Nhà thơ Kiên Giang - Kỳ 1: Chuyện 'Hoa trắng thôi cài' và hai đoạn kết

01/11/2014 12:35 GMT+7

(TNO) Nhà thơ - soạn giả Kiên Giang, một trong những người nghệ sĩ cuối cùng của thế hệ thơ văn thời kháng Pháp ở Nam bộ, đã từ trần vào lúc 6 giờ 30 ngày 31.10 tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM). Thế nhưng, đời thơ và những tuồng tích bất hủ của ông vẫn lưu luyến mãi với bao thế hệ…

 Nhà thơ kiên giang: những khoảnh khắc đời và thơ - Kỳ 1: Hoa trắng đã thôi cài trên áo tím…
Nhà thơ Kiên Giang - Ảnh gia đình cung cấp

>> Nhà thơ Kiên Giang: Con tàu thơ đã đến trạm cuối cùng
>> Nhà thơ Kiên Giang từ trần
>> Tác giả 'Hoa trắng thôi cài trên áo tím' đang nguy kịch

Kỳ 1: Chuyện 'Hoa trắng thôi cài' và hai đoạn kết

Người viết được may mắn thân thiết với nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà - trong khoảng 15 năm cuối đời của ông. Kiên Giang là nhà thơ, là soạn giả cải lương (tác giả các vở tuồng Áo cưới trước cổng chùa, Sơn nữ Phà Ca…), là nhà báo - chứng nhân còn sót lại của sự kiện “Ngày ký giả đi ăn mày” (xảy ra vào năm 1974, báo giới miền Nam xuống đường với nón lá, bị, gậy của dân “cái bang” để chống đối Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra sắc luật đàn áp báo chí).

Người viết dù chơi thân với ông nhưng muốn gặp ông thật khó bởi ông luôn dịch chuyển (rất giống với ông bạn thân cùng lứa, cùng làng là nhà văn Sơn Nam). Có hôm, tôi gọi điện thoại ngỏ ý gặp ông để hỏi thêm một vài chi tiết cho bài viết. Ông bảo: “Tao đang ở gần sân vận động Thành Long (quận 8,TP.HCM), mày muốn gì, xuống đây!”…

Nếu có ai có dịp ngồi “chung chiếu” với nhà thơ Kiên Giang, hỏi ông về thời niên thiếu, về Sơn Nam, về Nguyễn Bính và nhất là về người con gái trong bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím là ông kể một mạch bằng một giọng bùi ngùi, không hề đứt đoạn, làm như những chuyện đó đã thấm vào máu thịt của ông…

Cái tên Kiên Giang bắt đầu được biết đến trên thi đàn miền Nam Việt Nam từ năm 1955. Kiên Giang đã để lại cho đời nhiều bài thơ thuộc hàng tuyệt tác. Nét đặc sắc ở thơ Kiên Giang là lời thơ chân chất, bình dị, nhưng rất diễm tình, rất nên thơ...

Bên cạnh sự nghiệp thi ca, Kiên Giang còn là một soạn giả lừng danh một thời với Năm Châu, Viễn Châu, Hà Triều - Hoa Phượng, Quy Sắc. Đặc biệt, hai soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng được xem là đệ tử của ông. Những vở cải lương của Kiên Giang thường là những chuyện tình buồn. Lời văn trong các vở tuồng lúc nào cũng đơn giản, mộc mạc, gần gũi với bà con Nam bộ.

Yêu nhau rình ở cổng nhà thờ

17 tuổi, anh học trò Trương Khương Trinh (tên thật của Kiên Giang) rời vùng quê Rạch Giá lên Cần Thơ học lớp đệ nhị (lớp 11 bây giờ) ở Trường trung học tư thục Nam Hưng. Vốn có khiếu văn chương nên anh được các thầy giao cho thực hiện một tờ báo tường lấy tên là Ngày xanh. Kiên Giang biên tập bài vở và trình bày (vẽ, trang trí…), còn cô bạn Nguyễn Thị Nhiều thì nắn nót chép bài vở

Tuy mang cái tên rất dân dã nhưng Nhiều rất đẹp với khuôn mặt thanh tú và mái tóc dài ôm xõa bờ vai. Gia đình nàng theo đạo Thiên Chúa nên mỗi sáng chủ nhật nàng thường đi lễ nhà thờ Cần Thơ.

Kiên Giang không theo đạo nhưng sáng chủ nhật nào cũng “rình” trước cổng nhà thờ để được “tháp tùng” nàng trên đường đi lễ về. “Yêu nhau” chỉ có… vậy: ngoài những cái liếc mắt và những nụ cười thẹn thùng, e ấp thì hai người chẳng còn thứ gì để “trao đổi” nữa cả! Tuy thế, cả hai đều cảm nhận được những tình cảm sâu kín mà họ dành cho nhau…

Rồi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, kéo dài suốt 9 năm (1945 -1954), việc học hành bị gián đoạn, trường lớp tan tác… Kiên Giang và bạn bè thân thiết (Nguyễn Bính, Sơn Nam… ) vào Khu 8, tham gia kháng chiến, và rồi ông lập gia đình trong thời gian này…

Hai đoạn kết khác nhau

Sau này, nhiều lần Kiên Giang tâm sự với người viết: “Điều xót xa (sau này mới biết) là trong những tháng ngày loạn lạc đó, Nhiều vẫn âm thầm chờ đợi tôi. Năm 1955, nàng quyết gặp mặt tôi một lần rồi mới lấy chồng. Tình cảm ấy cứ ám ảnh tôi khôn nguôi. Tôi đưa tâm sự của hai đứa vào bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím, làm tại Bến Tre năm 1957. Ở đoạn kết có những câu: Ba năm sau, chiếc xe hoa cũ/ Chở áo tím về giữa áo quan/ Chuông đạo ngân vang hồi tiễn biệt/ Khi anh ngồi kết vòng hoa tang…, tôi đã 'cho' người mình thầm yêu phải chết đi, để mối tình kia còn nguyên vẹn là của riêng mình.

Tuy nhiên, một thời gian sau tôi có dịp 'gặp lại cố nhân' ở Sóc Trăng (lúc này nàng đã có chồng). Sau cuộc gặp gỡ đó, tôi lại muốn mình (người bạn trai trong bài thơ) chết đi để bảo vệ quê hương, không còn vương vấn mối tình thuở học trò. Tôi đã sửa lại đoạn kết như thế ở Hàng Xanh (Gia Định 1958), nhưng hầu như bạn đọc chỉ thích giữ nguyên tác, nhất là khi nó được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ thành ca khúc thì bài thơ lại càng nổi tiếng, lan tỏa… Trong thơ là thế nhưng sự thật ngoài đời chẳng có ai chết cả! Năm 1977, chúng tôi lại có dịp gặp nhau. 33 năm đã trôi qua, gặp lại, hai mái đầu đã bạc… Cả hai cố tránh không nhắc nhớ về cái thời cùng học dưới mái trường Nam Hưng, nhưng tự trong sâu thẳm tâm hồn cả hai vẫn trân trọng “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy…”.

Đầu năm 1999, Hãng phim truyền hình TP.HCM (TFS) có thực hiện một bộ phim tài liệu về ông mang tên Chiếc giỏ đời người (nhà thơ Kiên Giang đi đâu cũng kè kè một chiếc giỏ, mặt ngoài vẽ chi chít chữ - NV), trong kịch bản có một cảnh quay tại Cần Thơ. Khi ông và ê kíp làm phim đến nhà “người xưa” mời bà Nhiều ra quay cảnh ở nhà thờ Chính tòa thì thấy ngôi nhà đóng cửa, lạnh ngắt. Người hàng xóm cho biết bà Nhiều đã qua đời năm 1998. Ông thật xót xa… (còn tiếp)

Rong ruổi đầy nhân hậu

86 tuổi đời với gần 70 năm cầm bút, Kiên Giang đã để lại cho đời hàng trăm bài thơ, bài báo, bài vọng cổ và nhiều vở tuồng. Ngay cả trước khi bị đột quỵ (dẫn đến tử vong) ông vẫn đang xúc tiến việc in một tập thơ mới - coi như là “kỷ niệm cuối đời”, nhưng đành… để lại cho thân hữu tiếp tục lo việc in ấn.

Chơi thân với ông gần hai mươi năm chỉ thấy ông toàn “ăn nhờ ở đậu”. Ông dời chỗ ở không dưới chục lần. Hết che tạm cái chòi lá ở Khu Dưỡng lão Nghệ sĩ (quận 8, TP.HCM), lại về đường Bùi Minh Trực, hết lên quận 9 ở với nhà thơ Thiên Hà lại về Mỹ Tho là “ông từ giữ đền” cho Nhà Lưu niệm nhà văn Sơn Nam..., nhưng nơi ông luôn gắn bó đời mình chính là trụ sở Hội Ái hữu Nghệ sĩ TP.HCM (133 Cô Bắc, quận 1, TP.HCM). Ở đó ông là một trong những cố vấn của hội đề ra những phương án cứu trợ cho các nghệ sĩ neo đơn, những nhân viên hậu đài đang gặp khó khăn. 15 năm trước nhà văn Sơn Nam đã nhận xét về người bạn thân của mình: “Kẻ cần cứu trợ nhất lại là người tích cực vận động cứu trợ cho người khác!”.

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.