Anh suy tính gì khi dẫn đầu phương Tây gửi xe tăng, tên lửa tầm xa cho Ukraine?

Anh suy tính gì khi dẫn đầu phương Tây gửi xe tăng, tên lửa tầm xa cho Ukraine?

12/06/2023 14:53 GMT+7

Từ đầu xung đột đến nay, Anh là nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai của Ukraine sau Mỹ, và tiên phong gửi nhiều loại vũ khí tiên tiến cho chính quyền Kyiv.

Anh cho đến nay đã viện trợ tổng cộng 4,6 tỉ USD (107 nghìn tỉ đồng) cho Ukraine, chỉ xếp sau Mỹ (37,6 tỉ USD), theo thống kê của Forbes.

Tuy nhiên, viện trợ quân sự của Anh lại quan trọng ở chỗ có thể gây áp lực - hoặc ngược lại, là giải tỏa áp lực - lên các chính phủ đồng minh trong vấn đề tiếp tục hỗ trợ hơn nữa cho Ukraine.

Theo đài NBC News, minh chứng cho tính toán của Anh có thể thấy từ việc nước này cam kết chuyển cho Ukraine 14 xe tăng Challenger 2 vào tháng 3.

Khi đó, một số nhà phân tích cho rằng động thái này chỉ mang tính tượng trưng, vì số lượng 14 chiếc là quá ít để có tác động về quân sự, và Ukraine cũng không có nguồn cung hậu cần về lâu dài cho số xe này. Tuy nhiên, ngay sau khi Anh gửi xe tăng tiên tiến đến Ukraine thì Đức và Mỹ cũng đã làm điều tương tự.

Nghị sĩ Anh Tobias Ellwood nhận định rằng xe tăng Challenger không nhất thiết phải là hệ thống mà Ukraine cần. Tuy nhiên, theo ông, việc cung cấp loại vũ khí này sẽ mở đường để “người khác làm theo”.

Tính toán của Anh khi tiên phong gửi nhiều vũ khí tiên tiến cho Ukraine - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenksy (trái) và Thủ tướng Anh Rishi Sunak đứng cạnh một trong những chiếc xe tăng Challenger 2 của Anh cho Ukraine

PA WIRE

Ông William Taylor, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, nhận định Anh đang đi tiên phong trong hỗ trợ chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky. Bên cạnh xe tăng, Anh là một trong những nước đầu tiên cung cấp các loại vũ khí tinh vi khác cho Ukraine như xe bọc thép, hệ thống pháo phản lực phóng loạt, vũ khí chống tăng hạng nhẹ, tên lửa dẫn đường tầm ngắn và tên lửa phòng không.

Anh cho đến nay cũng là nước duy nhất chuyển cho Ukraine vũ khí tầm xa đến trên 200 km, gồm máy bay không người lái và tên lửa Storm Shadow với tầm tấn công 250 km. Theo tướng về hưu Ben Hodges, cựu Tư lệnh Lục quân Mỹ ở châu Âu, động thái của London đã giúp đồng minh bớt lo lắng khi viện trợ cho Kyiv những vũ khí có thể bắn đến Nga.

Các quan chức Anh cũng cho biết nước này hy vọng sẽ giúp giải tỏa lo ngại trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rằng việc cung cấp cho Kyiv vũ khí tầm xa có thể kéo nhóm này vào cuộc chiến trực tiếp chống Nga.

Ngoài ra, theo ông Daniel Vajdich, chủ tịch công ty tư vấn Yorktown Solutions (Mỹ), việc Anh chuyển giao vũ khí tiên tiến cũng giúp phản bác những nghi ngại về khả năng sử dụng và bảo trì của Ukraine.

Giới chức Anh thừa nhận rằng việc cung cấp vũ khí một cách chắp vá như vậy cho Ukraine sẽ không đảm bảo giúp Kyiv có chiến thắng cuối cùng.

Bên cạnh đó, theo tờ Daily Mail, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace thừa nhận rằng phương Tây đang “cạn kiệt” nguồn viện trợ quân sự và phải mua thêm để kịp gửi vũ khí cho Ukraine.

Một báo cáo được công bố vào tháng 3 nêu rõ rằng nếu các khoản viện trợ cho Ukraine tiếp tục với tốc độ hiện tại, thì sẽ mất 10 năm để kho vũ khí của Anh đạt đến mức chấp nhận được.

Dù vậy, Thủ tướng Anh Rishi Sunak gần đây khẳng định London giữ cam kết cung cấp vũ khí cho Ukraine trong thời gian dài và đang “dẫn đầu cuộc đàm phán” với các đồng minh về những thỏa thuận dài hạn để đảm bảo an ninh cho Kyiv.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.