Cá tính HLV ngoại tại Việt Nam: Kỷ nguyên mới cùng 'nhà truyền giáo' Troussier

16/12/2023 04:48 GMT+7

HLV Philippe Troussier đồng hành cùng bóng đá Việt Nam (VN) ở giai đoạn đặc biệt, khi các cấp độ đội tuyển đã 'no nê' vinh quang dưới thời HLV tiền nhiệm Park Hang-seo và đang cần một sự đột phá nếu không sẽ bị thụt lùi.

THAM VỌNG Ở NHỮNG MIỀN ĐẤT MỚI

Hơn 30 năm qua, bóng đá VN đã chào đón nhiều HLV ngoại. Điểm chung của những chiến lược gia này là đều mang tới một triết lý chơi bóng mới mẻ, thách thức những giá trị cũ. HLV Alfred Riedl biểu trưng cho sự khoa học và kỷ luật, HLV Colin Murphy đề cao lối chơi tạt cánh đánh đầu đậm chất Anh, HLV Toshiya Miura đề cao thể lực và tính chiến đấu, hay HLV Park Hang-seo xây dựng lối đá phòng ngự phản công, thủ thế săn mồi như một thợ săn lão luyện.

HLV Philippe Troussier cũng mang đến một tư tưởng mới khi đến VN, nhưng khác ở chỗ, đội tuyển VN đã rất thành công ở giai đoạn trước đó cùng thầy Park, với triết lý phòng ngự chắc chắn đã ăn sâu vào "não trạng" nền bóng đá. Thay đổi công thức đã mang lại thành quả vượt bậc không phải chuyện dễ dàng, đặc biệt khi tân HLV trưởng mang đến triết lý rất khác biệt. HLV Park trọng phòng ngự, ông Troussier thiên về tấn công. HLV Park ưu tiên cách chơi chắc chắn, rình rập và phối hợp lên bóng chớp nhoáng, còn HLV Troussier muốn xây dựng lối chơi bài bản, lớp lang từ phần sân nhà.

Cá tính HLV ngoại tại Việt Nam: Kỷ nguyên mới cùng 'nhà truyền giáo' Troussier - Ảnh 1.

HLV Troussier đang trong cuộc phiêu lưu thú vị với bóng đá VN

MINH TÚ

Mong muốn xây dựng một lối chơi mới, dù thành công hay không thì trước tiên cũng cần ghi nhận: ông Troussier đã có quyết định rất dũng cảm. 3 thập niên huấn luyện ở 3 lục địa khác nhau, kinh qua 7 đội tuyển quốc gia và nếm trải nhiều thăng trầm, ông Troussier là một "nhà truyền giáo" bóng đá thực thụ. Thay vì huấn luyện những đội có sẵn danh tiếng, chiến lược gia người Pháp lựa chọn những nền bóng đá vừa phải, nhưng sở hữu tiềm năng vươn tầm để thổi vào tư duy chơi bóng mới mẻ. Hay nói cách khác, ông luôn muốn khai phá nền bóng đá ở những nơi ông đặt chân đến, và dành cho nền bóng đá ấy nhiều khát vọng.

CHẤP NHẬN ĐƯƠNG ĐẦU VỚI RỦI RO

Ông đã mang đến cho đội tuyển Nhật Bản lối chơi chặt chẽ và xem trọng tinh thần tập thể vào đầu những năm 2000, để rồi trên nền tảng HLV Troussier xây dựng, bóng đá xứ mặt trời mọc đã vươn mình với tốc độ "tên lửa". Ở các đội tuyển như Nigeria, Burkina Faso, Bờ Biển Ngà hay Nam Phi, sự hoang dại thuần khiết của bóng đá châu Phi cũng được ông Troussier đặt vào khuôn khổ kỷ luật. Biệt danh "phù thủy trắng" cho thấy HLV người Pháp không ngại mang những hệ tư tưởng, triết lý mới mẻ, thách thức những giá trị đương thời để tạo ra bước đột phá cho những đội tuyển mà ông huấn luyện.

Tuy nhiên, so với kế thừa nền tảng cũ, việc xây "móng" mới gian truân hơn rất nhiều. HLV Troussier đã thất bại ở Nam Phi, Bờ Biển Ngà chỉ sau chưa đầy 1 năm cầm quân. Tại VN, ông thầy 68 tuổi khởi đầu tốt với 3 trận giao hữu toàn thắng trước các đội Hồng Kông, Syria và Palestine cùng tấm vé dự VCK U.23 châu Á 2024. Song, 4 trận toàn thua gần nhất trước các đội nằm ngoài Đông Nam Á (Trung Quốc, Uzbekistan, Hàn Quốc, Iraq) khiến ông Troussier chịu áp lực lớn.

Đội tuyển VN đã thể hiện ý tưởng kiểm soát bóng, tự tin triển khai lối chơi. Một dấu ấn nữa của HLV Troussier là việc trọng dụng cầu thủ trẻ. Nhiều tài năng như Phan Tuấn Tài, Nguyễn Thái Sơn, Võ Minh Trọng, Nguyễn Đình Bắc, Nguyễn Thanh Nhàn, Hồ Văn Cường… đã thi đấu cho đội tuyển VN ở độ tuổi đôi mươi. Nhưng cách biệt về trình độ kỹ thuật, thể lực của cầu thủ VN so với nhóm đầu châu Á, cộng với phương án "dụng binh" trẻ hóa mạo hiểm của HLV người Pháp đang khiến đội tuyển VN rơi vào "vùng xám". Tức là chưa thoát khỏi hoàn toàn lối tư duy phòng ngự phản công kiểu cũ, để có thể tiếp nhận phong cách chơi chủ động mà ông Troussier yêu cầu. Những cầu thủ trẻ cần thêm thời gian để tiến bộ, nhưng thời gian có đứng về phía HLV người Pháp không, khi đội tuyển VN đã bước vào giai đoạn thi đấu liên tục, lại là câu hỏi khó trả lời.

KHÔNG "PHẢN BỘI" CHÍNH MÌNH

"Chúng ta sẽ chiến thắng trận đấu này. Hãy cố gắng, nỗ lực tối đa. Chúng ta không cho họ có sự tự tin trên sân. Đội tuyển VN sẽ ghi bàn vào lưới của họ. Hãy nhớ, chúng ta là đội tuyển VN". Trợ lý ngôn ngữ Hoàng Bách đã đưa lên trang cá nhân của mình đoạn clip mô tả không khí "đầy lửa" của đội tuyển VN trước trận gặp Philippines ở vòng loại thứ 2 World Cup 2026. Người xem clip ấy có thể cảm thấy sức nóng ngùn ngụt qua từng cử chỉ, từng hành động, từng lời nói như chứa lửa của "phù thủy trắng". Và trận đó, chúng ta đã thắng!

Ông Troussier cùng cộng sự dự khán V-League

Chiến lược gia người Pháp kiên định với triết lý và chọn cách đương đầu, thay vì thỏa hiệp. Sự cứng rắn của ông Troussier được thể hiện qua biệt danh… "quỷ đỏ" mà báo chí quốc tế đặt cho ông. "Khi Troussier tức giận, hai má sẽ ửng đỏ, đó là vì sao người ta gọi ông ấy như vậy. Rất dễ để biết khi nào ông ấy không hài lòng", một tờ báo phân tích. Ký giả Billy Cooper của Daily Sun kể lại rằng trong quãng thời gian ông Troussier còn nắm quyền ở đội tuyển Nam Phi năm 1998, HLV người Pháp từng… đuổi một cầu thủ xuống xe vì không vừa lòng với thái độ của học trò.

Nếu những HLV theo chủ nghĩa ôn hòa như Alfred Riedl hay phần nào đó là Park Hang-seo như một "bàn tay sắt bọc nhung", dung hòa tốt sự khéo léo và cứng rắn, HLV Troussier lại rất dứt khoát. Ông quyết liệt bảo vệ lựa chọn chiến thuật, sự ổn định của tập thể cũng như các phương án nhân sự. Câu chuyện HLV Troussier không dùng Hoàng Đức ở 2 trận vòng loại World Cup 2026 gần giống cách ông đã "bỏ rơi" những ngôi sao như Hidetoshi Nakata, Jay-Jay Okocha, Bixente Lizarazu hay Shunsuke Nakamura trước đây. Các cầu thủ chỉ được trọng dụng nếu đáp ứng yêu cầu HLV trưởng. "Khoan nhượng" là từ không có trong từ điển của ông Troussier, một nhà tư tưởng bóng đá đúng nghĩa, muốn thay đổi bóng đá VN từ những yếu tố cốt lõi, căn bản nhất. Ông kiên định chọn lựa riêng cho mình một con đường và không "phản bội" sự lựa chọn ấy. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.