Hà Nội: Nông dân "mất" Tết vì... thiếu - thừa rau

15/01/2009 10:22 GMT+7

Đối với người nông dân trồng rau ở Hà Nội, những ngày cận Tết là thời điểm tốt nhất để gặt hái thành quả sau một thời gian dài chăm bón, vun trồng.

Nhưng dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu này có lẽ không dễ quên đối với họ khi mà rau thừa thì quá rẻ; quả, hoa thiếu thì không có để bán.

Trận lụt lịch sử vừa qua đã để lại cho Hà Nội nhiều vùng ngập trắng. Từ đầu tháng 11.2008, nông dân Hà Nội nhanh chóng khôi phục sản xuất. Hơn 11.500ha được gieo trồng giống rau ngắn ngày mà phần lớn là rau ăn lá thuộc họ cải. Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ các ruộng cải ở Vân Nội (Đông Anh), Tây Tựu (Từ Liêm), Chúc Sơn (Chương Mỹ)... đã cho thu hoạch dẫn tới tình trạng “bội thực” một số rau ăn lá.

Giá rau này tại chợ bán lẻ trong nội thành cũng chỉ 1.500đ/2 mớ rau cải cúc, cải chíp: 1.500đ/2 mớ, ngồng cải: 3.000đ/kg. Nhiều hộ nông dân phải nhổ rau cải như nhổ cỏ để trồng giống cây khác cho kịp Tết.

Ông Ngô Văn Minh – xóm 3 thôn Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì cho biết: “Nhà tôi trồng toàn cải chíp từ khi nhận giống hỗ trợ đến nay. Bây giờ thu hoạch thì giá rau rẻ quá. Cả ruộng rau không mua được nổi 1 cân thịt lợn. Bán tại ruộng chỉ có 1.000đ/3 mớ. Chưa năm nào đói như Tết năm nay”.

Không chỉ có nhà ông Minh, bà Trần Thị Gái – xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm đã phải nhổ rau cải ngồng để trồng su hào từ một tháng nay, bà Gái nói: “Giá rau rẻ quá, chỉ vài trăm đồng một mớ. Giống rau cải ngồng lên rất nhanh thu hoạch không kịp. Nhiều hộ gia đình nhổ rau như nhổ cỏ để trồng cây khác. Khốn nỗi rau dài ngày như su hào, hoa lơ, cà chua, đỗ chạch giá đắt mà không có hàng cung ứng cho thị trường. Tôi quay sang trồng su hào nhưng vướng vào đợt rét này qua rằm tháng giêng chưa chắc đã thu hoạch được”.

Anh Phạm Văn Bằng – xóm 3, thôn Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì nhìn luống hoa lơ, su hào nói: “Hầu hết người dân Duyên Hà năm nay đều mất Tết. Duyên Hà có lẽ là một trong những vùng trũng nhất Hà Nội, sau khi nước rút, chúng tôi xuống giống luôn nhưng vẫn không kịp Tết này. Rau ngắn ngày giống hỗ trợ đã thu hoạch rồi, giá rẻ như bèo còn rau dài ngày như hoa lơ, su hào, cà chua, đỗ chạch với thời gian trồng từ 50 – 80 ngày trở lên thì chưa ra củ, ra hoa. So với nhiều huyện ngoại thành khác, huyện Chương Mỹ phục hồi sản xuất chậm.

Anh Đặng Văn Hùng – thôn Giáp Ngọ (Chúc Sơn, Chương Mỹ) tâm sự: “Ngoài giống rau ăn lá chủ yếu là họ cải, người dân nơi đây cũng trồng xen kẽ thêm giống cây dài ngày như: Khoai tây, bắp cải, su hào... nhưng tỉ lệ không nhiều mà thu hoạch vào đúng dịp Tết là rất ít”.

Một thực tế là những nhà có ruộng rau ăn lá ngắn ngày thì thu hoạch không kịp, giá rau lại rẻ, còn gia đình nào trồng rau, củ dài ngày lại khóc ròng vì thu hoạch không đúng Tết.

Theo báo cáo mới nhất của Sở NNPTNT: Khoảng 70 tấn hạt giống rau đã được xuống giống trên diện tích khoảng 11.500ha từ sau đợt lũ, đến nay hơn 40 tấn giống đã cho thu hoạch. Nơi nào cũng trồng cây ngắn ngày ăn lá đã dẫn tới khủng hoảng thừa loại rau cải.

Người nông dân cũng đã tính đến trồng xen kẽ với các loại cây dài ngày khác, nhưng vào thời điểm đó muốn mua giống không phải dễ, giá quá đắt tình trạng hiếm giống rau ngoài giống rau cải trên thị trường đã diễn ra. Nếu như cơ cấu cây trồng có sự hợp lý như: Rau ăn lá 40%, rau ăn quả 20%, rau gia vị và các loại rau khác 40% thì chắc chắn sẽ không dẫn tới tình trạng thừa - thiếu như hiện nay.

Theo Xuân Long / Lao Động

>> Mời bạn đọc đón không khí Tết tại chuyên trang Tết Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.