Úc ‘tiếp sức’ cho giải pháp ‘thuận thiên’ ở ĐBSCL

23/03/2024 14:04 GMT+7

Úc từ lâu luôn nằm trong số những quốc gia đi đầu trong nỗ lực hỗ trợ vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu và môi trường, tập trung giải quyết những vấn đề thực tế tại các địa phương.

Úc ‘tiếp sức’ cho giải pháp ‘thuận thiên’ ở ĐBSCL- Ảnh 1.

Nông dân tham gia dự án "chuyển đổi Chuỗi giá trị Lúa gạo ứng phó với Biến đổi Khí hậu và Phát triển Bền vững tại ĐBSCL" ở tỉnh Đồng Tháp

THỤY MIÊN

Từ ngày 18-22.3, Tổng lãnh sự quán Úc tại TP.HCM tổ chức chuyến tham quan thực địa cho các cơ quan báo đài trên toàn quốc có cơ hội quan sát một số dự án và công trình đã và đang được chính phủ Úc triển khai nhằm hỗ trợ ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu theo chính sách phát triển "nông nghiệp thuận thiên" tại các tỉnh.

Năm 2017, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Còn được gọi là "thuận thiên", nghị quyết phản ánh quan điểm nhất quán của Chính phủ về phát triển ĐBSCL như tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, "thuận thiên" là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên để hướng đến phát triển bền vững.

Đoàn tham quan một số dự án được triển khai tại 6 tỉnh và thành phố, bao gồm Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Long An.

Sự hỗ trợ bền bỉ của Úc ở ĐBSCL

Chia sẻ thông tin với đoàn ở thành phố Cần Thơ, Phó Tổng lãnh sự Úc tại TP.HCM Ciaran Chestnutt khẳng định quan hệ song phương giữa Việt Nam – Úc đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Năm ngoái hai nước vừa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Và cách đây 2 tuần, trong chuyến công du chính thức đến Úc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng với người đồng cấp chủ nhà Anthony Albanese công bố nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Úc ‘tiếp sức’ cho giải pháp ‘thuận thiên’ ở ĐBSCL- Ảnh 2.

Phó Tổng lãnh sự Úc tại TP.HCM Ciaran Chestnutt tại nông trại Orlar, ứng dụng công nghệ hiện đại để sản xuất rau quả sạch, không gây phát thải nhà kính, ở tỉnh Long An

THỤY MIÊN

"Việc nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất đã tạo điều kiện mở rộng các cam kết hợp tác giữa hai quốc gia trong nhiều lĩnh vực mới. Trong đó, biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên đặc biệt trong chính sách ngoại giao Úc, cho phép chúng tôi xây dựng những chương trình cụ thể cho ĐBSCL", theo ông Chestnutt.

Bất chấp tầm quan trọng của ĐBSCL trong lĩnh vực sản xuất lương thực, thực phẩm, thủy hải sản, khu vực đang đối mặt nhiều vấn đề lớn, có thể kể đến cơ sở hạ tầng hay nguy cơ đến từ biến đổi khí hậu.

"Đó là lý do phần lớn vốn viện trợ phát triển (ODA) của Úc cho Việt Nam đều tập trung vào vùng đồng bằng này. Kể từ năm 2000 đến nay, hơn 650 triệu AUD thuộc ODA đã được đầu tư vào ĐBSCL", Phó tổng lãnh sự Úc cho biết. Ông lưu ý con số này không bao gồm 2 công trình đóng vai trò biểu tượng cho tình hữu nghị Việt-Úc tại ĐBSCL là cầu Mỹ Thuận và cầu Cao Lãnh. Trong đó, cầu Mỹ Thuận là đóng vai trò huyết mạch, mở khóa giao thông kết nối thông thoáng ĐBSCL với các vùng khác.

Úc ‘tiếp sức’ cho giải pháp ‘thuận thiên’ ở ĐBSCL- Ảnh 3.

Đoàn doanh nghiệp Úc tìm hiểu quy trình chế biến gạo ở nhà máy SunRice tại tỉnh Đồng Tháp

THỤY MIÊN

Cũng theo nhà ngoại giao Úc, dự án xây cầu cũng là một trong những đặc trưng của chương trình ODA được Úc thực hiện tại Việt Nam. Thông thường, ODA của Úc chủ yếu tập trung vào những vấn đề của các cộng đồng, nghiên cứu những giải pháp hữu hình, tìm cách giải quyết những vấn đề thực tế tại các địa phương.

Mở cửa cho các cơ hội mới

"Năm tài chính 2023-2024, ODA của Úc đầu tư cho Việt Nam là 95,1 triệu AUD. Vào tháng 8.2023, trong chuyến thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Úc Penny Wong thông báo khoản hỗ trợ 94,5 triệu AUD cho nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL giai đoạn 2023-2024", ông Chestnutt cho biết.

Úc ‘tiếp sức’ cho giải pháp ‘thuận thiên’ ở ĐBSCL- Ảnh 4.

Nuôi tôm sinh thái ở rừng ngập mặn Cà Mau

THỤY MIÊN

Trong số này, chương trình có quy mô tài chính lớn nhất là Aus4Adaptation, hoặc gói hỗ trợ thích ứng biến đổi khí hậu cho ĐBSCL, trị giá 75 triệu AUD trong giai đoạn từ năm 2024-2034. Mục tiêu là nhằm thiết lập trung tâm chia sẻ kiến thức ở vùng đồng bằng để cập nhật chuyên môn, kiến thức của Úc về phát triển kinh tế xã hội, đồng thời quảng bá các nỗ lực sống "thuận thiên" với sự dẫn dắt của các cộng đồng, doanh nghiệp và các lãnh đạo nữ giới. Dự án đang trong giai đoạn thiết kế trước khi chuyển sang triển khai chính thức.

Một dự án khác cũng được cấp kinh phí đáng kể là dự án Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo với kinh phí 17 triệu AUD từ năm 2023-2028, theo đó cung cấp những khoản khích lệ về mặt tài chính cho các công ty ở ĐBSCL chuyển đổi sang công nghệ trồng lúa phát thải thấp và bền vững.

Úc cũng đang cung cấp ODA thông qua các chương trình khác, chẳng hạn như ACIAR (Trung tâm Úc về Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế). Sau hơn 3 thập niên hiện diện ở Việt Nam, ACIAR triển khai hơn 260 dự án nghiên cứu, trị giá trên 184 triệu AUD, đóng góp vào nỗ lực nâng cao kỹ năng, sinh kế và thu nhập cho các nông hộ nhỏ; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong sản xuất nông nghiệp; cải tiến chính sách quản lý tác động của biến đổi khí hậu trong nông nghiệp…

Úc ‘tiếp sức’ cho giải pháp ‘thuận thiên’ ở ĐBSCL- Ảnh 5.

Đan lát bằng cỏ năn tượng mang đến giải pháp sinh kế cho nữ giới ở Sóc Trăng

THỤY MIÊN

Đầu tháng 3, trong khuôn khổ chuyến công du Úc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ NN & PTNN và ACIAR ký thỏa thuận hợp tác mới, theo đó tập trung xây dựng giải pháp bền vững cho nông hộ nhỏ và các đối tượng dễ tổn thương; tăng cường cơ hội đồng tài trợ và liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu song phương và quốc tế; phát triển nguồn nhân lực trong nghiên cứu và quản lý nghiên cứu của Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.