Chánh án tối cao: 'Không quốc gia nào gọi là tòa án huyện, tòa án tỉnh cả'

07/09/2023 16:30 GMT+7

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết đã tham khảo kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới, "không có quốc gia nào gọi là tòa án huyện hay tòa án tỉnh cả".



Trưa 7.9, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình một số nội dung liên quan đến dự thảo luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Chánh án tối cao: 'Không quốc gia nào gọi là tòa án huyện, tòa án tỉnh cả' - Ảnh 1.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình

QUỐC HỘI

Đổi tên để hướng tới độc lập theo thẩm quyền xét xử

Theo đề xuất của TAND tối cao, hệ thống tòa án sẽ có mô hình tổ chức mới, trong đó TAND cấp tỉnh đổi thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện đổi thành TAND sơ thẩm. Ví dụ TAND phúc thẩm Hà Nội, TAND sơ thẩm Hoàn Kiếm…

Giải thích về sự đổi mới này, TAND tối cao cho biết việc tổ chức mô hình tòa án như trên không chỉ đơn thuần thay đổi về tên gọi mà còn hướng tới thể chế hóa nhiệm vụ "bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử" được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Tuy nhiên, cho ý kiến đối với dự thảo, nhiều đại biểu và các bộ, ngành băn khoăn đề xuất trên có thực sự giúp "độc lập theo thẩm quyền xét xử". Bởi lẽ, dù đổi tên nhưng các TAND sơ thẩm, TAND phúc thẩm vẫn sắp xếp theo đơn vị hành chính nên chưa thể hiện đặc thù của mô hình tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử.

Bên cạnh đó, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tòa án nêu trên cũng không thay đổi, TAND phúc thẩm vẫn xét xử sơ thẩm một số vụ án, vụ việc. Như vậy, thay đổi mới chỉ dừng lại ở tên gọi chứ chưa đáp ứng về mặt tổ chức, chức năng, nhiệm vụ.

Giải trình đối với những băn khoăn vừa nêu, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình hơn một lần khẳng định việc sửa đổi luật Tổ chức TAND là hết sức cần thiết, đã được "thai nghén" trong thời gian dài, tham khảo kinh nghiệm của rất nhiều quốc gia trên thế giới.

"Không có một quốc gia nào trên thế giới này gọi là tòa án huyện hay tòa án tỉnh cả. Toàn thế giới này người ta gọi là tòa án sơ thẩm, tòa án phúc thẩm, tòa án cấp cao, tòa án tối cao", ông Bình nói.

Chánh án tối cao cũng cho rằng việc tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, thay vì theo ngành dọc cấp trên - cấp dưới, sẽ đáp ứng được nhiệm vụ "độc lập theo thẩm quyền xét xử" mà Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đề cập. Vì thế, việc đổi tên các tòa án như đề xuất là hợp lý.

Chánh án tối cao: 'Không quốc gia nào gọi là tòa án huyện, tòa án tỉnh cả' - Ảnh 2.

Theo đề xuất của TAND tối cao, TAND TP.Hà Nội sẽ đổi tên thành TAND phúc thẩm Hà Nội

TUYẾN PHAN

"Suốt đời vẫn là thẩm phán sơ cấp, sao mà yên tâm công tác"

Trong dự thảo, TAND tối cao còn đề xuất rút gọn xuống 2 ngạch thẩm phán (gồm thẩm phán và thẩm phán TAND tối cao) thay vì 4 ngạch như hiện hành (gồm thẩm phán sơ cấp, trung cấp, cao cấp và TAND tối cao).

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, đề xuất này xuất phát từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia khi chỉ quy định 1 ngạch thẩm phán và các thẩm phán bình đẳng với nhau. Đây còn là ý nguyện của gần 6.000 thẩm phán công tác ở các TAND cấp huyện.

"Từ khi vào ngành cho đến lúc ra khỏi ngành, suốt đời vẫn là thẩm phán sơ cấp. Người dân thì bảo vụ án của tôi phải ông cao cấp xử thì mới tin, còn ông sơ cấp năng lực yếu nên không tin được. Cho nên, cả về chính sách và niềm tin công lý, anh em đang rất chờ đợi câu chuyện này", ông Bình chia sẻ.

"Chúng ta khuyến khích anh em phấn đấu bằng con đường nghề nghiệp, chuyên môn chứ không phải chức vụ, thế thì phải tạo điều kiện cho người ta phát triển", Chánh án tối cao tiếp tục nói.

Ngoài thay đổi về ngạch, TAND tối cao cũng đề xuất thẩm phán sẽ có 9 bậc, từ bậc 1 - 9. 

Vì sao lại là 9 mà không phải con số khác, các bậc sẽ được phân bổ như thế nào, ông Nguyễn Hòa Bình cho hay, TAND tối cao đã cân nhắc, tham khảo về cấp bậc hàm của lực lượng vũ trang để có đề xuất hợp lý.

Như ngành công an và quân đội, từ cấp úy đến cấp tá có 8 bậc hàm, 3 - 5 năm thì được lên bậc một lần. Thẩm phán cũng tương tự như vậy, từ lúc vào ngành (sớm nhất là 28 tuổi) cho đến trước 55 tuổi thì qua được 9 bậc.

"Trưởng công an cấp huyện có thể phấn đấu đến thượng tá, đại tá; điều tra viên cũng đến thượng tá; còn ông thẩm phán đến khi về hưu vẫn là sơ cấp, không có cái gì thay đổi cả. Như thế làm sao người ta yên tâm công tác được", Chánh án tối cao phân tích.

"Hiền tài là ở cả nước chứ không phải chỉ 2 ông này"

Vẫn theo dự thảo, TAND tối cao đề xuất chức danh phó chánh án TAND tối cao sẽ được lựa chọn từ các thẩm phán TAND tối cao hoặc các thẩm phán đáp ứng đủ điều kiện; thay vì chỉ từ thẩm phán TAND tối cao như hiện hành.

Một số đại biểu đề nghị cân nhắc thêm, vì phó chánh án TAND tối cao là chức danh cao cấp của ngành tòa án, nên giữ quy định về nguồn nhân sự như đang áp dụng.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện nay Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có 17 thành viên thì đã có 6 người là lãnh đạo (chánh án và 5 phó chánh án), 4 người là phó chánh án nghỉ hưu nhưng tiếp tục kéo dài và một số đã lớn tuổi. Cuối cùng chỉ còn 2 - 3 người, việc lựa chọn nhân sự phó chánh án TAND tối cao chỉ xoay quanh 2 - 3 cá nhân vừa nêu.

"Hiền tài là ở cả nước chứ không phải chỉ mỗi 2 ông này", ông Bình nói, đồng thời dẫn chứng giám đốc cấp sở của các bộ, ngành có thể được bổ nhiệm làm thứ trưởng nhưng riêng ngành tòa án thì chánh án địa phương lại không thể bổ nhiệm làm phó chánh án TAND tối cao. Thực tế này đã và đang gây ra nhiều khó khăn, cần sửa đổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.