Thị trường chờ chính sách tiếp sức

12/03/2014 03:00 GMT+7

Để những dấu hiệu tích cực trở thành sự phục hồi của thị trường bất động sản sau nhiều năm “đóng băng”, theo các chuyên gia, thị trường này cần được tiếp sức kịp thời bởi việc áp dụng và thực thi nhanh chóng các chính sách đã ban hành.

Để những dấu hiệu tích cực trở thành sự phục hồi của thị trường bất động sản sau nhiều năm “đóng băng”, theo các chuyên gia, thị trường này cần được tiếp sức kịp thời bởi việc áp dụng và thực thi nhanh chóng các chính sách đã ban hành.

 Bất động sản
Thị trường bất động sản cao cấp đã có những giao dịch với mức giá tốt - Ảnh: Đình Sơn

BĐS cao cấp bán tốt

Theo thông tin từ Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng, 90% trong số 103 căn biệt thự tại dự án Chateau có mức giá từ 22 - 72 tỉ đồng/căn (khoảng 80 - 100 triệu đồng/m2) mở bán hồi tháng 5.2012 đã được tiêu thụ. Hồi tháng 1, công ty này cũng bán thành công 48 căn biệt thự Nam Viên, có mức giá đang rao bán trên thị trường hơn 11 tỉ đồng/căn. Tại dự án Riviera Cove (Q.9, TP.HCM) của Công ty Keppel Land cũng đã bán được 80/96 căn biệt thự với mức giá từ 15 - 30 tỉ đồng/căn. Đối tượng khách hàng đa phần là doanh nhân. Với mức giá 4.000 - 5.000 USD/m2, căn hộ có diện tích lớn nhất tại dự án Leman (Q.3, TP.HCM) của C.T Group lên đến 12 tỉ đồng nhưng đến nay đã bán được xấp xỉ 2/3 trên tổng số khoảng 200 căn hộ.

 

Mở cửa cho Việt kiều mua, đầu tư vào BĐS chúng ta có thêm một dòng vốn giúp phát triển thị trường, nền kinh tế chứ có cho không họ đâu... Tôi thấy rằng một chính sách tốt như vậy, tất cả các bên đều có lợi tại sao cứ phải bàn cãi mãi

TS Lê Bá Chí Nhân

Theo nhận xét của chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển về vấn đề này, rõ ràng thị trường bất động sản (BĐS) cao cấp vẫn có giao dịch, nhất là những dự án có vị trí và môi trường sống tốt. Dù đang dồn sức cho phân khúc căn hộ bình dân và nhà ở xã hội, nhưng những đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội cũng cần có các khu đô thị hiện đại, dự án cao cấp đáp ứng cho phân khúc người mua có thu nhập cao. Những dự án này sẽ giúp các thành phố hiện đại, năng động và khang trang hơn. Vì thế, đề xuất mới cho người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam, cho Việt kiều được sở hữu và kinh doanh BĐS nếu được thông qua sớm sẽ tạo đà cho thị trường hồi phục nhanh.

TS Lê Bá Chí Nhân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng thị trường BĐS hiện nay có nhiều tín hiệu cho thấy một bức tranh sáng cho năm 2014. Nhưng điều quan trọng lúc này là cần có sự tiếp sức của nhà nước từ việc đẩy nhanh thực thi các chính sách đã ban hành, cũng như thiết lập một hệ thống hành chính hữu hiệu, nhanh gọn. “Mở cửa cho Việt kiều mua, đầu tư vào BĐS chúng ta có thêm một dòng vốn giúp phát triển thị trường, nền kinh tế chứ có cho không họ đâu. Họ cũng không thể mang mảnh đất, căn nhà ra nước ngoài được. Tôi thấy rằng một chính sách tốt như vậy, tất cả các bên đều có lợi tại sao cứ phải bàn cãi mãi. Nên nhanh chóng ban hành chính sách này vừa giúp cho kiều bào dễ dàng mua, kinh doanh BĐS vừa hút được dòng vốn ngoại vào BĐS”, TS Nhân đề xuất.

Gỡ nút thắt "chậm", "chờ"

Chính sách chậm thực thi là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến thị trường cứ nhen nhúm dù đã "bắt đúng bệnh, kê thuốc đúng đơn”. Như chính sách cho phân lô bán nền, đến nay các doanh nghiệp (DN) vẫn chưa thể làm được dù Thông tư liên tịch số 20 đã ban hành từ tháng 11.2013. Khi DN đi nộp hồ sơ xin chuyển đổi dự án, cơ quan chức năng chưa dám duyệt do chờ... hướng dẫn. Hay quy định giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho khách hàng mua căn hộ thương mại có diện tích dưới 70 m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2 chỉ còn 3 tháng nữa hết hạn nhưng vẫn chưa có khách hàng nào được hưởng ưu đãi này. Một trong những chính sách được kỳ vọng nhất hiện nay như một giải pháp mạnh hỗ trợ thị trường, người mua nhà là gói 30.000 tỉ đồng vẫn đang triển khai ì ạch, nhiêu khê, khiến DN và khách hàng khó tiếp cận. Tại cuộc họp mới đây của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, một đại biểu đã yêu cầu Bộ Xây dựng trả lại gói này cho Chính phủ vì giải ngân quá chậm.

Theo TS Đỗ Thị Loan - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội BĐS TP.HCM, năm 2013 là một năm cực kỳ khó khăn của thị trường BĐS, của DN và người tiêu dùng. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã có Nghị quyết 02 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu và những cơ chế chính sách tương đối toàn diện và đồng bộ. Tuy nhiên, kết quả đạt được trong việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng trong năm 2013 là quá thấp, không đạt như kỳ vọng, chưa tạo được “cú hích” cho thị trường. Ban đầu các DN, người dân rất hào hứng với gói tín dụng này, xem như một “cứu tinh” của thị trường, nhưng càng ngày người dân, DN càng mất lòng tin. Vì thế, năm 2014, nhà nước cần tập trung đẩy nhanh gói tín dụng này.

Lãnh đạo một công ty BĐS thì cho rằng DN không xin nhà nước “giải cứu” bằng tiền mà chỉ xin nhà nước cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các thủ tục không cần thiết, rườm rà, giúp dự án làm nhanh hơn, giảm chi phí, từ đó hạ giá nhà đất. Với quy định hiện nay, một dự án phải mất ít nhất 3 năm mới xong khâu thủ tục hành chính, thậm chí có dự án đến 7 năm. “Nếu một dự án phải vay tiền để triển khai, thì chỉ sau mấy năm đi làm thủ tục lãi suất đã ăn gần hết vốn. Nhà nước nên rà soát lại thủ tục liên quan đến đất đai hiện nay, cắt những điểm rườm rà, bất hợp lý mà DN và người dân kêu. Hỗ trợ thị trường bằng cơ chế, chính sách là cách làm nhanh và hiệu quả. Nhà nước không phải tốn chi phí cũng như mất ít thời gian để chính sách đi vào cuộc sống nhanh hơn”, vị này cho hay.

Đình Sơn

 >> Bất động sản chờ ‘cú hích’ Việt kiều
>> Chưa đồng nhất để Việt kiều kinh doanh bất động sản
>> Bất động sản hút vốn
>> Vốn 50 tỉ đồng mới được kinh doanh bất động sản
>> Bộ Xây dựng bác tin đồn gói tín dụng 100.000 tỉ đồng cứu bất động sản
>> Tiền đang chảy vào bất động sản

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.