Vì sao không nên truyền dịch tại nhà khi bị sốt xuất huyết?

Liên Châu
Liên Châu
11/09/2023 04:16 GMT+7

Thuê dịch vụ truyền dịch tại nhà là tình huống gây nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt với người bệnh sốt xuất huyết.

Tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội), các bác sĩ ghi nhận số ca nhập viện do sốt xuất huyết (SXH) tăng trong các tuần gần đây, trong đó có các trường hợp tự điều trị tại nhà không đỡ, bệnh nặng mới đến BV. Đáng lưu ý, nhiều bệnh nhân (BN) tự điều trị bằng cách đến các cơ sở y tế tư nhân truyền dịch, thậm chí thuê người đến truyền dịch tại nhà.

Vì sao không nên truyền dịch tại nhà khi bị sốt xuất huyết ? - Ảnh 1.

Bệnh nhân sốt xuất huyết

NHẬT THỊNH

Nhập viện điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, một nữ BN ở Q.Cầu Giấy cho hay bị sốt, đau đầu dữ dội nên tự uống thuốc và thuê "bác sĩ" đến truyền nước tại nhà. Tuy nhiên, do tình trạng không đỡ, BN mệt nhiều hơn nên được đưa đến BV. Tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, qua kết quả xét nghiệm, BN được bác sĩ cho biết mắc SXH.

Một số trường hợp khác do trì hoãn đến BV, khiến người bệnh nhập viện trong tình huống rất nặng như: tiểu cầu giảm thấp, máu cô đặc, người mệt không đi lại được…

TS-BS Trần Văn Giang, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, lưu ý: "Trước hết, truyền dịch hay như nhiều người dân vẫn quen gọi là truyền nước, không thể cải thiện ngay tình trạng bệnh mà có thể làm nặng thêm. Ví dụ, SXH trong những ngày đầu gây sốt rất cao, có thể kèm theo mất nước, mất điện giải. Nếu không truyền đúng loại dịch phù hợp thì làm cho tình trạng rối loạn điện giải nặng hơn".

Qua thực tế điều trị, PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới - BV Bạch Mai (Hà Nội), cho hay người mắc SXH, người sốt cao thường nghĩ truyền dịch, bù dịch sẽ tốt, nhưng đó là sai lầm. Tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà khi bị SXH vì có thể dẫn đến phù nề, suy hô hấp và nguy hiểm đến tính mạng.

Lưu ý khi trẻ bị sốt xuất huyết

Với trẻ nhỏ mắc SXH, TS-BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới - BV Nhi T.Ư (Hà Nội), lưu ý trẻ em mắc SXH thường có biểu hiện khác nhau. Bệnh khởi phát khá đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi. Trong đó, sau giai đoạn sốt, trẻ tiến vào giai đoạn nguy hiểm thường rơi vào khoảng ngày thứ 3 - 7 sau khi mắc bệnh. Biểu hiện SXH ở trẻ giai đoạn này có thể còn sốt hoặc đã thuyên giảm, trẻ bị thoát huyết tương.

Tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện dễ nhận thấy như: vật vã, bứt rứt, lờ đờ, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít, tụt huyết áp hoặc không thể đo được huyết áp. Trẻ cũng có thể bị xuất huyết dưới da hoặc xuất hiện các mảng bầm tím, các nốt xuất huyết nằm rải rác hoặc tập trung ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn; xuất huyết ở niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, tiểu ra máu…

Theo hướng dẫn của Trung tâm bệnh nhiệt đới - BV Nhi T.Ư, tất cả trẻ bị sốt cao từ ngày thứ hai trở đi và ở trong khu vực có người bị SXH nên được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, điều trị.

Khi trẻ sốt từ 38,5 độ C, cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol, nhưng cần sử dụng đúng liều lượng, với liều 10 - 15 mg/kg cân nặng, nhắc lại sau 4 - 6 giờ/lần nếu trẻ có sốt lại. Kết hợp chườm ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật.

Không dùng nhóm thuốc hạ sốt ibuprofen hoặc aspirin để hạ sốt cho trẻ vì thuốc này khiến tình trạng chảy máu trầm trọng lên, có thể gây xuất huyết dạ dày, nguy hiểm đến tính mạng.

Không tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh cho con dùng vì bệnh này do vi rút Dengue gây ra, dùng kháng sinh không những không hiệu quả với vi rút mà còn làm nặng thêm tình trạng gan, thận.

Cho trẻ uống nhiều nước: nước oresol (pha theo đúng liều lượng hướng dẫn), nước lọc, nước cam, nước dừa… Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu, ăn thức ăn giàu vitamin, rau, nước quả ép.

Không cho trẻ uống các loại nước có ga, nước có màu đỏ hoặc màu nâu. Tránh thức ăn cay, thức ăn có màu đỏ hoặc màu nâu, thức ăn quá nóng hay quá lạnh.

Tuyệt đối không đưa trẻ đi truyền dịch ở những cơ sở y tế không đảm bảo, các phòng khám tư nhân không đủ điều kiện làm thủ thuật. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.