'Vựa cát' điêu đứng khi nguồn cung đứt gãy

20/03/2024 06:33 GMT+7

An Giang là "vựa cát" của miền Tây với trữ lượng hàng chục triệu mét khối nhưng gần đây thì chính địa phương này cũng khốn đốn vì "gãy" nguồn cung cát.

Theo thu thập của PV Thanh Niên, tính đến tháng 5.2022, tỉnh An Giang cấp giấy phép khai thác 9 khu mỏ, với tổng diện tích 440,84 ha, tổng trữ lượng khai thác gần 19,8 triệu m³. Tổng công suất khai thác hơn 4,2 triệu m³/năm. So với giai đoạn 2015 - 2020, tăng 1 khu mỏ, và trữ lượng khai thác tăng thêm 7,6 triệu m³.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đoạn Cần Thơ - Hậu Giang)  đang chậm tiến độ vì thiếu cát Ảnh: Đình Tuyển

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đoạn Cần Thơ - Hậu Giang) đang chậm tiến độ vì thiếu cát

ĐÌNH TUYỂN

Tuy nhiên, sau thanh tra, tháng 7.2023, Thanh tra Chính phủ đã kết luận tỉnh An Giang có hàng loạt vi phạm trong cấp giấy phép khai thác cát. Đồng thời yêu cầu địa phương xử lý việc cấp phép cho doanh nghiệp (DN) khai thác cát sai quy định, hàng loạt giấy phép khai thác cát bị thu hồi.

Ông Thái Minh Hiển, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh An Giang, cho biết đến nay tỉnh An Giang chỉ còn duy nhất dự án nạo vét, chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao do liên danh Công ty TNHH Thương mại dịch vụ DNU và Công ty TNHH MTV Môi trường Vạn Hưng Tùng được tỉnh cấp phép khai thác cát đang hoạt động, với tổng trữ lượng 3,4 triệu m³.

Chúng tôi có 2 công trình dang dở cần thêm 1.000 m3 cát san lấp nhưng không thể nào xoay xở được. Thậm chí tuyến đường Thái Thị Hạnh (Q.Ô Môn) gần chỗ tôi làm còn khoảng 200 m đường, cần một lớp cát lấp chừng 5 cm nữa thôi mà chờ mấy tháng không có.

Chủ thầu xây dựng tên Ng.H.M

Như vậy, từ 9 mỏ cát, trữ lượng gần 19,8 triệu m³, đảm nhiệm vai trò chính cung cấp cát cho các tuyến cao tốc ở miền Tây thì hiện tại, con số trữ lượng của An Giang "teo tóp" còn khoảng 17% so với năm 2022. Kéo theo đó là sự đứt gãy chuỗi cung ứng cát không chỉ cho các dự án cao tốc, giao thông trọng điểm ở khu vực ĐBSCL mà cả TP.HCM và miền Đông Nam bộ. Các công trình xây dựng dân dụng, công trình nhỏ cấp địa phương cũng không nằm ngoài vòng tác động khi đều rơi vào tình trạng thiếu cát trầm trọng.

Nguồn cung cát đứt gãy, loạt công trình lớn thấp thỏm 

Ông Đ.N, chủ DN kinh doanh vật liệu xây dựng lớn ở Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, thừa nhận nhiều năm nay, DN của ông vốn phụ thuộc vào nguồn cát từ An Giang. Đầu năm 2023, ông còn nhận cấp cát cho 8 dự án xây dựng ở Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL, nhưng hiện xin rút lui hết. "Bây giờ cát san lấp đã ưu tiên cho các dự án cao tốc. Cơ quan chức năng họ làm chặt lắm, quản lý trữ lượng từ mỏ rồi hợp đồng đầu ra, đầu vào nên không ai dám chuyển cát ra ngoài bán cho mình", ông Đ.N nói. Cũng theo chủ DN này, hầu hết nguồn cát xây, cát làm bê tông ở miền Tây hiện phụ thuộc vào lượng cát nhập khẩu từ Campuchia. "Cát này về đến Cần Thơ có giá khoảng 380.000 đồng/m³, cao hơn năm 2022 khoảng 140.000 đồng/m³ nhưng để mua được cũng trầy da tróc vẩy", ông N. than.

'Vựa cát' điêu đứng khi nguồn cung đứt gãy- Ảnh 2.

Nhiều công trình xây dựng dân dụng ở ĐBSCL cũng chịu ảnh hưởng lớn bởi tình trạng thiếu cát

ĐÌNH TUYỂN

Cũng gặp khó vì cát, ông Ng.H.M, chủ thầu xây dựng ở Hậu Giang, Cần Thơ, cho hay: "Chúng tôi có 2 công trình dang dở cần thêm 1.000 m³ cát san lấp nhưng không thể nào xoay xở được. Thậm chí tuyến đường Thái Thị Hạnh (Q.Ô Môn) gần chỗ tôi làm còn khoảng 200 m đường, cần một lớp cát lấp chừng 5 cm nữa thôi mà chờ mấy tháng không có".

Cấp phép mới kết hợp siết chặt quản lý đầu ra

Trước tình hình khó khăn trên, bộ ngành trung ương và các tỉnh ĐBSCL đã có nhiều cuộc làm việc tháo gỡ khó khăn, nhất là tìm nguồn cung cát cho các dự án cao tốc miền Tây. Riêng tại An Giang, Sở TN-MT tỉnh này cho biết đã tiến hành các thủ tục cấp quyền khai thác 10 khu mỏ, với trữ lượng hơn 15,5 triệu m³ cát sông. Ưu tiên trước hết là phục vụ các công trình cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Đến nay tỉnh đã làm việc với đại diện chủ đầu tư, nhà thầu để hướng dẫn thực hiện các thủ tục cuối cùng trước khi khai thác cát sông. Đồng thời yêu cầu các nhà thầu sớm bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ, lắp đặt thiết bị, định vị phương tiện khai thác và vận chuyển; yêu cầu lắp đặt màn hình theo dõi tại trụ sở UBND các xã, nơi có khu mỏ khai thác, đăng ký phương tiện khai thác, vận chuyển.

Hiện UBND tỉnh An Giang cũng đã giao Sở TN-MT chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về hoạt động thẩm định, đánh giá tác động môi trường và các hoạt động khai thác cát sông tại các khu mỏ. Bên cạnh đó, phối hợp với Công an tỉnh An Giang và các đơn vị, địa phương theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc khai thác cát; vận chuyển cát phải đến tận công trình.

Tính đến giữa tháng 11.2023, lượng cát từ Campuchia nhập khẩu về VN qua Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (An Giang) là gần 15 triệu tấn, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị cát nhập khẩu là gần 64 triệu USD; thuế nhập khẩu là hơn 130 tỉ đồng; có 33 DN tham gia nhập khẩu cát từ Campuchia về VN.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.