Kazakhstan trong cơn biến động lịch sử

Bảo Vinh
Bảo Vinh
08/01/2022 07:10 GMT+7

Cuộc biểu tình khởi nguồn từ những bất mãn của người dân đã khiến một trong những nước ổn định nhất Trung Á rơi vào hỗn loạn.

Lực lượng an ninh tại thành phố Almaty (Kazakhstan) ngày 7.1

Reuters

Bộ Nội vụ Kazakhstan hôm qua (7.1) thông báo đã tiêu diệt 26 đối tượng “tội phạm có vũ trang”, bắt giữ hơn 3.000 người từ khi cuộc biểu tình bạo lực trên khắp cả nước bùng phát vào ngày 2.1. Trong khi đó, có đến 18 nhân viên an ninh thiệt mạng, hơn 700 người khác bị thương trong lúc làm nhiệm vụ.

Khôi phục trật tự

Theo Sputnik, đến hôm qua, tình hình an ninh tại các thành phố gần như được kiểm soát. Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev cho biết “chiến dịch chống khủng bố” đã được khởi động và trật tự hiến pháp hầu như được khôi phục tại toàn bộ các vùng trên cả nước.

Bạo loạn tiếp diễn ở Kazakhstan sau khi Nga đưa quân dù đến

Tuy nhiên, các vụ nổ súng vẫn diễn ra ở một vài nơi, trong đó có thành phố lớn nhất Almaty. “Do đó, các hành động chống khủng bố nên được tiếp tục đến khi các tay súng này bị trừ khử hoàn toàn”, ông Tokayev tuyên bố và ra lệnh cho lực lượng an ninh nổ súng mà không cần báo trước nếu gặp sự kháng cự.

Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) đã triển khai 2.500 binh sĩ sau đề nghị của Kazakhstan. CSTO gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan. Tổng thư ký CSTO Stanislav Zas cho biết lực lượng này có nhiệm vụ chính là bảo vệ các cơ sở chiến lược và duy trì trật tự nhưng nếu các cơ sở này bị tấn công, binh sĩ có quyền sử dụng vũ khí chết người để đáp trả.

Nhiều bất mãn

Kazakhstan được đánh giá là quốc gia ổn định tại khu vực Trung Á đầy bất ổn. Đợt biểu tình bắt đầu sau khi chính quyền các vùng phía tây dỡ bỏ mức giá trần đối với butane và propane, những loại nhiên liệu được sử dụng phổ biến vì giá rẻ. Mục đích của việc dỡ bỏ giá trần là nhằm hạn chế tình trạng thiếu nhiên liệu nhưng nhanh chóng gây phản ứng ngược vì giá tăng cao.

Từ ổn định đến hỗn loạn, điều gì đang xảy ra tại Kazakhstan?

Cuộc biểu tình ban đầu diễn ra tại Zhanaozen và Aktau, nhưng sau đó lan sang hàng loạt thành phố khác và người tham gia còn bày tỏ bất mãn đối với chính quyền đương nhiệm lẫn cựu lãnh đạo Nursultan Nazarbayev, người nắm quyền tổng thống Kazakhstan gần 30 năm từ sau khi Liên Xô tan rã. Năm 2019, ông Nazarbayev từ chức sau một đợt biểu tình nhưng được cho là vẫn giữ tầm ảnh hưởng lớn với vị trí trong Hội đồng Hiến pháp và là Chủ tịch trọn đời của Hội đồng An ninh, chức vụ vừa bị ông Tokayev thay thế sau cuộc biểu tình.

Ông Tokayev giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sớm cùng năm với lời hứa xây dựng Kazakhstan trở thành “nhà nước biết lắng nghe”. Tuy nhiên, người biểu tình đã thể hiện sự bất mãn về tình trạng tham nhũng, bất bình đẳng thu nhập và đời sống khó khăn vì đại dịch Covid-19. Dân số Kazakhstan có 19 triệu người, nhưng một nửa sống ở vùng nông thôn thiếu tiếp cận dịch vụ công và khoảng 1 triệu người sống dưới mức nghèo. Tỷ lệ lạm phát hằng năm đang ở mức gần 9%, cao nhất trong hơn 5 năm, theo Reuters. Ông Tokayev đã có những động thái nhằm xoa dịu người biểu tình như thông báo toàn bộ nội các từ chức, ban hành mức trần cho giá nhiên liệu trong 6 tháng.

Văn phòng tổng thống Kazakhstan hôm qua cho biết cuộc biểu tình ban đầu diễn ra ôn hòa, cho đến khi “những tên cướp và khủng bố” trà trộn và kích động. Chính quyền cáo buộc đứng sau cuộc nổi dậy là lực lượng vũ trang được nước ngoài đào tạo và cho biết đang xác minh gốc gác của những thành phần này.

Liên minh quân sự CSTO là gì mà đưa quân vào Kazakhstan?

Đợt biểu tình tại Kazakhstan làm dấy lên những lo ngại gây ảnh hưởng đến sự ổn định tại khu vực Trung Á. Quốc gia giàu tài nguyên này là nền kinh tế lớn nhất Trung Á, nằm ở vị trí chiến lược và là nhà xuất khẩu thuộc tốp đầu thế giới về uranium, dầu mỏ và than đá.

Trung Quốc ủng hộ chính quyền Kazakhstan

Trong thông điệp gửi đến Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev ngày 7.1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động nào của các lực lượng bên ngoài nhằm gây bất ổn và kích động “cách mạng màu” tại Kazakhstan, gây tổn hại mối quan hệ Trung Quốc - Kazakhstan, theo Tân Hoa xã. Ông Tập cũng khen ngợi chính quyền Kazakhstan khi có biện pháp mạnh mẽ vào thời khắc then chốt để hạ nhiệt tình hình.

Kazakhstan được cho là góp phần quan trọng trong sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) của Bắc Kinh và cũng đóng vai trò cho sự ổn định tại khu vực Tân Cương. Theo tờ South China Morning Post, Kazakhstan là nước nhận đầu tư nhiều nhất từ Trung Á với hơn 17 tỉ USD từ năm 2013.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.