Ăn thịt chó có còn hay ho:

Làm gì để giải cứu hàng triệu con chó khỏi lò mổ, quán thịt chó ở Việt Nam?

15/07/2023 14:52 GMT+7

Theo Tổ chức chuyên bảo vệ động vật thế giới (HSI) Việt Nam, việc tổ chức giải cứu chó mèo hiện chỉ như 'muối bỏ bể' với 5 triệu con chó bị giết thịt mỗi năm. Vậy làm gì mới giải cứu được hàng triệu con chó khỏi lò mổ, quán thịt chó?

Cuối năm 2022, câu chuyện anh Đàm Thế Hiệp - chủ quán thịt chó 7 năm trong nghề tại Thái Nguyên giải nghệ, xé bảng hiệu giao 20 con chó về trạm cứu hộ được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Anh thừa nhận giải nghệ vì bị ám ảnh khi thấy những con chó chuẩn bị giết thịt chụm 2 chân trước vào nhau, cúi đầu xuống như đang van xin.

Thở phào nhẹ nhõm sau khi giao 20 con chó đến trại cứu hộ, anh chuyển sang trồng chè, bán tạp hóa, kinh doanh vật tư nông nghiệp với sự hỗ trợ chuyển đổi sinh kế từ HSI Việt Nam - tổ chức chuyên bảo vệ động vật. 20 con chó được chăm sóc trong 4 tháng, sau đó bàn giao cho chủ mới cam kết nhận nuôi.

Làm gì để giải cứu hàng triệu con chó khỏi lò mổ, nhà hàng Việt Nam? - Ảnh 1.

Những con chó được chăm sóc tại Trạm cứu hộ - Đại học Nông lâm Thái Nguyên sau khi giải cứu từ lò mổ

HSI

Thoát khỏi chiếc lồng chật hẹp và sự tra tấn tinh thần khi chứng kiến đồng loại bị giết thịt, mới đây, chủ mới của Pow – 1 trong số 20 con chó được giải cứu cập nhật rằng Pow vẫn an toàn trong ngôi nhà mới, được yêu thương và chăm sóc bởi gia đình chủ tốt bụng.

Luna cũng là một trong số đó. Ngày được đưa ra khỏi lò mỏ, không tình nguyện viên nào biết "cô chó" này đang mang bầu. Cho tới những ngày cuối năm, Luna sinh 6 bé cún xinh đẹp trong sự chăm sóc ấm áp tại Trạm cứu hộ - Đại học Nông lâm Thái Nguyên.

Phải thay đổi nhận thức!

Ông Nguyễn Vũ Quang, Quản lý chương trình Động vật đồng hành HSI Việt Nam cho biết, hoạt động giải cứu chó chỉ là một phần trong các hoạt động của HSI nhằm nâng cao phúc lợi của động vật đồng hành tại Việt Nam. 

Mục tiêu lớn nhất mà HSI cũng như nhiều tổ chức quốc tế khác muốn hướng đến là "Một Việt Nam không tiêu thụ, buôn bán, giết mổ chó cho mục đích lấy thịt".

Làm gì để giải cứu hàng triệu con chó khỏi lò mổ, nhà hàng Việt Nam? - Ảnh 2.

Tại Việt Nam có khoảng 5 triệu con chó bị buôn bán và giết thịt

HSI

Ông Quang nhìn nhận, giải cứu một vài con chó trong số khoảng 5 triệu con chó bị giết thịt mỗi năm khỏi nguy cơ bị giết thịt rồi kết nối với các gia đình yêu thương động vật để nhận nuôi giống như là "muối bỏ biển".

Tuy nhiên, thông qua việc làm này, HSI mong muốn đóng góp thay đổi quan điểm và thái độ của con người với động vật đồng hành. Thêm vào đó, việc này còn nâng cao hình ảnh của Việt Nam thân thiện, văn minh trong mắt bạn bè quốc tế.

Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ sao về việc ăn thịt chó?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

"HSI tập trung vào truyền thông thay đổi hành vi và thói quen của cộng đồng; hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện chính sách và tăng cường giảm thiểu nguy cơ bệnh dại cũng như các hoạt động liên quan đến buôn bán, vận chuyển và giết mổ chó, mèo; hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho các hộ kinh doanh liên quan thịt chó, mèo", đại diện HSI Việt Nam nói.

Ở góc độ hoạt động liên quan mô hình chuyển đổi, ông Quang cho hay, việc vận động chủ quán thịt chó tại Thái Nguyên giải nghệ không chỉ giúp giải cứu 20 con chó tại lò mổ khi đó, mà còn giúp những con chó khác trong khu vực tránh khỏi việc bị giết thịt. Các hoạt động liên quan đến mô hình chuyển đổi này được dư luận đón nhận.

Làm gì để giải cứu hàng triệu con chó khỏi lò mổ, nhà hàng Việt Nam? - Ảnh 4.

HSI sẽ truyền thông với thông điệp không ăn thịt chó, mèo hướng tới thế hệ trẻ

HSI

Nói về kết quả đạt được sau thời gian hoạt động, đại diện HSI Việt Nam cho biết đó là sự ghi nhận và tham gia của chính quyền địa phương trong nỗ lực giảm thiểu tiêu thụ thịt chó.

Cụ thể, ngày 26.6.2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định phê duyệt việc tiếp nhận khoản viện trợ không hoàn lại của tổ chức Humane Society International/Mỹ cho dự án "Thúc đẩy phúc lợi động vật đồng hành và giảm thiểu hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ chó mèo tại địa bàn tỉnh Đồng Nai" do Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai chủ trì. Dự án sẽ được triển khai từ năm 2023 đến năm 2025 trên toàn địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Dự án tương tự tại tỉnh Thái Nguyên đang được Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản trình để xin phê duyệt của UBND tỉnh Thái Nguyên.

Theo kế hoạch, từ giải pháp thực tiễn tại Đồng Nai, Thái Nguyên, tổ chức này sẽ giới thiệu về mô hình cho sự thay đổi, nhằm khuyến khích sự những cá nhân và nhóm đang kinh doanh liên quan tới chăn nuôi, thu mua, vận chuyển và giết mổ chó mèo chuyển sang các ngành nghề kinh doanh nhân đạo hơn.

Người dân TP.HCM nói gì về việc ăn thịt chó?

"Chúng tôi sẽ chú trọng truyền thông với thông điệp không ăn thịt chó mèo trong cộng đồng đặc biệt trong học đường và truyền thông về phúc lợi động vật đồng hành cho cộng đồng đặc biệt là hướng tới thế hệ trẻ", ông Nguyễn Vũ Quang thông tin.

Bên cạnh đó, tổ chức chuyên bảo vệ động vật này cũng chú trọng hợp tác với các cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế và tổ chức phi Chính phủ có cùng mục tiêu để tăng cường hiệu quả truyền thông, qua đó thay đổi hành vi của mọi người về việc tiêu thụ thịt chó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.