Khá lên nhờ chí thú làm ăn

05/12/2013 10:48 GMT+7

Nhắc tới anh nông dân Sau Thinh (37 tuổi, ngụ ấp Hiệp Phước, xã Hòa Thạnh, H.Châu Thành, Tây Ninh) thanh niên trong xóm đều ngưỡng mộ bởi sự chịu khó làm lụng thoát nghèo.

Khá lên nhờ chí thú làm ăn
Sau Thinh chuẩn bị cây mì để xuống giống mùa mới - Ảnh: Giang Phương

 Bắt đầu từ một thùng gạo…

Tiếp chúng tôi trong căn nhà xây gạch chưa tô nép trong cái xóm nghèo ở ấp Hiệp Phước – giáp khu vực biên giới Campuchia, Sau Thinh hớn hở kể về cuộc sống của mình. Sau Thinh là người dân tộc Khơmer, anh có vợ và bắt đầu ra riêng với của cải được cha mẹ cho là một thùng gạo và 2 con trâu. Để nuôi được vợ con, Sau Thinh lao vào cuộc mưu sinh làm thuê làm mướn. Tới mùa mì thì đi giẫy cỏ mì, tới mùa mía thì đi làm mía. Làm thuê được vài năm thì Sau Thinh đứng là làm đầu công (người đứng ra lãnh việc và gọi các công khác làm cho mình – PV). Sau Thinh hớn hở nói: “Để làm được đầu công thì mình phải có uy tín, phát lương đúng ngày… lúc đó công mới theo mình làm lâu dài được”. Sau Thinh kể: “Nhờ làm đầu công, mỗi tháng gia đình thu nhập khoảng hơn 6 triệu đồng, mỗi năm khoảng 72 triệu”

Từ số tiền thu nhập hàng tháng có được, 2 vợ chồng Sau Thinh dùng số tiền đó mướn 5 ha đất trồng mì và mướn thêm 4 ha khác để trồng mía. Sau Thinh nói thêm: “Sinh ra vốn không giàu có rồi nên mình càng phải làm cho bằng bà con hàng xóm. Mình không dám để thời gian ở không, cứ việc này vừa xong là phải kiếm việc khác mà làm. Nhờ đó mà có việc quanh năm”

Mua đất cất nhà

Sau Thinh tự tin chia sẻ: “Gia đình tôi bắt đầu từ số 0 nên tự làm thuê làm mướn mà sống. Nhưng chỉ cần biết cách làm ăn và chịu khó thì dù làm thuê làm mướn cũng sẽ có cuộc sống ổn định”. Nhẩm tính thu nhập của mình năm vừa qua, Sau Thinh nói: “Với 5 mẫu mì, nếu trừ hết các chi phí tôi lời được khoảng 100 triệu, cộng thêm 4 mẫu mía tôi lời được khoảng 60 triệu nữa”. Chỉ vào bên trong căn nhà mình còn trống hươ trống hoắc, Sau Thinh cười nói: “Trong nhà chưa dám sắm sửa gì, nhà còn dư được hơn 100 triệu thì dành để mua được mảnh đất nền cạnh đất ba mẹ mà cất cái nhà cho đàng hoàng”.

Tiếp chuyện chúng tôi xong, Sau Thinh hớp vội ngụm trà vừa mang ra đãi khách rồi lao ngay ra chỗ để mì giống trước nhà để ra hom mì cho kịp ngày trồng.

Sau Thinh nói: “Công việc bận rộn hay không là ở mình thôi, nếu sắp xếp được thì làm hoài cũng không hết việc”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thanh Long, Chủ tịch Hội nông dân xã Hòa Thạnh cho biết, anh Sau Thinh là một trong những tấm gương người dân tộc làm kinh tế giỏi của xã. “Ở mảnh đất vùng biên mà chí thú làm ăn như Sau Thinh là đã quá giỏi rồi đằng này anh còn vươn lên thoát nghèo”, ông Long hồ hởi nói.

Giang Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.