Bản tin Covid-19 ngày 24.2: Cả nước 69.128 ca | Dịch bệnh đang diễn biến rất khó lường

24/02/2022 19:45 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 21.2 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 21.2 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 69.128 ca Covid-19, 19.062 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 24.2.2022 cho biết tính từ 16h ngày 23.2 đến 16h ngày 24.2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 69.128 ca nhiễm mới, 19.062 ca khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 111 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 39.884 ca.

Ngày 24.2: Cả nước 69.128 ca Covid-19, 19.062 ca khỏi | Hà Nội 8.864 ca | TP.HCM 2.466 ca

Thông tin về 69.128 ca nhiễm mới như sau:

  • 9 ca nhập cảnh.
  • 69.119 ca ghi nhận trong nước (tăng 8.781 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 48.179 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (8.864), Bắc Giang (4.171), Hải Dương (2.948), Sơn La (2.860), Phú Thọ (2.596), Nam Định (2.592), TP.HCM (2.466), Hòa Bình (2.391), Bắc Ninh (2.375), Vĩnh Phúc (2.117), Hưng Yên (1.995), Hải Phòng (1.890), Ninh Bình (1.799), Yên Bái (1.666), Lào Cai (1.655), Nghệ An (1.629), Hà Giang (1.560), Đắk Lắk (1.514), Thái Nguyên (1.497), Lạng Sơn (1.480), Thái Bình (1.456), Khánh Hòa (1.229), Quảng Nam (1.199), Tuyên Quang (1.118), Bình Định (1.016), Quảng Bình (987), Đà Nẵng (981), Thanh Hóa (881), Cao Bằng (848), Điện Biên (738), Lâm Đồng (732), Hà Tĩnh (715), Phú Yên (656), Bà Rịa - Vũng Tàu (627), Bình Phước (610), Gia Lai (579), Bình Dương (577), Hà Nam (530), Lai Châu (438), Cà Mau (422), Quảng Trị (414), Bình Thuận (284), Đắk Nông (253), Thừa Thiên Huế (242), Bắc Kạn (214), Kon Tum (189), Tây Ninh (179), Bến Tre (179), Đồng Nai (148), Quảng Ngãi (145), Vĩnh Long (83), Bạc Liêu (81), Kiên Giang (77), Trà Vinh (74), Cần Thơ (51), Long An (40), Ninh Thuận (17), Sóc Trăng (17), Đồng Tháp (10), An Giang (7), Tiền Giang (7), Hậu Giang (4).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Quảng Ninh (-1.868), Hòa Bình (-204), Tuyên Quang (-159).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+1.445), Bắc Giang (+1.173), TP.HCM (+1.015).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 51.968 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.041.506 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 30.791 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.034.211 ca, trong đó có 2.336.967 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (526.059), Bình Dương (295.221), Hà Nội (226.964), Đồng Nai (100.814), Tây Ninh (89.549).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 19.062 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.339.784 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.137 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 2.464 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 280 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 87 ca
  • Thở máy xâm lấn: 294 ca
  • ECMO: 12 ca

Từ 17h30 ngày 23.2 đến 17h30 ngày 24.2 ghi nhận 111 ca tử vong tại: Hà Nội (26), Đà Nẵng (8 ), Thái Nguyên (7 ca trong 02 ngày), Đắk Lắk (5 ca trong 02 ngày), Nghệ An (5), Quảng Ngãi (5 ca trong 02 ngày), Bắc Giang (3 ca trong 02 ngày), Bình Định (3), Kiên Giang (3), Nam Định (3), Quảng Bình (3 ca trong 02 ngày), Bạc Liêu (2), Bình Phước (2), Cao Bằng (2), Đắk Nông (2 ca trong 02 ngày), Điện Biên (2), Đồng Nai (2), Hà Nam (2 ca trong 02 ngày), Hải Phòng (2), Hòa Bình (2), Lào Cai (2), Phú Thọ (2), Quảng Ninh (2), Trà Vinh (2), Tuyên Quang (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bắc Ninh (1), Bến Tre (1), Bình Dương (1), Cà Mau (1), Đồng Tháp (1), Gia Lai (1), Khánh Hòa (1), Lâm Đồng (1), Lạng Sơn (1), Long An (1), Vĩnh Long (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 87 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.884 ca, chiếm tỉ lệ 1,3% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 33.318.865 mẫu tương đương 78.754.090 lượt người.

Trong ngày 23.2 có 629.342 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 192.677.323 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 175.925.277 liều: Mũi 1 là 70.843.861 liều; Mũi 2 là 67.172.939 liều; Mũi 3 là 1.441.288 liều; Mũi bổ sung là 13.598.820 liều; Mũi nhắc lại là 22.868.369 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.752.046 liều: Mũi 1 là 8.618.276 liều; Mũi 2 là 8.133.770 liều.

Bộ Y tế đề nghị tăng cường kiểm tra, xử phạt việc 'thổi giá' kit test Covid-19

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ Y tế đề nghị tăng cường kiểm tra, xử phạt việc 'thổi giá' kit test Covid-19

Bộ Y tế cho biết trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế (bộ xét nghiệm SARS-CoV-2, máy đo nồng độ bão hòa ô xy trong máu SpO2....) tăng cao dẫn đến việc khan hiếm nguồn cung, có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán trang thiết bị y tế bất hợp lý.

Để sẵn sàng và đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh thành phố phối hợp chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn, cụ thể:

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế chủ động tăng cường hoạt động sản xuất, kinh doanh, khả năng cung ứng trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt đối với Bộ xét nghiệm SARS-CoV-2, Máy đo nồng độ bão hòa ô xy trong máu SpO2....

Đảm bảo bình ổn giá các trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19, không bán cho các đơn vị thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu trong nước đang tăng cao, gây khan hiếm thị trường.

Các cơ quan chức năng, quản lý thị trường tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán các trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19 bất hợp lý.

Kiểm tra, ngăn chặn các đơn vị thu mua, đầu cơ trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 để trục lợi, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Bộ Y tế hướng dẫn điều trị Covid-19 mức độ nhẹ không dùng thuốc ở trẻ em

Theo hướng dẫn mới về chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em do Bộ Y tế vừa ban hành, trẻ em mắc Covid-19 mức độ nhẹ có thể lựa chọn phương pháp điều trị không dùng thuốc.

Bộ Y tế hướng dẫn điều trị Covid-19 mức độ nhẹ không dùng thuốc ở trẻ em

Cụ thể, Bộ Y tế hướng dẫn như sau:

- Nằm phòng cách ly, hoặc theo hướng dẫn cách ly tại nhà của Bộ Y tế.

- Áp dụng phòng ngừa chuẩn, đeo khẩu trang với trẻ ≥ 2 tuổi.

- Uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải oresol.

- Đảm bảo dinh dưỡng: bú mẹ, ăn đầy đủ.

- Vệ sinh thân thể, răng miệng, mũi họng.

- Tập thể dục tại chỗ và tập thở ít nhất 15 phút/ngày (đối với trẻ lớn).

- Theo dõi:

+ Đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ sốt

+ Đo SpO2 (nếu có) tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ mệt, thở nhanh/khó thở.

Khai báo y tế hàng ngày (qua điện thoại hoặc phần mềm quy định), báo nhân viên y tế khi có triệu chứng bất thường.

Nếu có các triệu chứng bất thường như sốt > 380C; tức ngực; đau rát họng, ho; cảm giác khó thở; tiêu chảy; SpO2 < 96%; trẻ mệt, không chịu chơi; ăn/bú kém thì cần báo nhân viên y tế.

Bộ Y tế lưu ý các dấu hiệu chuyển nặng cần báo cấp cứu 115 hoặc đội phản ứng nhanh tại xã phường để được cấp cứu tại nhà hoặc đưa trẻ đến bệnh viện ngay: Thở nhanh; Li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống; Khó thở, cánh mũi phập phồng; Tím tái môi đầu chi; Rút lõm lồng ngực; SpO2 < 95%.

Đối với trẻ mắc Covid-19 không triệu chứng thì được cách ly tại nhà, theo dõi và chăm sóc theo hướng dẫn của Bộ Y tế (đối với tất cả các lứa tuổi).

Đối với trẻ mắc Covid-19 ở mức độ trung bình: Nhập viện điều trị; nằm phòng cách ly, áp dụng phòng ngừa chuẩn như mức độ nhẹ.

Thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir do Việt Nam sản xuất có giá bao nhiêu?

Chiều 23.2.2022, Cục Quản lý dược (thuộc Bộ Y tế) đã phê duyệt giá bán thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19, do các nhà sản xuất kê khai. Thuốc có giá bán từ 8.600 - 12.500 đồng/viên.

Thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir do Việt Nam sản xuất giá 8.600 - 12.500 đồng:viên

Theo công bố giá của Cục Quản lý dược (thuộc Bộ Y tế), giá bán thuốc cụ thể như sau:

  1. Thuốc Molnupiravir (400 mg) dạng viên nang cứng do Công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam sản xuất có giá là 11.500 đồng/viên. Dạng hộp có 1, 2, 5 vỉ x 10 viên/vỉ.
  2. Thuốc Molnupiravir (200 mg) dạng viên nang của Công ty Cổ phần hóa - dược phẩm Mekophar có giá 8.675 đồng/viên. Dạng hộp 10 vỉ x 10 viên.
  3. Thuốc Molnupiravir Stella (400 mg) của Công ty TNHH liên doanh Stellapharm chi nhánh 1 có giá 12.500 đồng/viên (dạng viên nang cứng), mỗi hộp 1 vỉ hoặc 2 vỉ x 10 viên.

Trước đó, ngày 17.2, Cục Quản lý dược đã cấp giấy phép lưu hành có điều kiện cho thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir 400 mg do Công ty TNHH liên doanh Stellapharm Việt Nam sản xuất; thuốc Molravir 400 mg của Công ty Cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam và Movinavir của Công ty Cổ phần dược phẩm Mekophar. Đây là 3 đơn vị đầu tiên tại Việt Nam được cấp phép sản xuất thuốc kháng vi rút Molnupiravir.

Từ tháng 8.2021 đến nay, Molnupiravir đã được Bộ Y tế cấp cho các ca mắc Covid-19 nhẹ điều trị tại nhà và đã phân bổ cho 53 tỉnh, thành.

Theo các chuyên gia, việc có 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước được cấp giấy phép lưu hành trong thời hạn 3 năm đã giúp người mắc Covid-19 mức độ nhẹ và vừa có thêm cơ hội lựa chọn thuốc điều trị.

Bộ Y tế cũng cho biết 3 loại thuốc sản xuất trong nước (có thành phần hoạt chất Molnupiravir) được chỉ định điều trị Covid-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành dương tính với xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 và có ít nhất 1 yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.

Hồng Kông: Bệnh viện 'rối' do thiếu chuẩn bị trước làn sóng Covid-19

Một y tá Hồng Kông đã mô tả tình hình hỗn loạn tại các bệnh viện địa phương vào ngày 19.2, với một số nhân viên “tức giận” vì thiếu sự chuẩn bị và kế hoạch dự phòng cho sự gia tăng đột biến các ca Covid-19 gần đây.

Hồng Kông: Bệnh viện 'rối' do thiếu chuẩn bị trước làn sóng Covid-19

Khi Hồng Kông chật vật đương đầu số ca bệnh Covid-19 đang gia tăng, một y tá ở tuyến đầu đã chia sẻ rằng nhiều nhân viên y tế đang vô cùng “tức giận” vì sự thiếu chuẩn bị tại các bệnh viện.

Y tá David Chan, Chủ tịch của Liên minh Nhân viên Cơ quan Quản lý Bệnh viện, cho biết: “Không có bệnh viện nào có kế hoạch sẵn sàng. Quản lý bệnh viện không đưa ra bất kỳ hướng dẫn nào về cách xử lý nếu số ca nhiễm gia tăng”.

Theo chủ trương của Trung Quốc đại lục, Hồng Kông cũng triển khai chiến lược “Không Covid” nhằm mục đích chấm dứt mọi đợt bùng phát càng sớm càng tốt sau khi phát hiện ca bệnh.

Tuy nhiên, bất chấp các chính sách cách ly và truy vết tiếp xúc, số ca lây nhiễm hằng ngày đã tăng gấp 60 lần kể từ đầu tháng 2.

Người phát ngôn của Cơ quan Quản lý Bệnh viện Hồng Kông cho biết các bệnh viện công đã quá tải, trong khi nhiều biện pháp dự phòng đã được áp dụng cho đến nay gồm có hủy điều trị không khẩn cấp và tăng tuyển dụng nhân viên. Các bệnh nhân cũng đang được phân loại, ưu tiên trẻ em và người cao tuổi.

Dù cho đến nay Hồng Kông đã loại trừ việc phong tỏa toàn đặc khu, giới chức vẫn đang tiến hành xét nghiệm bắt buộc đối với 7,4 triệu dân ở nơi này.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 21.2 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.