Lúa Nàng Nhen có nguy cơ biến mất

27/02/2014 10:12 GMT+7

Mặc dù đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý nhưng lúa Nàng Nhen, đặc sản của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi (An Giang), vẫn đang đứng trước nguy cơ biến mất…

Lúa Nàng Nhen có nguy cơ biến mất
Đồng bào Khmer thu hoạch lúa Nàng Nhen - Ảnh: Nguyễn Huỳnh

Nổi tiếng thơm, ngon

Nàng Nhen (hay Neáng Nhen) là loại lúa thơm, gạo đỏ đặc trưng của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi, gần giống như lúa mùa của người Kinh. Lúa Nàng Nhen kháng sâu bệnh tốt, chịu hạn, phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất ruộng trên (ruộng ven chân núi), canh tác chủ yếu dựa vào nguồn nước mưa. Lúa được cấy vào mùa mưa từ tháng 7, tháng 8 và thu hoạch vào khoảng tháng 12, tháng 1 năm sau.

Gạo Nàng Nhen hạt dài, thơm, bóng, trắng đều, ít bị rạn gãy trong quá trình xay xát. Đặc biệt trong canh tác, đồng bào Khmer chủ yếu sử dụng phân chuồng, ít khi sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nên lúa có chất lượng tốt và rất thơm ngon. Tiến sĩ Dương Văn Ni, người có hàng chục năm nghiên cứu các giống lúa tại ĐBSCL, nhìn nhận lúa Nàng Nhen là đặc sản của đồng bào Khmer. Còn anh Chau Chanh, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa H.Tri Tôn (An Giang), cho rằng lúa Nàng Nhen chính là cuộc sống, là tâm hồn, tính cách của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi, cần được trân trọng và gìn giữ.

Nguy cơ biến mất

Tuy nhiên, giống lúa Nàng Nhen thơm ở vùng Bảy Núi đang đứng trước nguy cơ biến mất do diện tích canh tác bị thu hẹp dần. Một cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật H.Tri Tôn cho biết trước năm 2007, diện tích lúa Nàng Nhen phân bố khắp các khu vực đất ruộng trên của huyện. Nhưng theo thống kê sơ bộ năm 2013, diện tích lúa Nàng Nhen của huyện còn chưa đến 500 ha. Như ở xã Ô Lâm, nơi có diện tích lúa Nàng Nhen cao nhất vùng Bảy Núi, diện tích đã giảm từ 500 ha năm 2007 xuống còn khoảng 1 ha vào năm 2013.

Hiện nơi có diện tích trồng lúa Nàng Nhen cao nhất tỉnh An Giang là xã Núi Tô (H.Tri Tôn) cũng chỉ duy trì được diện tích canh tác khoảng 300 ha, chiếm đến 65% diện tích lúa Nàng Nhen toàn huyện. Tại đây, đồng bào Khmer vẫn giữ được cách canh tác truyền thống nên gạo Nàng Nhen giữ được chất lượng và mùi thơm đặc trưng. Anh Chau Chiết (ngụ xã Núi Tô, canh tác 5 công lúa Nàng Nhen) nói: “Làm lúa Nàng Nhen năng suất không cao, bán nhỏ lẻ, giá thấp nên bà con chuyển qua làm lúa thần nông. Gần đây, khi gạo Nàng Nhen được nhiều người hỏi mua nên tôi mới trồng lại nhưng cũng mới khoảng 5 năm. Lúa này không sử dụng phân hóa học, chỉ bón phân chuồng nên sạch và ngon”.

Tuy Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho gạo Nàng Nhen Bảy Núi, chính quyền địa phương cũng nỗ lực bảo tồn, phát triển, nhưng lúa Nàng Nhen vẫn khó tìm lại được thời hoàng kim. Anh Nguyễn Thanh Thơ, cán bộ khuyến nông xã Núi Tô, cho rằng lúa Nàng Nhen ngày một ít đi vì năng suất chỉ đạt khoảng 4 - 5 tấn/ha, trong khi canh tác mất gần 6 tháng qua các công đoạn như cày xới, gieo mạ, cấy, làm cỏ… nên tốn nhiều công lao động. Nhưng quan trọng nhất là gạo Nàng Nhen đang mất dần phẩm chất thơm ngon đặc trưng do sự thay đổi tập quán canh tác của đồng bào Khmer từ sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ (phân bò) sang sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và giống lúa Nàng Nhen cũng đang thoái hóa dần.

Để khôi phục diện tích lúa Nàng Nhen ở vùng Bảy Núi, quan trọng nhất là xây dựng được thị trường đầu ra ổn định thông qua hợp đồng bao tiêu với giá cả hợp lý. Song song với việc phục tráng giống, ngành nông nghiệp cần đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi vùng cao gắn với quy hoạch vùng sản xuất lúa Nàng Nhen tập trung. Khi chất lượng gạo Nàng Nhen được duy trì, có vùng nguyên liệu ổn định, đầu ra đảm bảo, lợi nhuận từ canh tác lúa Nàng Nhen được nâng lên chắc chắn loại đặc sản truyền thống này sẽ sớm được khôi phục.

Nguyễn Huỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.