Xác lập thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp Khánh Hòa

09/09/2016 09:24 GMT+7

Tỉnh Khánh Hòa đang hướng đến việc xác lập thương hiệu cho nhiều sản phẩm từ các loại cây như xoài Cam Lâm, dừa xiêm Ninh Đa và cả loại rong nho vừa mới có mặt tại vùng đất này.

Xoài và dừa
Với 4.000 ha canh tác loại cây này, mỗi khi vào vụ, xoài Cam Lâm hầu như có mặt khắp nơi trong nước. Để đa dạng hóa loại trái cây này, từ nhiều năm nay, người trồng xoài ở Cam Lâm đã nhập giống xoài Úc về trồng. Hiện đã có 800 ha trồng giống xoài Úc. Ngang qua Cam Lâm khi mùa xoài vào vụ, bên cạnh loại xoài canh nông truyền thống, đập vào mắt du khách là loại xoài có da màu tím, đó chính là loại xoài Úc. Giống xoài Úc đã trở thành thương hiệu xoài ở Cam Lâm do những đặc điểm nổi trội của nó như màu sắc đẹp, hạt nhỏ, ít xơ, độ ngọt cao, khi chín thịt dẻo, có mùi thơm nhẹ đặc trưng và vỏ dày thuận lợi cho việc bảo quản, di chuyển và xuất khẩu. Bên cạnh giống xoài Úc còn có giống xoài cát Hòa Lạc với chất lượng không thua gì nơi xuất xứ của nó.
Nhận thấy đây là đặc sản mang lại nhiều lợi ích kinh tế, từ năm 2013, huyện đã triển khai dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Cam Lâm cho sản phẩm xoài tươi của H.Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa”. Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ cấp “Nhãn hiệu chứng nhận xoài Cam Lâm” như một sự khẳng định về chất lượng của loại trái cây đặc biệt trên đất Khánh Hòa này.
Có một loại cây cũng khá đặc biệt, không mới nhưng nó mang đến cho người nông dân tại đây niềm hy vọng về sự đổi đời. Đó là cây dừa xiêm Ninh Đa ở TX.Ninh Hòa. Người Ninh Đa giờ đây xem cây dừa như một cứu cánh mang lại thu nhập ổn định cho họ. Hiện tại, ở Ninh Đa có gần 300 hộ trồng dừa với hơn 40.000 cây. Mỗi cây trung bình thu hoạch được 100 trái/năm, mỗi trái bán từ 7.000 - 9.000 đồng, tùy theo mùa. Chất lượng dừa xiêm Ninh Đa được thừa nhận từ lâu, song việc tiêu thụ loại cây này lại nặng tính tự phát nên hiệu quả kinh tế không cao. Nhận ra hạn chế đó, P.Ninh Đa đã thành lập tổ liên kết trồng dừa xiêm xanh để các thành viên thường xuyên tổ chức sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc dừa, đồng thời tìm đầu ra cho sản phẩm. Ngoài ra, Hội Nông dân còn phối hợp với Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu tiến hành chọn giống, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, giúp người dân thâm canh hiệu quả song song với các biện pháp truyền thống để duy trì và đảm bảo chất lượng dừa. Được sự hỗ trợ của Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Khánh Hòa cùng chính quyền TX.Ninh Hòa, nhãn hiệu “Dừa xiêm Ninh Đa” đã chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận và bảo hộ cho Hội Nông dân TX.Ninh Hòa, đại diện cho các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình trồng và kinh doanh dừa xiêm Ninh Đa. Sự công nhận này là nền tảng cho việc sử dụng, quảng bá và quản lý có hiệu quả thương hiệu “Dừa xiêm Ninh Đa”.
Rong nho trên vùng đất mới
Dù mới du nhập từ Nhật Bản chừng 10 năm nay, song cây rong nho đã phát một tín hiệu khả quan. Anh Nguyễn Quang Duy, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM-XNK D & T, đơn vị chuyên nuôi trồng và xuất khẩu rong nho, cho biết do đặc điểm khí hậu thổ nhưỡng của Khánh Hòa nên cây rong nho rất thích nghi ngay từ khi mới du nhập về. Nó là loài tảo biển, có hàm lượng dinh dưỡng cao, rất hữu ích cho sức khỏe. Ăn rong nho có tác dụng nhuận trường và giải độc gan, điều hòa lượng đường trong cơ thể, giảm cholesterol, ổn định huyết áp, làm đẹp da… Trồng rong nho cũng không quá phức tạp như nuôi các loài thủy sản, dù loại cây này cũng được trồng trong các hồ ven biển. Anh Duy tính toán, với 3 ha hồ nuôi rong nho, hằng năm anh cung cấp cho thị trường khoảng 30 tấn rong nho cả tươi lẫn khô, trong đó xuất khẩu sang Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan 20 tấn, số còn lại tiêu thụ trong nước. Sau khi trừ các khoản chi phí thì lợi nhuận bình quân khoảng 900 triệu đồng/năm. Hiện tỉnh Khánh Hòa có khoảng 30 ha trồng loài tảo biển này. Với lợi nhuận như vậy, cây rong nho đã mở ra một triển vọng lớn cho người dân sống vùng ven biển của tỉnh Khánh Hòa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.