Từ Đông sang Tây, các nước có dạy thêm, học thêm như Việt Nam?

Ngọc Long
Ngọc Long
26/11/2023 10:02 GMT+7

Việc dạy thêm, học thêm nhìn chung là một hoạt động giáo dục phổ biến ở các quốc gia, song mỗi nơi lại có mục đích khác nhau tùy theo hệ thống giáo dục và cách tuyển sinh ĐH.

Từ Đông sang Tây, các nước có dạy thêm, học thêm như Việt Nam? - Ảnh 1.

Học sinh Hàn Quốc trên một "con đường học thêm" nổi tiếng hàng đầu ở thủ đô Seoul

THE KOREA HERALD

Chú trọng năng lực cá nhân

Tại Mỹ, chính quyền liên bang hay địa phương không tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH chung mà tự các trường chủ động xét tuyển, thường thông qua điểm học bạ, thành tích học thuật, hoạt động ngoại khóa, bài luận và điểm bài thi chuẩn hóa như SAT, ACT. Chưa kể, ở Mỹ nhìn chung có nhiều con đường học tập, tạo dựng sự nghiệp lẫn đổi hướng sự nghiệp nên áp lực học thêm không nhiều, theo chị Phùng Thùy Linh, phụ huynh có 1 con hiện đang sống tại TP.Pittsburgh (Pennsylvania).

Chị Linh cho biết, việc cho con đi học thêm ngoài giờ chính khóa cũng phổ biến với phụ huynh Mỹ, nhưng học sinh thường chú trọng phát triển năng lực cá nhân thông qua các lớp nghệ thuật, thể thao, kỹ năng sống... Còn tại trường, giáo viên không được dạy thêm cho học sinh của mình vì bị xem là xung đột lợi ích và vi phạm đạo đức nghề nghiệp. "Nếu muốn tạo thêm thu nhập, thầy cô phải thực hiện những công việc khác như bán tài liệu cho đồng nghiệp", nữ phụ huynh chia sẻ.

"Song, tại Mỹ cũng có nhiều dịch vụ luyện thi SAT, ACT... để tăng sức cạnh tranh vào các trường top đầu. Các trung tâm này có đa dạng 'bảng giá' tùy theo khả năng tài chính của gia đình", chị Linh cho biết thêm.

Tương tự Mỹ, Canada cũng không tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH và dân bản xứ không đặt nặng khái niệm phải học ĐH, theo quan sát của chị Nguyễn Thị Thanh Hương, phụ huynh có 2 con hiện đang sống tại TP.London (Ontario). Tại khu vực nơi chị Hương sinh sống, các trung tâm không dạy thêm những môn trong chương trình chính khóa mà chủ yếu bồi dưỡng nghệ thuật và năng khiếu. "Ở trường của các con tôi, thầy cô cũng không tổ chức dạy thêm cho học sinh", chị Hương kể.

Một yếu tố khiến áp lực học tập tại Canada không cao là do cơ hội nghề nghiệp không giới hạn ở tấm bằng ĐH. Chị Hương cho hay, các công ty thường chỉ yêu cầu tốt nghiệp trung học và có chứng chỉ liên quan đến lĩnh vực ứng tuyển, trừ những nghề đặc thù như bác sĩ. "Từ phục vụ ở tiệm thức ăn nhanh đến chăm sóc người cao tuổi, công việc nào cũng cần chứng chỉ và người lao động có thể học ở các trường nghề với thời gian đào tạo từ vài ngày đến vài tháng tùy ngành", nữ phụ huynh thông tin.

Từ Đông sang Tây, các nước có dạy thêm, học thêm như Việt Nam? - Ảnh 2.

Học sinh Wellington College đến thư viện ôn tập trong mùa thi, mỗi bàn học có một giáo viên phụ trách riêng để giải đáp các thắc mắc

NGỌC LONG

Ở New Zealand, ông Mike Ellett, Giám đốc quốc tế Wellington College, một trường trung học công lập dành cho nam sinh tại TP.Wellington, chia sẻ với Thanh Niên rằng học sinh có thể đến thư viện trường vào mỗi mùa thi để được giáo viên ôn tập cũng như trả lời các câu hỏi, tất cả hoàn toàn miễn phí. Thời gian trên lớp, học sinh cũng được kiểm tra, đánh giá thường xuyên và nhận hỗ trợ trực tiếp từ giáo viên nếu gặp khó trong việc học. Và không chỉ ở trường công mà các trường tư như King's College (TP.Auckland) cũng có các hoạt động này.

Học thêm nơi cấm, nơi "mở"

Tại châu Á, một số quốc gia có tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH toàn quốc tương tự Việt Nam như Trung Quốc (cao khảo), Hàn Quốc (Suneung) và Nhật Bản (kyōtsū). Riêng Trung Quốc vào tháng 7.2021 đã ban hành chính sách "song giảm", tức giảm áp lực cho học sinh và giảm gánh nặng tài chính cho gia đình bằng cách siết chặt kiểm soát ngành dạy thêm tư nhân, trong đó cấm các trung tâm dạy thêm những môn trong chương trình chính khóa để thu lợi nhuận.

Nhưng bất chấp lệnh cấm, các trung tâm vẫn dạy "chui" dưới nhiều hình thức khác nhau, thậm chí có trường hợp thu học phí rồi bỏ trốn. Để trấn áp, Bộ Giáo dục Trung Quốc hồi tháng 10.2023 đã công bố quy định mới, trong đó nêu rõ sẽ phạt lên đến 342 triệu đồng nếu trung tâm cố ý "ngụy trang" để qua mặt chính quyền, như dạy thêm trong quán cà phê, khách sạn hay nhà riêng, tờ South China Morning Post đưa tin.

Trái ngược với đất nước tỉ dân, Hàn Quốc chọn cấp phép hoạt động cho các trung tâm dạy thêm, thường gọi là hagwon. Theo số liệu từ tờ JoongAng Ilbo, có hơn 24.000 hagwon tại thủ đô Seoul tính đến tháng 5.2023, gấp 3 lần số cửa hàng tiện lợi tại thành phố. Cơ quan thống kê Hàn Quốc và Bộ Giáo dục Hàn Quốc hồi tháng 3 cho hay, 78,3% học sinh đi học thêm và mỗi gia đình chi trung bình 7,6 triệu đồng/tháng cho các trung tâm trong năm 2022.

Từ Đông sang Tây, các nước có dạy thêm, học thêm như Việt Nam? - Ảnh 3.

Học sinh Trung Quốc tham gia một lớp dạy thêm tại thủ đô Bắc Kinh năm 2021, vài tuần sau khi lệnh cấm được ban hành

AFP

Để giảm áp lực học thêm, Bộ Giáo dục Hàn Quốc hồi tháng 6.2023 quyết định loại bỏ các "câu hỏi sát thủ" trong kỳ thi tuyển sinh ĐH. Đây là những câu hỏi có độ khó cao và sử dụng kiến thức ngoài sách giáo khoa nên được dùng để phân loại thí sinh. Tuy nhiên, những "câu hỏi sát thủ" không được dạy trên lớp này là nguyên nhân chính thúc đẩy phụ huynh chi nhiều tiền cho con học thêm ở hagwon.

Tương tự Hàn Quốc, Nhật Bản cũng "bật đèn xanh" cho các trung tâm dạy thêm, thường gọi là juku. Theo thống kê từ tổ chức Statista, trong năm học 2021-2022, Nhật Bản có gần 6.000 juku với khoảng 11.500 cơ sở đăng ký với chính quyền, thu hút hơn 14,5 triệu học sinh và tạo ra doanh thu hơn 1,1 nghìn tỉ yên. Các juku đặc biệt phổ biến với học sinh THCS và THPT, khi việc thi vào một trường THPT tốt và sau đó là một ĐH danh tiếng được cho là sẽ quyết định sự thành công của các thí sinh sau này.

Tuy nhiên, sự phổ biến của các juku cũng gây nhiều tranh cãi. Theo luận văn thạc sĩ chuyên ngành Nhật Bản học của Kirsten Janssen công bố năm 2019 tại ĐH Leiden (Hà Lan), juku gắn liền với hệ thống giáo dục Nhật Bản và phần lớn học sinh tham gia các trung tâm này vào một thời điểm nào đó trong hành trình học tập. Các nghiên cứu khác thì chỉ ra rằng, juku tạo nhiều áp lực cho học sinh, dẫn đến căng thẳng, bắt nạt và thậm chí tự tử, đồng thời tạo ra sự bất bình đẳng trong hệ thống giáo dục.

Nhìn chung, không riêng gì Việt Nam, câu chuyện dạy thêm, học thêm cũng là vấn đề nhức nhối ở các quốc gia phát triển và đang phát triển tại châu Á, ảnh hưởng đến nhiều yếu tố khác như kinh tế, tỷ lệ sinh. Tuy nhiên, sau hàng chục năm "vật lộn" với các chính sách, biện pháp khác nhau, các nước vẫn chưa thể đưa ra hướng giải quyết tối ưu cho tình trạng này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.