Vì sao trái cây ngày càng dở, đến nho cũng nhạt?

23/03/2023 13:25 GMT+7

Không còn phải chờ "mùa nào thức nấy", giờ đây, mọi loại trái cây đều được bày bán quanh năm. Thèm ăn xoài, mít, sầu riêng, ổi... lúc nào cũng sẵn có. Thế nhưng, nhiều loại quả hiện nay không còn giữ được hương vị thơm ngon như trước.

Vì sao trái cây ngày càng dở, đến nho cũng nhạt? - Ảnh 1.

Các loại trái cây Việt được bày bán trong siêu thị

QUANG THUẦN

Chi tiền triệu mua trái cây, về bỏ gần hết

"Bình thường loại dưa này ngọt lắm, không hiểu sao lần này nhạt thếch. Mua quả dưa 70.000 đồng về cố gặm được mấy miếng lõi có chút vị dưa, còn đâu bỏ hết" - chị Huyền Anh (ngụ Q.4, TP.HCM) bức xúc chỉ vào đống vỏ dưa lưới vàng ruột xanh vừa mua ở siêu thị tại quận 3. Loại dưa này trong siêu thị bán 53.900 đồng/kg, chị Huyền Anh mua trái hơn 1 kg, gần 70.000 đồng nhưng số bỏ đi cũng phải tới 1 kg.

Sợ mua trái cây ở chợ nhiều mặt hàng trôi nổi không đảm bảo chất lượng, nhà chị Huyền Anh mua 100% thực phẩm trong các hệ thống siêu thị. Gần như cuối tuần nào cũng đi siêu thị nên chị nắm rất rõ sự thay đổi về giá cũng như chất lượng của các loại trái cây. "Đại tiệc trái cây" tuần vừa rồi của nhà chị Huyền Anh gồm cả các loại trái cây Việt như ổi, mận (miền Bắc gọi là quả roi), bơ sáp, xoài cát chu, dưa hấu, dưa lưới và trái cây ngoại nhập như lê Hàn Quốc, dâu tây... Tổng hóa đơn gần 2 triệu đồng, trừ đi một số loại rau củ, thịt, cá thì tiền trái cây chiếm hơn 1 nửa, tương đương hơn 1 triệu đồng.

"Mua không tiếc tiền nhưng vấn đề là trái gì cũng dở. Tôi tính mua xoài cát Hòa Lộc nhưng hôm đó trái vừa xanh vừa nhỏ nên thôi, mua xoài cát chu chín hơn, về ăn ngay được. Thế nhưng, xoài cho vào tủ lạnh phần đầu xanh sẽ bị chua, mà để ngoài chờ chín đều thì phần đuôi chỉ 2 ngày là nhăn nhúm, đen lại. Bơ cũng vậy, muốn chờ chín cả quả thế nào đầu nhỏ cũng bị dây. Mận thì khỏi nói, từ lâu rồi, nhà tôi mua mận chỉ trông vào hên xui. Nhìn trái đỏ mọng, rất đẹp nhưng nhạt như nước ốc. Ổi cũng tương tự. Đến quả dưa hấu gần như 100% ngọt mà lần này cũng dính trái non, trắng bệnh, nhạt thếch" - chị Huyền Anh ta thán.

Không chỉ trái cây Việt Nam, các loại trái cây ngoại nhập mà chị mua trong siêu thị cũng không còn giữ được chất lượng như trước. Đơn cử, lê Hàn Quốc nếu mua quả lẻ bày bên ngoài thì trái to hơn nhưng toàn héo, cũ. Chọn mua 3 trái đã đóng hộp, nhìn tươi hơn cũng chỉ có 2 trái ngọt, 1 trái chát, có thể do còn non. Trước đây, nhà chị hay mua táo Envy của Mỹ giòn, ngọt nhưng giờ hơn  200.000 đồng/kg mà cũng xốp.

"Bỏ tiền triệu ra mua những loại trái cây ngon nhất về mà còn vác bực vào thân. Không hiểu vì sao chất lượng trái cây ngày càng tệ. Riết rồi giờ đi siêu thị không biết phải mua trái gì luôn" - bà nội trợ Q.4 ca thán.

Đồng cảm, cô Bích Hiển (Hà Nội) lần đầu vào hệ thống cửa hàng lớn ở TX.Sơn Tây (Hà Nội) cũng đã có ấn tượng không tốt vì mua nho Mỹ xanh mà bị nhạt. "Tôi mới chỉ thấy nhiều người không thích ăn nho vì ngọt quá, chứ chưa từng thấy nho nhạt bao giờ. Tôi thấy trong mấy hệ thống siêu thị, trái cây thường cũ, héo do ít người mua. Giá thì cao, mà chất lượng cũng không tốt" - cô Hiển nhận xét.

Vì sao trái cây ngày càng dở, đến nho cũng nhạt? - Ảnh 2.

Ngày càng nhiều trái cây Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang các nước lớn, song, ở thị trường nội địa, người tiêu dùng thường phải mua những mặt hàng chất lượng kém

Q.T

To nhưng dở ẹc vì sao?

Mang những bức xúc của người tiêu dùng tới hỏi chuyên gia nông nghiệp, TS Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam đồng tình, chất lượng trái cây trên thị trường ngày càng giảm so với trước đây. Nguyên nhân đầu tiên do giống.

Theo ông, vấn đề quản lý cơ sở cung cấp cây giống đang có nhiều bất cập. Theo quy trình, muốn sản xuất được cây giống phải chọn được cây đầu dòng có năng suất, chất lượng cao, ổn định, được cơ quan có thẩm quyền bình tuyển và công nhận để làm nguồn vật liệu nhân giống. Đơn cử, muốn chọn được giống xoài ngon phải lên tận vùng xoài, chọn giống tốt nhất, theo dõi chất lượng trong vòng 2 - 3 năm rồi mới xin công nhận làm cây đầu dòng. Từ đó, lấy mắt, cắt ghép vào cây khác. Từ cây "mẹ" tốt mới nhân giống thành nhiều cây "con" chất lượng.

Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các địa phương đều không đủ nhân lực để giữ quy trình chọn cây giống đảm bảo chất lượng. Giống cây không đạt yêu cầu trôi nổi khắp nơi, tạo nên những loại trái cây "mang tiếng" giống tốt nhưng chất lượng thoái hóa. 

Bên cạnh đó, quy trình chăm sóc của người nông dân cũng không được chú trọng. Nhiều khi chọn được giống "chính hãng" nhưng chăm sóc không đúng quy trình. Người trồng cây trái hiện nay thường có tâm lý "tham" trái to, càng nặng bán càng được giá nên bón nhiều phân đạm. Dư lượng phân đạm khiến trái cây "to nhưng dở ẹc".

Tiếp đến là khâu phân phối, vận chuyển. Nếu dùng xe vừa chở thuốc để chở trái cây cũng có thể khiến trái cây nhiễm dư lượng chất tạp, khi đến tay người tiêu dùng trở thành trái không đạt chất lượng; hoặc trái cây bị dập, hư do va đập mạnh.

Cuối cùng là trách nhiệm của đơn vị nhập hàng ở các siêu thị. Phải mua loại trái cây đúng chất lượng của giống, đúng nơi sản xuất cụ thể, rõ tàng, kiểm tra chất lượng trước khi nhập hàng. 

TS Võ Hữu Thoại chỉ rõ: Ở các siêu thị hiện nay, đôi khi giống mua không đạt chất lượng nhưng vẫn tiếp tục nhập về bán cho người tiêu dùng. Đi khảo sát vùng trồng, chất lượng tốt, ký hợp đồng nhưng để tránh trường hợp bên cung cấp trộn giống, lấy trái cây từ vướn khác đưa lên bán thì bộ phận kiểm tra phải rà soát lại hàng mỗi lần nhập về. Không phải cứ ký xong hợp đồng rồi nhận hàng, không quan tâm chất lượng từng đợt ra sao, phản hồi của khách hàng thế nào. 

"Chưa kể có một số trường hợp tiêu cực, móc nối nhau để đưa hàng kém chất lượng vào bày bán tại siêu thị. Cả hệ thống hiện nay đều đang có vấn đề nên chất lượng trái cây đến tay người tiêu dùng ngày càng giảm" - TS Võ Hữu Thoại nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.