Sức mua khó khỏe

11/03/2014 03:00 GMT+7

Phí chồng phí là câu chuyện quá cũ. Cũ vì nó xảy ra nhiều năm nay, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và quan trọng nhất, cũ vì nó không được giải quyết triệt để. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến sức mua cứ ì ra, không thể khỏe lên dù nhiều giải pháp kích cầu đã được triển khai.

Phí chồng phí là câu chuyện quá cũ. Cũ vì nó xảy ra nhiều năm nay, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và quan trọng nhất, cũ vì nó không được giải quyết triệt để. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến sức mua cứ ì ra, không thể khỏe lên dù nhiều giải pháp kích cầu đã được triển khai.

Chuyện hết sức vô lý nhưng lại đang diễn ra ngang nhiên. Đó là thu phí trước để làm hầm Đèo Cả trong khi về nguyên tắc, người dân - doanh nghiệp (DN) chỉ phải trả tiền khi sử dụng dịch vụ. Vô lý hơn là nhiều DN không được sử dụng hầm này cũng phải đóng phí; nhiều người dân ở cách hầm Đèo Cả tới 20 - 30 km, không nhìn thấy hầm "vuông - tròn" thế nào cũng vẫn phải đóng tiền đi qua... hầm. Trước đó không lâu, người dân và DN ở thủ đô cũng bức xúc phản ứng việc UBND TP.Hà Nội kiến nghị thu phí đại lộ Thăng Long dù nguồn vốn làm đại lộ này là từ ngân sách, mà theo quy định không được thu phí. Đó là chưa kể họ đã đóng phí bảo trì đường bộ trên mỗi đầu phương tiện. Lại có nơi, chính quyền xã tự lập trạm thu phí... Phí chồng phí, phí vô lý, phí dày đặc khắp nơi khiến người dân, DN thay vì vui mừng lại phấp phỏng, lo lắng mỗi khi nghe tin xây cầu, làm đường. Bởi cầu, đường chưa biết bao giờ xong, chưa biết chất lượng thế nào, chưa biết có sử dụng được hay không nhưng phí thì chắc chắn họ phải đóng.

Phí chồng phí, phí "mọc" khắp nơi là một trong những nguyên nhân khiến sức mua ngày càng suy giảm. Bởi đối tượng phải gánh cuối cùng chính là người dân. Họ bị đổ lên đầu mọi cái và thực tế, họ bị "chồng" rất nhiều lần. Này nhé, chủ đầu tư khó khăn thì xin lập trạm thu phí, xin tăng phí, xin thu phí trước. DN bị chặt phí thì tính vào giá vận chuyển. Nhà sản xuất thì bổ đầu trên sản phẩm. Thế là người dân, ngoài chuyện phải trực tiếp đóng phí lại phải gánh thêm phần phí tăng thêm trong giá thành hàng hóa tiêu dùng. Trong bối cảnh thu nhập mấy năm nay không tăng, họ chỉ còn cách thắt chặt chi tiêu. Ưu tiên cho các nhu cầu thiết yếu, còn cái gì cắt được là cắt hết. Thế là hàng ế ngoài chợ, hàng tồn trong kho... và hậu quả là 2 tháng đầu năm đã có thêm 13.000 DN đóng cửa, tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước. Các DN đang hoạt động thì vô cùng khó khăn, lay lắt. Đó là lý do, sau nhiều năm nỗ lực kiềm chế lạm phát, thay vì hân hoan, rất nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu của đất nước đang đặt câu hỏi về sự tăng thấp bất thường của chỉ số CPI nhiều tháng trở lại đây.

Chính phủ đang nỗ lực cổ phần hóa các DN nhà nước, giảm nợ xấu cho ngân hàng, khơi thông vốn cho sản xuất, kêu gọi gây dựng lại chuồng - trại... Nhưng nếu chi phí cứ tăng lên trong khi thu nhập của người dân không theo nổi thì ai sẽ tiêu thụ hàng hóa? Muốn tăng sức mua thì phải tăng thu nhập hoặc giá phải giảm...

Sức mua làm sao có thể "khỏe" nếu túi tiền của người dân vẫn, đã và đang bị các loại phí làm cho yếu đi?

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.