Bác sĩ vùng biên đuổi ‘ma bệnh’

27/02/2014 10:17 GMT+7

Hơn 5 năm công tác tại Trạm Y tế xã Gary (H.Tây Giang, Quảng Nam), điều anh tâm đắc nhất là thay đổi nhận thức của người dân, không còn mê tín dị đoan trong việc điều trị bệnh.

Bác sĩ vùng biên đuổi ‘ma bệnh’
Bác sĩ Bríu Kiêm thăm khám cho một bệnh nhi - Ảnh: Hoàng Sơn

Anh là Bríu Kiêm (36 tuổi), Phó trạm trưởng Trạm Y tế xã Gary cũng là bác sĩ người C’Tu đầu tiên trên miền biên viễn giáp nước bạn Lào. Tốt nghiệp ĐH Y Dược Huế năm 2007, năm sau, anh trở về quê hương nhận công tác. Từ đó đến nay, anh đã cứu sống không biết bao nhiêu trường hợp tự tử bằng lá ngón, vì tai nạn lao động… Ngồi trong trạm xá được cất bằng gỗ tạp đang xuống cấp chỉ chờ sập, Bríu Kiêm nói: “Từ khi tôi về làm việc đến nay, trạm xá này hầu như không thay đổi gì, vẫn xập xệ và thiếu thốn trang thiết bị y tế. Thế nhưng, lượng người đến khám mỗi năm lại tăng lên, chúng tôi phải nỗ lực hết mình mới cấp cứu, chữa trị kịp thời cho người dân”.

Có bác sĩ đa khoa về đến tận bản, người dân các xã Gary, Ch’Ơm yên tâm hơn mỗi khi có bệnh. Nhiều người tin tưởng bác sĩ đến mức bảo rằng, đã đến trạm thì dù sống hay chết cũng ở lại trạm để nhờ bác sĩ cứu chữa mà thôi. Đến những ca bệnh đến… Giàng (trời) cũng phải bó tay như ăn lá ngón nhưng bác sĩ Kiêm vẫn cứu sống. Bríu Kiêm nhớ như in vụ tự tử bằng lá ngón của cô gái A Lăng Thương cách đây 2 năm. Đó là tháng 1.2012, bác sĩ Kiêm nhận được tin báo Thương đã ăn lá ngón trong nhiều giờ. Khi người nhà phát hiện, cô gái C’Tu này đang trong tình trạng nguy kịch, trụy tim, người tím dần... Mặc dù người nhà đã “điều trị” bằng cách cho ngâm vào thùng nước lạnh nhưng vẫn không tiến triển. Bác sĩ Kiêm tìm đến tận nhà và lập tức tiến hành các thủ thuật súc rửa dạ dày cho cô... “Trước đây, số vụ tự tử bằng lá ngón ở xã mình xảy ra nhiều lắm. Mỗi năm có 5-7 vụ, trong đó nhiều nhất là tại thôn G’lao. Đa phần, nguyên nhân khiến người ta tự tử là do mâu thuẫn gia đình hoặc trai gái bị cấm cản tình yêu. Năm đó em Thương chỉ mới 15 tuổi, do người thân ngăn cản không cho yêu một thanh niên trong bản nên nghĩ quẩn rồi quyên sinh”, anh Kiêm kể. Sau mỗi lần cứu sống nạn nhân, anh Kiêm lại ra sức làm công tác “dân vận” để hạn chế những cái chết đau lòng. Nhờ đó, đến nay, số ca tự tử đã giảm hẳn. “Giúp được người dân, có vận động để xóa bỏ những hủ tục người ta mới tin. Nhất là, những bệnh nhân bị chấn thương, bị vết thương hở…”, Bríu Kiêm tiếp lời.

Theo anh, mấy năm về trước, cứ có việc gì bị chảy máu, bị thương… người dân lại mổ trâu bò cúng vái để… chữa trị. Có những vụ tai nạn máu chảy bê bết thế mà dân bản chỉ qua quýt đắp lá cho cầm máu, rồi cả nhà mổ trâu, giết bò tế thần, xin Giàng đuổi “con ma” ra khỏi người bệnh. Bệnh không khỏi, đã thế lại còn tốn kém, có khi nạn nhân còn bị nhiễm trùng do không được sơ cứu, thuốc men kịp thời. Bác sĩ Kiêm tâm sự, cứu được một bệnh, vài bệnh rồi hàng chục bệnh, người dân từ chỗ nghi ngờ đến bắt đầu tin. Đến lúc người dân tin cũng là lúc bác sĩ Kiêm dùng “bài” giải thích, tuyên truyền cho người dân hiểu đến xóa bỏ mê tín dị đoan, xóa bỏ hủ tục cúng bái trị bệnh. “Thời gian cứ trôi, người dân giờ đây đã hoàn toàn tin tưởng vào các y bác sĩ. Bệnh nặng hay nhẹ họ đều tìm đến trạm xá để xin thuốc. Tuy nhiên, khi cấp phát thuốc cho dân, mình phải dặn dò cẩn thận để tránh trường hợp dùng quá liều hoặc “quên” rồi móc lên giàn bếp…”, bác sĩ Bríu Kiêm nói.

Tiếng lành đồn xa, người dân từ bên kia biên giới ở H.Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào) hàng ngày vẫn thường xuyên đến trạm xá gặp bác sĩ Kiêm để điều trị bệnh. Không phân biệt người trong nước hay nước ngoài, tiếp nhận ca bệnh nào, bác sĩ Kiêm cũng chu đáo, săn sóc cẩn thận. Với chức phận của một lương y, Bríu Kiêm đã trở thành một chiếc cầu nối nhịp niềm tin và tình hữu nghị giữa hai đất nước Việt - Lào.

Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.