Giúp phụ nữ Khmer thoát nghèo bền vững

14/03/2014 10:52 GMT+7

Bằng các giải pháp hỗ trợ thích hợp, các cấp hội phụ nữ ở Cà Mau đã giúp nhiều gia đình chị em dân tộc Khmer cải thiện đời sống và thoát nghèo bền vững…

 
Một buổi sinh hoạt nhằm phát động phong trào thi đua lao động, sản xuất của Tổ phụ nữ ấp Kinh Đứng B - Ảnh: Chí Tín

Nhiều cách giúp nhau

Chị Trương Thanh Bình, Chủ tịch Hội LHPN xã Khánh Hưng, cho biết toàn xã có 2.540 hội viên phụ nữ, trong đó có 487 hội viên dân tộc Khmer. Năm 2013, có 6 hộ gia đình do chị em làm chủ thoát nghèo. Có được kết quả này là nhờ Hội LHPN xã duy trì và phát triển mô hình “Vận động phụ nữ dân tộc phát triển kinh tế hộ gia đình” với tổng số tiền trên 1,5 tỉ đồng. Xã cũng thành lập được 86 tổ nuôi heo đất, có 2.477 phụ nữ tham gia. Đến khi khui heo được trên 103 triệu đồng, số tiền này dùng để giúp chị em phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn mượn đầu tư sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Hội LHPN xã Khánh Hưng còn xây dựng được 16 tổ hùn vốn cho chị em mượn không tính lãi, với số tiền 56 triệu đồng; lập 12 “hũ gạo tình thương” ở 66 tổ, với 1.618 thành viên và đã giúp được 116 chị em.

Không chỉ có vậy, Hội LHPN xã Khánh Hưng còn huy động các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán chịu cây, con giống, giúp nhau ngày công lao động trị giá trên 50 triệu đồng. Nhiều hội viên được chi hội phụ nữ ấp đứng ra bảo lãnh vay tín chấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội; tư vấn lựa chọn mô hình kinh doanh, buôn bán phù hợp, tạo điều kiện để chị em tham gia các lớp học nghề…

Thoát nghèo từ đồng vốn nhỏ

Để giúp chị em thoát nghèo thì vai trò gương mẫu của cán bộ hội là rất quan trọng và chị Quách Kim Luông, Chi hội trưởng phụ nữ ấp Kinh Đứng B (xã Khánh Hưng), là một người như thế. Để phụ nữ trong ấp hiểu, tin tưởng và làm theo, chị gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, từ tiết kiệm chi tiêu đến nghĩ cách làm ăn, cần cù chịu khó. Chị Luông đã tìm nhiều cách để phụ nữ Khmer nghèo có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Sau nhiều đêm suy tính, chị quyết định vận động chị em hội viên trong ấp hùn vốn đầu tư sản xuất bằng mô hình nuôi heo đất.

 
Chị Quách Kim Luông, một phụ nữ điển hình trong lao động sản xuất - Ảnh: Chí Tín

Đầu tiên, chị chia hội viên phụ nữ trong ấp thành 4 tổ, rồi họp mặt từng tổ nói rõ mục đích của mô hình nuôi heo đất, vận động chị em tiết kiệm, tạo được đồng vốn, xây dựng quỹ vì phụ nữ nghèo để giúp nhau. Đến nay, nhiều phụ nữ đã có cơ sở làm ăn ổn định, những chị em không đất sản xuất thì buôn bán nhỏ, trồng hoa màu vươn lên trong cuộc sống.

Ông Danh Sươl, Bí thư Chi bộ ấp Kinh Đứng B, cho biết: “Đồng vốn giúp đỡ của chị em phụ nữ tuy nhỏ (bình quân khoảng 500.000 - 1 triệu đồng/chị), nhưng cách làm của chị Luông đã khơi dậy được phong trào phụ nữ tham gia phát triển kinh tế gia đình, xóa đói, giảm nghèo. Từ đó, tình làng nghĩa xóm ngày thêm thắt chặt”.

Không chỉ giúp nhiều hộ gia đình phụ nữ dân tộc Khmer thoát nghèo bền vững, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ ở Cà Mau còn tích cực vận động xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Trong đó, phải kể đến cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” gắn với việc xây dựng nông thôn mới; các câu lạc bộ “Nước sạch và vệ sinh môi trường”; “Gia đình không sinh con thứ ba”; “Gia đình hạnh phúc”... do Hội LHPN tỉnh phát động đang trở thành những phong trào điển hình trong cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Chí Tín

>> Vĩnh Long: Dạy tiếng Khmer trên địa bàn tỉnh
>> 12 tỉ đồng hỗ trợ đồng bào Khmer
>> Bắt kẻ dụ dỗ 4 thiếu nữ Khmer đem bán

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.