EDUTALK | GS. Trần Văn Thọ: Từ "một trăm bao gạo" đến giáo dục Việt Nam

EDUTALK | GS. Trần Văn Thọ: Từ "một trăm bao gạo" đến giáo dục Việt Nam

24/04/2023 19:00 GMT+7

Đến với EduTalk tuần này của Báo Thanh Niên là một vị giáo sư kinh tế nổi tiếng - GS. Trần Văn Thọ. Ông từng đóng vai trò là cộng tác viên cũng như là thành viên của các tổ tư vấn về kinh tế, chính sách cho nhiều vị Thủ tướng ở nước ta. Đồng thời, ông cũng là một trong số ít người nước ngoài được mời việc trong Hội đồng tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản.

Đến với EduTalk tuần này, GS. Trần Văn Thọ có kể lại bài viết Một trăm bao gạo vì sự nghiệp giáo dục ông từng viết trên Báo Thanh Niên gây xôn xao dư luận năm 2007. Bài báo nói về gương của lãnh đạo Nhật Bản cuối thời Edo, trước thời Minh Trị. Vào đầu năm 1868, phiên Nagaoka (hiện nay là thành phố Nagaoka thuộc tỉnh Niigata) gặp khó khăn, nhất là thiếu lương thực. Một phiên lân cận thương tình mới đem tặng 100 bao gạo (mỗi bao tương đương 60 ký). Vũ sĩ của phiên Nagaoka rất vui mừng, phấn khởi vì sẽ được ăn no, được ăn cơm không độn với ngô khoai.

EDUTALK | GS. Trần Văn Thọ: Từ "một trăm bao gạo" đến giáo dục Việt Nam - Ảnh 1.

Tuy nhiên, Kobayashi Torasaburo, Đại tham sự (chức vụ tương đương với phó thị trưởng hoặc phó tỉnh trưởng ngày nay), quyết định không chia gạo cho vũ sĩ mà đem bán lấy tiền lo tu sửa trường ốc, xây thêm trường học mới. Thấy nhiều vũ sĩ tỏ vẻ bất bình, thất vọng, ông đã thuyết phục, giải thích như sau: "Một trăm bao gạo chia nhau ăn sẽ hết ngay, chi bằng ta dùng vào việc chấn hưng giáo dục, trong tương lai ta sẽ có cả vạn, cả triệu bao gạo".

Nhờ chính sách sáng suốt thắt lưng buộc bụng vì giáo dục này (những người chịu thiệt thòi trước mắt là đám vũ sĩ nhưng dân chúng được hưởng dịch vụ giáo dục), số trẻ em trong phiên Nagaoka được đi học nhiều hẳn lên, nhiều người sau đó thành tài đóng góp đắc lực vào việc dựng nước thời Minh Trị. Trong số những người được giáo dục từ 100 bao gạo có Watanabe Renkichi, sau đó học lên bậc cao hơn ở Tokyo và đi du học ở Đức, trở thành trợ lý đắc lực cho Thủ tướng đầu tiên của Nhật Ito Hirobumi trong việc soạn thảo ra hiến pháp đầu tiên (ban hành năm 1889) của nước này.

EDUTALK | GS. Trần Văn Thọ: Từ "một trăm bao gạo" đến giáo dục Việt Nam - Ảnh 2.

GS. Trần Văn Thọ cũng chia sẻ những nghĩ suy, trăn trở của ông về giáo dục Việt Nam hiện nay. Từ chuyện lương giáo viên, dạy thêm học thêm cho đến việc phát triển các trường đại học nên phát triển như thế nào. 

Chương trình EduTalk sẽ tiếp tục đến với các buổi trò chuyện thú vị khác về giáo dục trên thanhnien.vn, YouTube Báo Thanh Niên, Podcast Báo Thanh Niên. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.