G20 không ra được tuyên bố chung dù 'hầu hết đều lên án' xung đột ở Ukraine

G20 không ra được tuyên bố chung dù 'hầu hết đều lên án' xung đột ở Ukraine

Trúc Huỳnh: Biên tập + dựng + voice
27/02/2023 06:33 GMT+7

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 (nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới) đã diễn ra trong hai ngày 24 và 25.2 tại thành phố Bengaluru (Ấn Độ).

Với tư cách chủ tịch nhóm G20 năm nay, New Delhi đã do dự trong việc đưa vấn đề chiến sự ở Ukraine vào tuyên bố chung, nhưng các quốc gia phương Tây tuyên bố họ không thể ủng hộ bất kỳ kết quả nào của hội nghị mà không có nội dung lên án Nga, theo Reuters.

Việc thiếu sự đồng thuận tuyệt đối giữa các thành viên G20 đồng nghĩa với việc Ấn Độ phải đưa ra “bản tóm tắt của chủ tịch” thay vì tuyên bố chung, trong đó nước này đơn giản chỉ tóm lược nội dung hai ngày hội nghị và ghi nhận những bất đồng.

Tài liệu cho hay “Hầu hết các thành viên đều lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine và nhấn mạnh rằng chiến sự đang gây ra nỗi đau khủng khiếp cho con người và làm trầm trọng thêm những bất ổn hiện có trong nền kinh tế toàn cầu”.

Tài liệu cũng chỉ ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng, những rủi ro tài chính cũng như nguy cơ về an ninh lương thực và năng lượng. “Có những quan điểm và đánh giá khác nhau về tình hình (chiến sự) và các biện pháp trừng phạt”, theo bản tóm tắt.

G20 không ra được tuyên bố chung vì bất đồng về vấn đề Ukraine - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire phát biểu trong cuộc họp báo bên lề Hội nghị G20 ở ngoại ô thành phố Bengaluru (Ấn Độ), ngày 24.2.2023

REUTERS

Kết quả này tương tự hội nghị lãnh đạo G20 ở Bali vào tháng 11 năm ngoái khi nước chủ nhà Indonesia cũng ra tuyên bố cuối cùng thừa nhận những bất đồng. G20, nhóm ra đời cách đây hơn 2 thập niên để giải quyết các cuộc khủng hoảng kinh tế, ngày càng gặp khó khăn trong việc đạt được sự đồng thuận giữa các thành viên.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trước đó nói với Reuters rằng bất kỳ tuyên bố nào có nội dung lên án Nga đều “hoàn toàn cần thiết”. Hai đại biểu tham dự hội nghị cho biết Nga và Trung Quốc không muốn diễn đàn G20 được sử dụng để thảo luận các vấn đề chính trị.

Ấn Độ đã giữ lập trường trung lập, không lên án Nga từ khi chiến sự bùng nổ, tìm kiếm một giải pháp ngoại giao trong khi tăng cường mua dầu của Nga.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.