Chuyện cũ kể lại

05/10/2014 03:00 GMT+7

Sáng qua ngồi ủi (là) cái áo để đi làm, lúc ủi phần cổ áo sực nhớ chuyện xa.

Dạo những năm 1960 - 1980 ở miền Bắc vải vóc hiếm lắm, quần áo chả có bao nhiêu, thường chỉ bộ nghiêm bộ nghỉ. Mấy anh cán bộ có tiêu chuẩn định mức phiếu vải cao hơn dân thường, 5 m/năm thì khá hơn chút chút. Hiếm áo quần nên dùng kỹ lắm, một chiếc áo sơ mi có khi mặc cả chục năm mới thải bỏ.

Để mỗi lần mặc áo được lâu ngày, khỏi thay (3 - 4 ngày mới thay), người ta rất cẩn thận, đi đứng ngồi nằm đều chính xác từng li, không để thứ dơ bẩn dính vào. Đi làm đi học về đến nhà là lột phăng ra ngay, nghèo thì đánh trần, sang thì áo may ô, áo dệt kim Đông Xuân. Một phần vì quần áo ít (như đã nói), phần vì hiếm xà phòng, giặt nhiều ai chịu nổi. Bộ phận mau dơ nhất của cái áo sơ mi là cổ áo. Trời nóng, mồ hôi nhiều, nhất là những anh mồ hôi dầu, lại bụi bặm nữa, cổ áo cứ đen kít lại. Nhiều bác cán bộ nhà ta nảy sáng kiến khi mặc áo lấy một chiếc khăn mùi xoa gấp nhỏ lót vào cổ, ngăn cách cổ áo và cổ người, trông cũng hay hay. Nhưng khăn mùi xoa không phải ai cũng có, chỉ cán bộ mới được tiêu chuẩn phân phối, nên cứ thấy anh nào lót cổ áo biết đích ngay là cán bộ. Tối về tháo khăn ra, giặt phơi, qua đêm thì khô, sáng mai lại lót cổ. Một chiếc áo sơ mi sạch mặc kiểu giữ gìn như vậy có thể kéo dài cả tuần mới phải thay phải giặt.

Hà Nội, Hải Phòng những năm ấy phổ biến dịch vụ lộn cổ áo. Mặc mãi nó cũng rách, mà cái cổ rách đầu tiên do cọ xát nhiều, giặt chà bàn chải nhiều. May chần lại hoặc đắp miếng vải khác vào trông rất xấu, mà nào dễ kiếm ra miếng vải cùng màu. Thế nên sinh ra những chỗ chuyên lộn cổ, tháo rời cổ áo ra, lật mặt sau chuyển thành mặt trước. Tôi còn nhớ ở chỗ ga xe điện Cầu Mới (Q.Đống Đa, Hà Nội), nơi có cái mái nhà ga dài, thông thoáng, để tàu điện hai chiều đợi tránh nhau, có tới 3 “tiệm” chuyên nhận lộn cổ cho sinh viên, còn đề vắn tắt biển hiệu “lộn cổ sinh viên” thật hài hước. Ở ngã tư Sở hoặc các phố Hàng Bột, Nam Đồng, Hàng Bông… nhan nhản “quán” may lộn cổ. Làm kỹ thì 5 hào, bình thường chỉ 2 - 3 hào, thế là lại có chiếc áo lành lặn, tuy nhiên người tinh mắt thấy ngay cổ áo thì mới, còn thân cũ mèm.

Suốt cả 4 năm học đại học, tôi kiểm đếm lại chỉ có 5 chiếc sơ mi, đến năm cuối nhờ ông anh ruột từ bộ đội về cho một chiếc áo lính vải Tô Châu mới tinh, hơi rộng nhưng chả hề gì, thuộc loại ăn diện lúc bấy giờ. Hôm bảo vệ luận văn tốt nghiệp nhờ có cái quân phục đó mà bảnh chọe, chứ nếu không cũng chỉ diện áo lộn cổ như mọi ngày.  

Nguyễn Thông

>> Chuyện cũ trong mưu tính mới
>> Chuyện cũ miền Nam
>> Chuyện cũ, tác hại mới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.