Ukraine tuyên bố 'thắng lợi chiến thuật', từ chối hòa đàm

18/06/2023 05:00 GMT+7

Ukraine tuyên bố "thắng lợi chiến thuật" ở miền nam trong chiến dịch phản công, đồng thời tỏ ra không hào hứng với đề xuất hòa bình của một số nhà lãnh đạo châu Phi.

Trọng điểm giao tranh

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar ngày 17.6 cho biết quân đội nước này đang "tích cực" đẩy mạnh chiến dịch phản công ở miền nam. "Thực tế, trên tất cả các địa bàn, các hướng mà các đơn vị của ta tiến công ở miền nam, họ đều giành được thắng lợi về mặt chiến thuật. Họ đang từng bước tiến lên. Hiện chúng ta đã tiến thêm tới 2 km ở mỗi hướng", bà viết trên kênh Telegram. Ở mặt trận phía đông, bà Maliar nói lực lượng Nga đang cố gắng đánh bật lực lượng Ukraine khỏi các vị trí đã được thiết lập.

Xem nhanh: Chiến dịch ngày 478, phản công tiếp diễn dù khó khăn; ông Putin nói Ukraine không có cơ hội

Trước đó, bà Maliar tiết lộ trọng tâm chiến trường đang dịch chuyển xuống phía nam. Bà cho biết các cuộc giao tranh ác liệt nhất không còn diễn ra xung quanh thành phố Bakhmut (thuộc tỉnh Donetsk) mà là ở các khu vực gần biển Đen hơn, đặc biệt là theo hướng hai thành phố duyên hải Berdyansk (thuộc tỉnh Zaporizhzhia) và Mariupol (tỉnh Donetsk), theo báo The Guardian.

Ukraine tuyên bố 'thắng lợi chiến thuật', từ chối hòa đàm - Ảnh 1.

Tổng thống Zelensky (thứ ba từ phải sang) và các nhà lãnh đạo châu Phi tại Kyiv ngày 16.6

Reuters

Trong cập nhật tình báo cùng ngày trên Twitter, Bộ Quốc phòng Anh nhận định Nga đã củng cố lực lượng trực thăng tấn công ở miền nam Ukraine kể từ khi Kyiv bắt đầu chiến dịch phản công. Hình ảnh mà quân đội Anh có được cho thấy Nga đã điều động thêm 20 máy bay trực thăng đến sân bay Berdyansk. Tình báo quốc phòng Anh cũng cho rằng Nga đang có được lợi thế tạm thời ở miền nam Ukraine, đặc biệt là với các máy bay trực thăng tấn công sử dụng tên lửa tầm xa nhằm vào các mục tiêu mặt đất.

Trực thăng Nga khai thách điểm yếu phòng không tiền tuyến trong phản công của Ukraine

Nga vẫn chưa chính thức thừa nhận bất cứ bước tiến nào của Ukraine trong chiến dịch phản công. Hãng tin RIA ngày 17.6 đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đến một nhà máy xe tăng ở tỉnh Omsk của Nga để kiểm tra việc thực hiện các đơn đặt hàng quốc phòng. Tại đây, ông yêu cầu nhà máy tăng cường năng lực sản xuất xe tăng, hệ thống súng phun lửa hạng nặng nhằm đáp ứng nhu cầu của quân đội Nga đang tham gia "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.

Trong một diễn biến khác liên quan tình hình miền nam Ukraine, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 16.6 cho biết họ vẫn chưa rõ liệu nước từ hồ chứa có thể tiếp tục được bơm tới nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia để làm mát hay không, sau vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka. Đây là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu với 6 lò phản ứng.

Triển vọng hòa đàm

Giữa lúc chiến dịch phản công của Ukraine diễn ra, một phái đoàn gồm 5 nhà lãnh đạo ở châu Phi đến Ukraine và Nga nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột thông qua đàm phán. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tỏ ra không hào hứng với các đề xuất của họ, loại trừ khả năng hòa đàm ngay lúc này.

Báo động không kích đón đoàn lãnh đạo châu Phi đến Ukraine mong hòa giải xung đột

Tại Kyiv hôm 16.6, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa trình bày một kế hoạch trong đó cả Nga và Ukraine cùng xuống thang giao tranh, tiến hành trao đổi tù nhân, trao trả trẻ em bị đưa đi từ Ukraine, cũng như xuất khẩu ngũ cốc và phân bón tự do ra thị trường thế giới. Song vào cuối cuộc họp báo chung của họ, ông Zelensky nói ông không hiểu "lộ trình" mà các nhà lãnh đạo châu Phi đề xuất, theo Reuters. Đồng thời, tổng thống Ukraine tái khẳng định lập trường rằng Kyiv chỉ ngồi vào bàn đàm phán sau khi Moscow rút hết quân khỏi Ukraine.

Ông Ramaphosa, cùng các lãnh đạo của Senegal, Ai Cập, Zambia và Comoros, có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố St.Petersburg của Nga vào ngày 17.6. Trả lời Hãng tin TASS trong một cuộc phỏng vấn trước cuộc gặp, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết các sáng kiến giải quyết xung đột được đề xuất bởi nhiều quốc gia khác nhau chứa một số ý tưởng có thể khả thi. 

Tổng thống Putin: Ukraine không có cơ hội phản công thắng lợi, có F-16 cũng cháy rụi

Tổng thống Putin nói gì về vũ khí hạt nhân ở Belarus ?

Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở St.Petersburg (Nga) ngày 16.6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các đầu đạn hạt nhân chiến thuật của Moscow đã được chuyển giao cho đồng minh thân cận Belarus. Theo nhà lãnh đạo, đây là lời nhắc nhở rằng phương Tây không thể gây ra thất bại chiến lược cho Moscow, nhưng Nga không cần sử dụng vũ khí hạt nhân vào lúc này, theo RIA.

Nhà Trắng đã lên án phát ngôn của ông Putin, song cho biết Mỹ không có thay đổi nào trong thế trận hạt nhân trước những lời lẽ này, theo Reuters.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.