Trẻ sinh ra nhờ tinh trùng người đã qua đời: Có quyền nhân thân, không có quyền thừa kế từ cha

29/12/2013 18:25 GMT+7

(TNO) Sự kiện hai bé trai sinh đôi (tại Hà Nội) vừa chào đời nặng 2,4 kg và 2,6 kg là kết quả của ca thụ tinh trong ống nghiệm từ tinh trùng của người bố được bảo quản sau 3 năm lấy từ tử thi là thành tựu của y học Việt Nam. Vấn đề nhân thân của trẻ trong trường hợp này ra sao?

(TNO) Sự kiện hai bé trai sinh đôi (tại Hà Nội) vừa chào đời nặng 2,4 kg và 2,6 kg là kết quả của ca thụ tinh trong ống nghiệm từ tinh trùng của người bố được bảo quản sau 3 năm lấy từ tử thi là thành tựu của y học Việt Nam. Đây là vấn đề khá hi hữu vì người chồng mất đã 3 năm.

>> Tranh cãi việc lấy tinh trùng người quá cố để sinh con
>> 2 bé trai ra đời nhờ tinh trùng của người bố đã mất


Số ca sinh đôi đang tăng mạnh do liệu pháp điều trị vô sinh - Ảnh: Wingwire.com

Nhiều bạn đọc thắc mắc về vấn đề khai sinh, quyền nhân thân của hai đứa trẻ sinh ra từ ống nghiệm.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích: Điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 về xác định cha, mẹ quy định con chung của vợ chồng là con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ mang thai trong thời kỳ hôn nhân; con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng. Điều 21 Nghị định 70/2001/NĐ-CP ngày 03.10.2001 của Chính phủ về xác định con chung của vợ chồng còn có quy định: Con sinh ra trong vòng 300 ngày, kể từ ngày người chồng chết hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án xử cho vợ chồng ly hôn có hiệu lực pháp luật, thì được xác định là con chung của hai người.

Theo luật sư Chánh, chiếu theo quy định trên, trường hợp 2 cháu bé được sinh ra sau hơn 3 năm kể từ ngày cha các cháu chết, thì không được xem là con chung của người phụ nữ đó và người chồng quá cố. Mặc dù, trên thực tế 2 cháu bé này là “sản phẩm” của vợ chồng chị ấy. Đây chính là vấn đề mà pháp luật Hôn nhân Gia đình và Nghị định hướng dẫn chưa dự liệu tới và không điều chỉnh kịp theo sự phát triển của khoa học, y học.

 

"Tóm lại, ở trường hợp đặc biệt này hai trẻ được sinh ra từ chính tinh trùng của cha mình về nhân thân không phải là điều đáng lo ngại (như việc khai sinh ghi tên cha) và chỉ bị hạn chế bởi duy nhất một quyền là quyền thừa kế mà thôi, còn các quyền dân sự khác đều bình thường như một công dân bình thường (nếu không bị hạn chế)", luật sư Trạch nói.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) lại cho rằng vấn đề khai sinh cho hai cháu bé không khó. Theo luật sư Trạch, Nghị định 12/2003/NĐ-CP ngày 12.2.2003 có quy định về những trường hợp trẻ sinh ra trong ống nghiệm.

Cụ thể là tại Chương V, Điều 20, khoản 1 ghi: “Trẻ ra đời do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phải được sinh ra từ người mẹ trong cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ sống độc thân”.

Trong trường hợp này, 2 bé trai sinh đôi tại Hà Nội được sinh ra từ chính người mẹ của mình. Tại khoản 2 quy định “Những người theo quy định tại khoản 1 Điều này được xác định là cha, mẹ đối với trẻ sinh ra do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản”. Nhưng tại Điều 3 của Nghị định có giải thích về thụ tinh nhân tạo là thủ thuật bơm tinh trùng của chồng hoặc của người cho tinh trùng vào tử cung của người phụ nữ có nhu cầu sinh con để tạo phôi. Ở đây, khi người chồng bị tai nạn giao thông thì cả hai vợ chồng đều chưa có con. Do đó, người vợ đã nhờ các bác sĩ chuyên khoa thực hiện việc lấy và lưu trữ tinh hoàn của người chồng lại để thực hiện việc sinh con bằng sự hỗ trợ của khoa học - phương pháp thụ tinh nhân tạo. Pháp luật cũng không cấm việc sử dụng tinh trùng của người đã chết nên trong trường hợp này, người mẹ hoàn toàn có thể sinh con theo phương pháp khoa học này. Vậy, căn cứ vào Nghị định 12/2003 thì 2 con trai được sinh ra đều có nhân thân từ chính noãn và tinh trùng của cha mẹ mình.

"Theo tôi nghĩ, người mẹ hoàn toàn có khả năng đăng ký khai sinh và ghi tên cha cho con là người chồng đã mất. Người vợ có đủ cơ sở pháp lý để chứng minh hai trẻ sinh ra từ tinh trùng của người chồng đã mất, thông qua xác nhận của cơ sở y tế thực hiện ca thụ tinh trong ống nghiệm, chứng tử, giấy đăng ký kết hôn", luật sư Trạch phân tích.

Còn về vấn đề thừa kế, luật sư Trạch và luật sư Chánh có cùng quan điểm khi cho rằng hai trẻ không có quyền về thừa kế.

Cụ thể, Nghị định 12/2003 quy định: “Con được sinh ra do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không được quyền yêu cầu quyền thừa kế, quyền được nuôi dưỡng đối với người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi (Điều 21)".

Bên cạnh đó, tại Điều 635 BLDS quy định về người thừa kế: “Người thừa kế phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết…”.

Như vậy, về thừa kế 2 người con này chỉ được hưởng thừa kế từ chính người mẹ của mình mà thôi.

Lê Quang

>> Đẻ con từ tinh trùng của người chồng đã chết 
>> Tranh cãi việc lấy tinh trùng người quá cố để sinh con
>> Đẻ con từ tinh trùng của người chồng đã chết
>> 2 bé trai ra đời nhờ tinh trùng của người bố đã mất
>> Phát tài với 'nghề' hiến tinh trùng
>> Tinh trùng nữ, trứng nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.