Bản tin Covid-19 ngày 13.11: Cả nước thêm 8.497 ca | TP.HCM chỉ còn 1 vùng cam

13/11/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 13.11 của Báo Thanh Niên được phát mỗi tối tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 13.11 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước thêm 8.497 ca Covid-19 mới, 1.843 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế tối 13.11 cho biết tính từ 16h ngày 12.11 đến 16h ngày 13.11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.497 ca nhiễm mới, 1.843 ca khỏi bệnh.

Bản tin Bộ Y tế cũng công bố về 88 ca Covid-19 tử vong tại 13 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong lên 23.018 ca.

Thông tin về 8.497 ca nhiễm mới như sau:

  • 16 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
  • 8.481 ca ghi nhận trong nước (giảm 495 ca so với ngày trước đó) tại 57 tỉnh, thành phố (có 3.940 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.240), Đồng Nai (743), Bình Dương (631), Tây Ninh (593), An Giang (547), Đồng Tháp (459), Tiền Giang (356), Sóc Trăng (296), Vĩnh Long (292), Cà Mau (271), Bình Thuận (265), Bà Rịa - Vũng Tàu (224), Khánh Hòa (209), Bình Phước (198), Bạc Liêu (188), Kiên Giang (181), Hà Nội (152), Bình Định (126), Đắk Lắk (126), Trà Vinh (120), Nghệ An (100), Bến Tre (99), Cần Thơ (81), Thái Bình (79), Long An (79), Thừa Thiên Huế (75), Hậu Giang (67), Lâm Đồng (61), Thanh Hóa (60), Hà Giang (57), Ninh Thuận (39), Phú Thọ (39), Đắk Nông (39), Bắc Giang (38), Bắc Ninh (35), Quảng Ngãi (35), Gia Lai (35), Nam Định (31), Quảng Nam (27), Đà Nẵng (26), Hà Tĩnh (24), Hải Dương (21), Điện Biên (20), Phú Yên (17), Quảng Trị (15), Quảng Ninh (13), Hải Phòng (11), Quảng Bình (9), Hưng Yên (7), Hà Nam (5), Vĩnh Phúc (5), Ninh Bình (4), Cao Bằng (4), Thái Nguyên (2), Kon Tum (2), Lào Cai (2), Sơn La (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Tiền Giang (-278), Kiên Giang (-222), TP.HCM (-148)

Ngày 13.11: Cả nước 8.497 ca Covid-19, 1.843 ca khỏi | TP.HCM 1.240 ca

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (+126), Bình Phước (+99), Đồng Tháp (+76).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 8.176 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.018.376 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.336 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.013.360 ca, trong đó có 855.237 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 3 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (446.443), Bình Dương (242.874), Đồng Nai (77.399), Long An (36.441), Tiền Giang (20.506).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.843
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 858.054

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.824 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 2.671
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 711
  • Thở máy không xâm lấn: 108
  • Thở máy xâm lấn: 319- ECMO: 15

Từ 17h30 ngày 12.11 đến 17h30 ngày 13.11 ghi nhận 88 ca tử vong tại 13 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (38), Bình Dương (8 ), Tây Ninh (8 ), An Giang (6), Tiền Giang (5), Bình Thuận (5), Cần Thơ (4), Bạc Liêu (4), Đồng Nai (3), Long An (2), Đồng Tháp (2), Sóc Trăng (2), Vĩnh Long (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 78 ca.- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 23.018 ca, chiếm tỷ lệ 2,3% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 156.696 xét nghiệm cho 379.710 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 23.886.826 mẫu cho 64.055.676 lượt người.

Trong ngày 12.11 có 1.467.716 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 97.831.758 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 64.073.710 liều, tiêm mũi 2 là 33.758.048 liều.

Bản đồ Covid-19 TP.HCM chỉ còn 1 vùng cam

Bản đồ Covid-19 TP.HCM sáng 13.11 hiển thị mức độ dịch của toàn thành phố là cấp độ 2 (nguy cơ trung bình – màu vàng), chỉ có H.Cần Giờ là cấp độ 3 (nguy cơ cao – màu cam); riêng H.Nhà Bè đã “đổi màu” từ màu cam hồi đầu tuần sang màu vàng.

Thống kê từ ngày 7.11 đến ngày 12.11, số ca mắc mỗi ngày tại thành phố đều trên 1.000 ca, trong đó cao nhất là ngày 10.11 ghi nhận 1.414 ca nhiễm. Tương tự, số ca tử vong những ngày gần đây có dấu hiệu gia tăng, từ ngày 7.11 đến ngày 12.11 đều trên 35 ca/ngày, trong đó cao nhất là ngày 10.11 có 43 ca, còn ngày 12.11 có 42 ca.

Huyện Nhà Bè 'đổi màu', Bản đồ Covid-19 TP.HCM chỉ còn 1 vùng cam

Tại chương trình livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời” với chủ đề phòng, chống dịch Covid-19 khi tình hình có dấu hiệu phức tạp trở lại tối qua (12.11), Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhìn nhận số ca F0 gia tăng là kết quả tất yếu khi thành phố mở cửa, gỡ bỏ giãn cách xã hội. Trong đó, 5 địa phương có số ca nhiễm tăng nhiều nhất gồm: H.Bình Chánh, H.Hóc Môn, Q.Bình Tân, Q.12 và TP.Thủ Đức.

Đây là các địa phương ở khu vực ngoại thành, có dân số đông, tập trung nhiều lao động, nhà trọ cho thuê. Lãnh đạo một số địa phương cho biết số ca F0 tăng có tính thời điểm, khi các nhà máy, xí nghiệp khôi phục sản xuất, tuyển dụng lao động nên làm xét nghiệm cho công nhân và phát hiện dương tính.

Mặt khác, khi các hoạt động sản xuất tăng lên, việc giao lưu tiếp xúc nhiều hơn dẫn đến nguy cơ lây lan cao hơn. Thống kê của Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM và Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM đều cho thấy số ca nhiễm tăng về số lượng và số doanh nghiệp có ca mắc kể từ ngày 1.10.

  • Dịch Covid-19 ở một số nơi tại TP.HCM đã đạt đỉnh

    Tại cuộc họp giao ban trực tuyến công tác phòng chống dịch Covid-19 sáng 13.11, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết 7 ngày qua, một số địa bàn có số F0 tăng cao, gồm: H.Hóc Môn, H.Bình Chánh, Q.Bình Tân, TP.Thủ Đức, Q.12, Q.Gò Vấp. Trong 3 ngày gần đây, H.Bình Chánh và H.Hóc Môn là 2 nơi có nhiều trường hợp dương tính Covid-19.

    Dịch Covid-19 ở một số nơi tại TP.HCM đã đạt đỉnh

    “Phân tích biểu đồ ca bệnh Covid-19 có thể thấy, số F0 tại Bình Chánh có chiều hướng tăng và đang đi ngang trong thời gian gần đây. Hóc Môn có giai đoạn đạt đỉnh cao và hiện tại có tín hiệu đi xuống. Riêng Bình Tân và Gò Vấp vẫn đang ở mức cao và nằm ngang. Các địa phương có số ca không cao nhưng có xu hướng tăng bao gồm Q.10 và Nhà Bè”, ông Thượng cho hay.

    Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thông tin về tình hình dịch bệnh tại cuộc họp giao ban sáng 13.11

    Trung tâm báo chí tp.hcm

    Về công tác điều trị, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng thông tin từ đầu tháng 10.2021 đến nay, số F0 cách ly tại nhà có xu hướng tăng, các ca chuyển nặng cần nhập viện có xu hướng giảm và ở mức thấp. Ngoài ra, số trường hợp thở máy xâm lấn duy trì ở mức ổn định, các ca thở máy không xâm lấn và thở ô xy có xu hướng giảm nhẹ.

    “Số ca cách ly tại nhà đang có chiều hướng tăng trong khi trường hợp tại cơ sở cách ly tại quận, huyện giảm dần. Sở Y tế kiến nghị Ban Chỉ đạo sớm triển khai lại các khu cách ly quận, huyện và có thêm bệnh viện dã chiến để sẵn sàng thu dung, điều trị F0”, ông Thượng đề xuất.

    Phân tích tình hình tử vong, Sở Y tế thống kê số ca tử vong dao động khoảng 40 ca/ngày; trong đó 52% trường hợp tử vong trên 65 tuổi, 85% kèm theo bệnh nền. Các địa phương có số ca tử vong cao nhất 3 ngày qua gồm: TP.Thủ Đức, các quận Gò Vấp,Tân Bình, 12 và H.Bình Chánh.

    Ông Thượng cho biết TP.HCM đã ra mắt Đội đặc nhiệm kiểm dịch cùng Tổ chuyên trách điều phối Trạm y tế lưu động, phát hành tờ rơi “Những điều cần biết cho F0 cách ly tại nhà”, kích hoạt lại mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”…

  • Đề xuất nhà hàng, quán nhậu toàn TP.HCM được phục vụ rượu, bia

    Sáng 13.11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM họp giao ban trực tuyến với các quận, huyện và TP.Thủ Đức về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên.

    Tại hội nghị, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết toàn thành phố có 75.000 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh ăn uống, nhưng hiện mới chỉ khoảng 60% cơ sở mở cửa. Riêng việc thí điểm kinh doanh thức uống có cồn tại TP.Thủ Đức và Q.7 được triển khai tốt công tác kiểm tra, giám sát và không để phát sinh các vấn đề tiêu cực. Đồng thời, 2 đơn vị cũng đề xuất cho phép mở rộng và kéo dài thời gian thực hiện hoạt động trên.

    Đề xuất nhà hàng, quán nhậu toàn TP.HCM được phục vụ rượu, bia

    Ông Vũ dẫn chứng nhiều nước khi xác định sống chung với dịch và mở cửa kinh tế, cho phép kinh doanh ăn uống thì ít đặt quy định có phục vụ đồ uống có cồn hay không mà quy định đi theo nhóm, đi theo gia đình, khống chế số lượng. Hiện nay cũng chưa có báo cáo, đánh giá việc phát sinh dịch bệnh ở cơ sở bán đồ uống có cồn và không bán đồ uống có cồn thì nơi nào nhiều hơn.

    Sở Công thương cũng đã lấy ý kiến của một số chuyên gia thì các chuyên gia cho rằng việc ngồi cùng bạn bè cũng là cách thức giải tỏa căng thẳng, giảm tác động tiêu cực từ dịch bệnh.

    Do vậy, ông Vũ đề xuất UBND TP xem xét 2 phương án kinh doanh đồ uống có cồn. Phương án 1 là cho phép các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống trên toàn thành phố được phục vụ thức uống có cồn trong điều kiện có kiểm soát cụ thể. Điều kiện là các cơ sở phải đáp ứng Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh ăn uống. Trong đó, khách hàng phải tiêm đủ liều vắc xin; cơ sở kinh doanh hoạt động tối đa 50% công suất, đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày, mật độ phục vụ bàn ăn cách nhau 2m.

    Ưu điểm của phương án này là đảm bảo tính thực thi thống nhất trên toàn thành phố, còn nhược điểm của phương án này là chưa linh hoạt theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.

    Sẽ thêm có thêm nhiều địa bàn ở TP.HCM được phép kinh doanh bia, rượu

    bích ngân

    Phương án 2 là căn cứ vào mức độ kiểm soát dịch Covid-19 ở từng địa bàn, UBND TP.HCM giao UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức được giao xem xét, đánh giá, quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho phép hoạt động kinh doanh sử dụng đồ uống có cồn trên địa bàn. Ưu điểm của phương án này là linh hoạt, khai thác hoạt động kinh doanh ăn uống phù hợp với tình hình dịch bệnh, còn nhược điểm là tính thực thi có thể không nghiêm giữa các địa phương. “Đặc thù của thành phố là dòng người di chuyển liên tục, không có ranh giới nên quận này phục vụ thì người dân ở quận khác cũng có thể qua”, ông Vũ nói.

    Lãnh đạo Sở Công thương nhìn nhận việc kinh doanh đồ uống có cồn là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến khuyến nghị nên mở, có ý kiến tạm ngưng. Trong 2 phương án trên, Sở Công thương nghiêng về phương án 1.

    Đồng quan điểm, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Ánh Hoa cho rằng, với nguyên tắc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” thì có thể đánh giá theo cấp độ dịch và mở cửa có lộ trình đối với các hoạt động ăn uống kèm theo hoạt động ăn uống có sử dụng đồ uống có cồn.

    Còn lãnh đạo Sở Y tế thì cho rằng trong thời điểm này, thành phố nên tiếp tục cho thí điểm mở rộng và có kiểm soát hoạt động sử dụng thức uống có cồn tại hàng quán. Tức là, mở rộng, thí điểm thêm ở một số quận, huyện và có kiểm soát chặt, tuân thủ nghiêm Bộ tiêu chí đánh giá an toàn và biện pháp phòng, chống dịch.

    Đồng Nai hoàn thành đợt đầu tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ 15-17 tuổi

    Ngày 13.11.2021, thông tin từ Sở Y tế Đồng Nai cho biết địa phương này đã hoàn thành đợt tiêm vắc xin Covid-19 đầu tiên cho trẻ, bao gồm hơn 97.000 em tuổi từ 15-17. Trong số này chỉ 9 em có phản ứng nhẹ.

    Theo thống kê toàn tỉnh có gần 300.000 em trong độ tuổi từ 12 đến 17, hiện Đồng Nai đang chờ Bộ Y tế phân bổ vắc xin để tổ chức những đợt tiêm tiếp theo, theo quy trình tiêm từ lớn tới nhỏ.

    Đối với những người trên 18 tuổi, Đồng Nai đã phủ vắc xin mũi 1 toàn bộ, mũi 2 hiện đạt đạt 85,20%. Riêng lứa tuổi từ 50 tuổi trở lên đạt trên 94%.

    Đồng Nai hoàn thành đợt đầu tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ 15-17 tuổi

    Về tình hình lây nhiễm, trong 12.11 Đồng Nai ghi nhận 743 ca F0, trong đó có 225 ca trong cộng đồng (giảm 8,9% so với 11.11), còn lại trong khu cách ly và khu phong tỏa.

    Hiện tại Đồng Nai đã cho phép cách ly F0 tại nhà trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời giải thể dần các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến bàn giao lại các cơ sở giáo dục.

    Số ca Covid-19 tại Đức tăng cao, vượt Ukraine xếp thứ 5 thế giới

    Đến 18 giờ chiều 13.11 (theo giờ Việt Nam), theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins của Mỹ, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 252.622.000 ca nhiễm Covid-19, hơn 5.091.000 ca tử vong và hơn 7.418.039.000 liều vắc xin Covid-19 đã được phân bổ.

    • Dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong là Mỹ với hơn 46.991.000 trường hợp mắc bệnh cùng 762.521 người chết vì Covid-19
    • Vương Quốc Anh xếp thứ hai với hơn 9.534.000 ca nhiễm và 143.116 ca tử vong
    • Kế tiếp là Nga với hơn 8.881.000 ca nhiễm và 249.415 ca tử vong
    • Thổ Nhĩ Kỳ xếp ở vị trí thứ tư với hơn 8.365.000 ca nhiễm Covid-19 cùng 73.127 ca tử vong
    • Số ca nhiễm tăng cao trong tuần này, Đức đã vượt Ukraine để xếp ở vị trí thứ 5 với hơn 5.002.000 ca nhiễm cùng 97.623 ca tử vong

    Phát hiện gien làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong do Covid-19

    Các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford đã phát hiện ra một phiên bản gien có nguy cơ cao hơn cho người nhiễm virus gây Covid-19. Gien này được xem là có thể ngăn cản, không cho các tế bào trên đường thở và phổi phản ứng đúng mức với virus.

    Phát hiện gien làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong do Covid-19

    Khoảng 60% người có dòng máu Nam Á mang phiên bản gien này, so với 15% những người có nguồn gốc châu Âu, theo nghiên cứu được công bố hôm 4.10.

    Những phát hiện trên giúp giải thích tại sao có tỷ lệ nhập viện và tử vong cao ở một số cộng đồng nhất định và trên tiểu lục địa Ấn Độ.

    Tuy nhiên các tác giả lưu ý rằng không thể sử dụng gien như một lời giải thích duy nhất vì còn nhiều yếu tổ khác, chẳng hạn như điều kiện kinh tế xã hội.

    Mặt khác, dù cộng đồng gốc Phi ở vùng Caribê cũng chịu ảnh hưởng nặng từ virus gây Covid-19, chỉ 2% trong số đó mang kiểu gien có nguy cơ cao này.

    Theo nhóm nghiên cứu, những người mang loại gien được đặt tên là LZTFL1 này sẽ nhận được nhiều lợi ích từ việc tiêm chủng vì đây hiện vẫn là biện pháp bảo vệ tốt nhất trước Covid-19.

    Xét nghiệm Covid-19 ở Delhi, Ấn Độ

    afp

    Phát hiện này mở ra khả năng khả năng nghiên cứu các phương pháp điều trị dành riêng cho bệnh nhân mang gien này.

    James Davies, đồng tác giả và phó giáo sư về gien tại Oxford, nhấn mạnh rằng nghiên cứu này cho thấy cách phổi phản ứng khi cơ thể nhiễm virus gây Covid-19 đóng vai trò cực kì quan trọng.

    Trong khi đó, hầu hết các phương pháp điều trị đều chỉ tập trung vào việc thay đổi cách hệ thống miễn dịch phản ứng với virus.

    Phó giáo sư Davies và các đồng nghiệp đã phát hiện ra gien này nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ phân tử tiên tiến.
    Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 13.11 của Báo Thanh Niên.

    Top

    Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
    60 giây nữa.