Dân vẫn phải chờ

07/11/2013 03:10 GMT+7

Khi xưa, sau khi đánh đuổi được giặc Minh ra khỏi bờ cõi giành được độc lập cho nhân dân, vua Lê Lợi đã hỏi cụ Nguyễn Trãi rằng đất nước đã thanh bình vậy triều đình cần sửa sang lễ nhạc? Cụ Nguyễn Trãi đã trả lời rằng cái gốc của lễ nhạc chính là làm sao để nơi thôn cùng, xóm vắng không có tiếng kêu than. Tư tưởng đó vẫn mới nguyên cho đến ngày hôm nay.

Phát biểu tại QH, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) từng nói: "Bây giờ làm sao đo lường được những bất bình của nhân dân đối với chính sách?". Thực ra, đối với chính sách đất đai, việc đo lường bất bình của dân rất dễ, hãy nhìn vào số lượng khiếu kiện của dân tăng lên và số lượng khiếu kiện đã được giải quyết thỏa đáng hằng năm. Sau đó, hãy nhìn thực lòng vào mức độ nghèo khó của dân vùng nông thôn, miền núi, của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Mục tiêu chính của sửa đổi cả Hiến pháp lẫn luật Đất đai là đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cần phải đổi mới phương thức chuyển dịch đất đai để có đất thực hiện các dự án đầu tư. Dù dùng thuật ngữ nào đi nữa thì bản chất của vấn đề là đừng bắt người nông dân bắt buộc phải "bán" đất cho nhà đầu tư để cầm nắm tiền đứng ngoài hàng rào của dự án. Chính sách phải đưa được người dân địa phương hòa nhập vào dự án đầu tư, có lợi ích cả bằng tiền và không bằng tiền từ dự án đầu tư. Lợi ích bằng tiền luôn được xác định thông qua việc định giá đất. Như vậy, cơ chế nhà nước định giá đất phải khách quan, trung thực, không vì lợi ích của bên nào.

Nhiều người cho rằng làm như vậy thì khó quá. Sự thực không khó. Vừa rồi, trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở rất nhiều địa phương, người dân đã góp đất không cần bồi thường để làm đường, để xây dựng các công trình phúc lợi vì họ thấy các công trình đó mang lại lợi ích trực tiếp cho họ.

Luật Đất đai sửa đổi cần tìm cho được phương thuốc hay để chữa đúng bệnh bức xúc của dân từ cơ chế nhà nước thu hồi đất và cơ chế nhà nước quyết định giá đất. Phương thuốc đó là tạo cơ chế chia sẻ lợi ích từ quá trình đầu tư thông qua một cơ chế định giá khách quan trong mối quan hệ thị trường để người bị thu hồi đất có cuộc sống tốt hơn hoặc ít nhất là bằng cuộc sống cũ. Chúng ta đừng rơi vào cực tả của cơ chế nhà nước thu hồi đất, cũng đừng rơi vào cực hữu của cơ chế tự thỏa thuận.

Rất tiếc, dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) trình ra QH lần này vẫn giữ nguyên các cơ chế này như pháp luật đất đai hiện hành, hầu như không có đổi mới gì đáng kể. Người dân lại phải tiếp tục chờ đợi... sự đổi mới.

Gs-Ts Đặng Hùng Võ

>> Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật Đất đai (sửa đổi)
>> Lấy ý kiến nông dân về dự thảo luật Đất đai
>> Góp ý dự thảo Luật Đất đai: Tránh lập quy hoạch đất đai tràn lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.