nơi đồn trú của khoảng 350 binh sĩ Mỹ ở đông bắc Jordan, giáp với Syria và Iraq. Theo CNN, tổ chức Kháng chiến Hồi giáo tại Iraq, lực lượng liên quân gồm nhiều nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn, thông báo đã tấn công nhiều nơi dọc biên giới Jordan - Syria trong ngày 28.1, gồm một trại lính gần căn cứ Mỹ ở Jordan có binh sĩ thiệt mạng.

Điểm xung đột: Lính Mỹ chết, ông Biden chịu áp lực; tham ô lớn ở Ukraine

Trong một thông báo ngày 29.1, phái đoàn Iran tại LHQ khẳng định Tehran không liên quan vụ việc trong khi một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran cho rằng những cáo buộc nhắm vào nước này được dựng lên "với mục đích chính trị cụ thể nhằm đảo ngược thực tế tại khu vực". Lực lượng Houthi tại Yemen, vốn đã hứng chịu nhiều đợt oanh tạc từ Mỹ và Anh vì tấn công tàu bè tại biển Đỏ, nói rằng vụ tấn công tại Jordan là thông điệp cho chính quyền Mỹ, rằng hành động hiếu chiến của Mỹ và Israel tại Dải Gaza tiếp diễn sẽ có nguy cơ gây ra "một vụ nổ toàn khu vực". Các nước Ả Rập như Jordan, Bahrain và Ai Cập đã lên án vụ tấn công trong khi Ngoại trưởng Anh David Cameron kêu gọi Iran xuống thang vì cho rằng các nhóm vũ trang liên kết với nước này đứng sau vụ việc.

Sức ép đè nặng lên Nhà Trắng

Việc lựa chọn cách thức đáp trả đang là bài toán đối với Tổng thống Biden trong bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ ngày càng đến gần. Nhiều tuần qua, Mỹ chỉ chủ yếu tập trung răn đe bằng những đòn đáp trả các nhóm do Iran hậu thuẫn tại Yemen hay Iraq. Tuy nhiên, những hành động này hứng chịu sự phản đối từ phe ôn hòa tại quốc hội Mỹ, những người cho rằng chính quyền đã không xin phép trước khi ra tay, và cả phe cứng rắn, những người chỉ trích đòn tấn công của Washington là chưa đủ sức nặng.

Israel-Hamas đạt tiến triển trong thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza

Tổng thống Biden đang chịu sức ép lớn từ giới chính trị gia đảng Cộng hòa, gồm cả cựu Tổng thống Donald Trump, người cho rằng tình trạng hiện tại là hậu quả của sự yếu đuối của Nhà Trắng. Hàng loạt nhân vật quan trọng của đảng Cộng hòa tại Đồi Capitol, gồm lãnh đạo đảng này tại Thượng viện Mitch McConnell và các thượng nghị sĩ cứng rắn như Lindsey Graham, Tom Cotton, John Cornyn đã kêu gọi Nhà Trắng đáp trả mạnh mẽ, không chỉ tấn công các nhóm ủy nhiệm của Iran, mà còn phải công kích trực diện lực lượng Iran bên trong lãnh thổ nước này và trên khắp Trung Đông.

Trang Axios dẫn nhận định của giới quan sát cho biết việc Nhà Trắng làm theo những lời kêu gọi đó sẽ là bước leo thang lớn, kéo Mỹ lún sâu vào vòng xoáy bạo lực tại Trung Đông. Hơn nữa, Tổng thống Biden khi đó cũng có thể hứng chịu sự phản đối từ phía đảng Dân chủ của ông nếu làm theo điều mà phe đối thủ chính trị chủ trương. Các chuyên gia cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào lực lượng Iran trong lãnh thổ nước này cũng có thể khiến quốc gia vùng Vịnh đáp trả mạnh mẽ, dẫn đến đối đầu trực tiếp giữa Washington và Tehran.

Thỏa thuận thả con tin tại Gaza còn xa

Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm qua thông báo cuộc đàm phán về thỏa thuận trao trả con tin giữa Israel và Hamas ngày 28.1 có kết quả mang tính xây dựng nhưng vẫn còn khoảng cách lớn giữa các bên.

Trong khi đó, giao tranh ác liệt nhất trong vài tuần đang xảy ra tại các khu vực dân cư đông đúc ở miền nam Gaza, nơi hàng trăm ngàn người sơ tán từ những nơi khác đổ dồn về.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.