Không lo thiếu hàng ngày tết

15/01/2009 10:58 GMT+7

Theo ghi nhận tại TP.HCM trong mấy ngày qua, nhiều mặt hàng nằm trong diện bình ổn như: trứng gà, thịt heo, đường, gạo... đang “nóng” lên do sức mua tăng vọt. Câu hỏi đặt ra ở đây là: liệu có xảy ra tình trạng khan hiếm hàng và giá cả có tăng vọt?

Trước đó, nhằm tránh hiện tượng trên, UBND TP.HCM đã chi 400 tỉ đồng (cho vay với lãi suất bằng 0%) cho chín doanh nghiệp trên địa bàn để trữ hàng và bán thấp hơn giá thị trường đối với một số mặt hàng thiết yếu.

Đã kìm giá tốt?

Trứng gà Ba Huân là một trong những đơn vị nằm trong diện được ưu đãi để bình ổn giá trong dịp tết. Theo khảo sát tại siêu thị Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu, ngoại trừ trứng gà thương hiệu Co.op có mức giá 16.300 đồng/hộp 10 trứng, trứng gà Ba Huân có mức đồng giá bán với các loại trứng thương hiệu CP, Vĩnh Thành Đạt là 17.700 đồng/10 trứng.

Trong khi đó, tại một cửa hàng tạp hóa ở quận Phú Nhuận cũng một vỉ trứng gà trên nhưng được bán với giá 16.500 đồng/vỉ. Giải thích sự chênh lệch này, bà Ba Huân cho hay giá nhập vào các siêu thị, cửa hàng bán lẻ đều giống nhau nhưng giá bán ra là do nhà bán lẻ niêm yết. Tuy nhiên, từ ngày 12-1 Ba Huân khuyến mãi giảm giá 1.000 đồng/vỉ cho tất cả loại trứng của đơn vị này. Chương trình kéo dài trong vòng một tuần dù giá trứng trên thị trường tăng vọt.

Lượng hàng trữ đã sẵn sàng

Bà Nguyễn Thị Nga, tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, cho biết cơ bản tổng công ty đã hoàn tất việc trữ hàng. Ước khoảng 40.000 con heo, 1.500-2.000 con bò, 100.000 con gà đang nằm sẵn tại các chuồng trại trong hệ thống của tổng công ty sẽ được đưa vào giết mổ để phục vụ thị trường.

Đến thời điểm hiện tại, Vissan đã bắt đầu tung ra lượng hàng dự trữ trong kế hoạch bán tết của mình. Đã có khoảng 3.200 tấn thịt heo, 300 tấn thịt bò, hơn 3.150 tấn thực phẩm chế biến được phân bổ về 50 cửa hàng bán lẻ của Vissan và các siêu thị.

Riêng hai công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ và Phú An Sinh, với mặt hàng nhận bình ổn thị trường là gà, đều cam kết sẽ giữ đúng mức giá 60.000 đồng/kg gà thả vườn, gà ta nuôi lưới 95.000 đồng/kg. Theo ghi nhận trên thị trường đến ngày 14-1, giá gà thả vườn của Huỳnh Gia Huynh Đệ bán trong các siêu thị là 63.000 đồng/kg, gà ta 87.000 đồng/kg. Mặc dù các doanh nghiệp đều khẳng định không hề khan hiếm nguồn gà nhưng giá gà trên thị trường vẫn tăng ào ào. Theo ông Châu Nhựt Trung - tổng giám đốc Huỳnh Gia Huynh Đệ, giá gà đang có xu hướng giảm lại khi doanh nghiệp bắt đầu tung gà ra thị trường.

Với mặt hàng thịt heo, Công ty Vissan cho biết đã chốt giá từ nay đến tết là 68.000 đồng/kg thịt đùi, 69.000 đồng/kg thịt ba rọi và 74.000 đồng/kg thịt nạc đùi, tuy nhiên so với giá thị trường ngày 14-1 vẫn cao hơn 3.000-4.000 đồng/kg. Ông Bùi Duy Đức, tổng giám đốc Vissan, cho rằng các sản phẩm tươi sống xuất phát từ công ty do có chế độ kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm khá nghiêm ngặt, chi phí đầu vào cho các công đoạn giết mổ cao..., do đó dẫn đến sự khác biệt về giá thành. “Không thể lấy giá của sản phẩm trôi nổi ngoài thị trường làm thước đo rồi cho rằng giá bán của chúng tôi cao hơn các sản phẩm cấp thấp đó” - ông Đức giải thích.

Liệu có “quản” được?

Theo bà Phó Nam Phượng - phó tổng giám đốc Tổng công ty  Nông nghiệp Sài Gòn, đơn vị đã có phương án kiểm soát chặt chẽ giá bán lẻ trong hệ thống của mình. “Từng cửa hàng bán lẻ đều có hệ thống kết nối trực tiếp về công ty nên giá bán sẽ được kiểm tra thông qua phần mềm quản lý” - bà Phượng khẳng định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Trung Việt, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết danh sách hơn 500 điểm bán lẻ của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đã được gửi về UBND 24 quận, huyện của thành phố. Việc để người tiêu dùng nhận diện được các điểm bán lẻ có mức giá bình ổn, theo ông Việt, hiện đã được UBND các quận, huyện triển khai. Trong trường hợp người tiêu dùng phát hiện tại các điểm bán lẻ có sự chênh lệch về giá bán, ngoài việc phản ảnh về Sở Công thương, ông Việt cũng cho biết UBND các quận, huyện cũng là đầu mối để tiếp nhận phản ảnh.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, hầu hết điểm bán của các chương trình tham gia bình ổn thị trường đều rất khó nhận diện. Ngay cả giá bán để đối chiếu có mức giảm 5-10% như công bố của các doanh nghiệp tham gia chương trình cho người tiêu dùng cũng không có, nên rất khó để người tiêu dùng thật sự biết các mặt hàng bán ra đã giảm giá.

Theo Trần Vũ Nghi - Như Bình (Tuổi Trẻ)

>> Mời bạn đọc đón không khí Tết tại chuyên trang Tết Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.