Tiếng nói của một sự kiện

03/12/2003 10:21 GMT+7

Khi bài báo này đến tay bạn đọc, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 22 chỉ còn 2 ngày nữa chính thức khai mạc. Xét trên các bình diện, SEA Games lần đầu tiên được tổ chức trên quê hương Việt Nam của chúng ta là một sự kiện - tôi nhấn mạnh, một sự kiện lớn.

Dù đại hội thể thao là hoạt động thể thao, ngay cả thể thao ở tầng Đông Nam Á, nó được tổ chức ở một nước mà con đường trở thành
nước chủ nhà đăng cai hoàn toàn không đơn giản. Chúng ta là một nước nghèo, sống trong những điều kiện khắc khổ về vật chất từ rất lâu đời, là nước thuộc địa của phương Tây gần 100 năm, kinh qua hai cuộc kháng chiến giữ nước..., những cái ấy cho thấy không phải do "đến hẹn lại lên" - tức, vì thực hiện nhiệm vụ luân phiên của một nước thành viên trong Hiệp hội Đông Nam Á mà chúng ta tổ chức đại hội. Sắc thái của ngày vui đang bao trùm từ Bắc đến Nam nước ta nói lên nhiều điều, những điều rất cơ bản. Tổ chức được một đại hội tầm cỡ quốc tế nhất định không phải là chuyện ngẫu nhiên. Nó là thành quả của bao nhiêu nỗ lực, trong đó nỗ lực quyết định là sự phát triển với tốc độ tương đối nhanh về khả năng làm ra của cải đảm bảo cho nước chủ nhà tạo được những cơ sở tối thiểu để vận hành một đại hội theo thể thức hiện đại.
Chính sự phát triển trên phản ánh tổng hợp đoạn đường mà chúng ta đã trải qua từ sau đất nước hoàn toàn giải phóng, từ đổi mới đến nay, đặc biệt dồn dập trong vòng 10 năm. Nói như thế cũng chưa đủ. Việt Nam, bằng tự lực và bằng phương hướng thích hợp, đã trở thành một điểm hòa bình vốn không phải nhiều lắm hiện nay trên thế giới. Đến Việt Nam là đến nơi cách xa với nạn khủng bố, với tiếng súng, với bạo lực. Ít ra, đến Việt Nam là đến nơi yên bình. Việt Nam cũng là nước đạt mức ổn định chính trị cao, những bước đi tuy không phải lúc nào chúng ta cũng chủ động hoàn toàn, song không quá xa dự kiến và tính toán. Khó khăn thì còn đấy - thậm chí còn nhiều đấy - nhưng Việt Nam đang hội dần những điều kiện để trở thành một đất nước phát huy được tiềm lực kinh tế, văn hóa, nâng vị thế quốc tế qua từng thời gian. Cựu Chủ tịch Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Camdessus đã phát biểu với cử tọa ở Hà Nội sau 11 năm không đến Việt Nam: "Đến Việt Nam lần này, tôi cảm thấy như lạc đến một hành tinh khác", lời nói ấy có thể vì quá khen chúng ta, đồng thời cũng không phải nói để lấy lòng.
Chắc chắn khó tránh khỏi thiếu sót lớn nhỏ này khác trong tổ chức - chúng ta sẽ học qua thực tế - với ba cái nền: hòa bình, ổn định, phát triển, Việt Nam yên tâm về thành công của đại hội. Nhận thức như thế, chúng ta càng quý trọng đóng góp của đồng bào, của Nhà nước, của lãnh đạo. Thiếu một trong ba cái nền trên thì khó mà thực hiện nghĩa vụ với bất cứ cam kết nào, nếu có thực hiện thì mang lại kết quả đôi khi là hậu quả chưa hẳn đã tốt.
Đại hội Thể thao Đông Nam Á, phần đang tỏ rõ tính năng động trong đời sống của nhân loại, đại hội của lớp trẻ nêu cao mục tiêu "Vì một thế giới ngày mai" được tiến hành ở một nước đầy khát vọng xác lập cái đẹp.
Nếu sự kiện cất tiếng, nó sẽ nói cái cốt lõi ấy...

12/2003 
Trần Bạch Đằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.