TNO

Ba loại oanh tạc cơ chiến lược Mỹ lần đầu xuất hiện cùng lúc ở Guam

14/08/2016 08:18 GMT+7

(Tin Nóng) Lần đầu tiên trong lịch sử, Không lực Mỹ bố trí đủ ba loại oanh tạc cơ chiến lược B-52, B-1 và B-2 tại căn cứ Andersen trên đảo Guam, theo trang tin Không lực Mỹ ngày 12.8.

(Tin Nóng) Lần đầu tiên trong lịch sử, Không lực Mỹ bố trí đủ ba loại oanh tạc cơ chiến lược B-52, B-1 và B-2 tại căn cứ Andersen trên đảo Guam, theo trang tin Không lực Mỹ ngày 12.8.

Ba loại oanh tạc cơ chiến lược của Mỹ đồng thời có mặt ở Guam, từ trái sang: B-52, B-1B Lancer, B-2 Spirit, ảnh chụp ngày 10.8.2016 - Ảnh: Không lực Mỹ

Tại căn cứ Andersen, ngoài phi đội B-52 có sẵn, Không lực Mỹ đã điều động oanh tạc cơ B-1B Lancer từ căn cứ Ellsworth (bang South Dakota) bay sang vào ngày 6.8, và mới đây là phi đội 3 chiếc oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit từ căn cứ Whiteman (bang Missouri) đến Guam ngày 9.8.

Cả ba loại oanh tạc cơ chiến lược này thuộc Không lực 8, lực lượng máy bay ném bom chiến lược của Không lực Mỹ, và chịu sự điều động của Bộ tư lệnh tấn công toàn cầu.

Theo kế hoạch, các chiếc B-1 sẽ thay thế các chiếc B-52 tại Guam và đội B-52 sẽ trở về căn cứ chính tại Minot, bang North Dakota. Còn B-2 bố trí ở Guam chỉ trong thời gian ngắn, sẽ tham gia huấn luyện chung với không quân một số nước đồng minh.

Lần đầu tiên, cả ba loại máy bay ném bom chiến lược của Mỹ xuất hiện cùng lúc ở Guam - Ảnh: Không lực Mỹ

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không xa lạ với các máy bay ném bom chiến lược của Mỹ hơn 10 năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên cả ba loại máy bay ném bom chiến lược của Mỹ xuất hiện cùng lúc ở Guam. 

“Là kết quả của các chiến dịch diễn ra đồng thời, chúng tôi có đủ 3 loại máy bay ném bom chiến lược của Không lực 8 được triển khai cùng một lúc tại khu vực Thái Bình Dương, và đây là lần đầu tiên mới có chuyện này”, thiếu tướng không quân Richard M. Clark, tư lệnh Không lực 8 nói với trang tin Không lực Mỹ.

“Đây là một cơ hội tuyệt vời. Bằng cách kết hợp tất cả các loại oanh tạc cơ trong môi trường này, chúng tôi sẽ tăng cường khả năng tương tác và chứng minh cho các đồng minh của chúng ta rằng chúng tôi có khả năng tấn công ở bất cứ nơi nào, vào bất cứ lúc nào bằng cách sử dụng nhiều phương pháp”, tướng Clark nói tiếp.

Một chiếc B-2 Spirits chuẩn bị ra đường băng cất cánh ở căn cứ Andersen, Guam ngày 11.8 trong cơn mưa - Ảnh: Không lực Mỹ

Các máy bay ném bom này sẽ tham gia 2 chiến dịch riêng rẽ, gồm Chiến dịch luân chuyển máy bay ném bom (B-1 thay thế B-52 trong tháng 8), và Chiến dịch bảo đảm an ninh và răn đe (B-2). Cả hai chiến dịch đều cung cấp cơ hội tham gia huấn luyện với các đối tác của Mỹ trong khu vực và chứng tỏ cam kết của Mỹ về an ninh và ổn định toàn cầu.

B-2 Spirit tại căn cứ Andersen, Guam ngày 10.8 - Ảnh: Không lực Mỹ

B-2 do Northrop Grumman chế tạo, hoạt động từ năm 1997, là loại máy bay ném bom tàng hình, có khả năng thâm nhập mạng lưới phòng không của đối phương mà không bị phát hiện. Máy bay này dài 21 m, sải cánh 52,1 m, bay ở độ cao 15 km, tổ lái chỉ 2 người, bay xa 11.200 km mà không cần tiếp nhiên liệu, mang được 18 tấn vũ khí, có thể mang bom hạt nhân cùng các vũ khí chính xác khác. Mỹ có 20 chiếc B-2, mỗi chiếc giá 1,16 tỉ USD.

B-1B Lancer hạ cánh xuống căn cứ Andersen, Guam ngày 6.8 - Ảnh: Không lực Mỹ

B-1 Lancer (Boeing chế tạo, hoạt động từ năm 1986) là loại oanh tạc cơ siêu thanh (dài 44,5 m, sải cánh 41,8 - 24,1 m tuỳ xoè ra hay cụp lại, tốc độ tối đa 1.450 km/giờ), bay cao 10 km, tổ lái 4 người, có thể ra đòn tấn công tầm xa, mang được 34 tấn vũ khí trong bụng từ bom các loại đến tên lửa hành trình. B-1 đã từng tham chiến ở các chiến trường từ Iraq đến Afghanistan và gần đây là tham gia ném bom IS ở Trung Đông (Iraq và Syria). Tuy vậy loại B-1 không trang bị vũ khí hạt nhân. Mỹ hiện có 62 chiếc B-1B Lancer (317 triệu USD/chiếc).

B-52H tại căn cứ Andersen ngày 10.8, sắp được thay thế bằng các máy bay B-1B Lancer

B-52, do Boeing chế tạo, là loại oanh tạc cơ lâu đời nhất của Mỹ, xuất hiện từ những năm 1950 và đã qua nhiều lần cải tiến, lần sau cùng là loại B-52H (năm 1962). B-52H cải tiến có thể mang 20 quả tên lửa hành trình bên cạnh các loại bom hạt nhân.

B-52H dài 48,5 m, sải cánh 56,4 m, bay cao 15 km, tổ lái 5 người, tốc độ tối đa 1.046 km, tầm bay xa 14.000 km, mang được 31,5 tấn bom (cả bom hạt nhân) và tên lửa hành trình. Mỹ hiện có 58 chiếc B-52H (giá 84 triệu USD/chiếc), có thể hoạt động đến năm 2040.

Xem B-1, B-2 và B-52 bay biểu diễn đội hình tại Texas năm 2015:
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.