Những đứa trẻ trong thảm sát

20/11/2015 08:14 GMT+7

Mỗi vụ án xảy ra, hàng trăm phóng viên có mặt để tường thuật và đưa tin nhanh nhất. Mình tin tất cả đều có một điểm chung rằng: đó chính là những bài báo mà phóng viên và người làm tòa soạn không bao giờ muốn viết.


 

Hôm qua, mình trực tòa soạn. Một ngày bắt đầu tưởng chừng như êm đềm nhưng rồi nhanh chóng phát sinh biến cố.
Gần 10 giờ sáng, nguồn tin từ công an dưới Cần Giuộc, Long An báo lên có một vụ việc thương tâm vừa xảy ra. Người ta mới phát hiện ba mẹ con chết trong căn nhà ở ấp Thạnh Trung, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc. Mình hội ý nhanh với anh em qua điện thoại, sau đó cử ngay nhóm phóng viên xuống hiện trường tác nghiệp. Tiễn các bạn ấy đi, lòng mình lại cứ bàng hoàng, xót xa khó tả.
Nhà báo Trung Hiếu đang tác nghiệp tại hiện trường vụ án mạng đau lòng ở Long An. Lại thêm một lần nữa anh phải viết những bài báo mà mình không hề muốn viết...
Đây đã là vụ thứ 5 trong vòng 5 tháng trở lại đây mà báo chí dùng đến cụm từ "thảm sát". Chỉ trong thời gian ngắn ngủi, người dân cả nước tiếp tục bàng hoàng trước những thảm án đau lòng, tước đi mạng sống của các thành viên trong một gia đình bằng sự ra tay tàn độc của kẻ thủ ác.
Chấn động nhất vẫn là vụ Bình Phước với 6 mạng người, trong đó có 3 em nhỏ (từ 18 tuổi trở xuống). Một em bị nghi can dẫn dụ ra mở cổng và xuống tay nhanh như chớp, hai em còn lại thì bị giết ngay trên phòng.
Nghệ An, Yên Bái, mỗi nơi góp vào 4 mạng người chỉ vì sự thiếu hiểu biết của hung thủ. Ở Yên Bái, hai em Trần Văn Truyền (2 tuổi) và Phàn Thị Hoa (15 tuổi) đã mãi mãi tạm biệt cõi dương gian. Còn tại Nghệ An, cháu Lo Việt Chung mới 8 tháng tuổi cùng bố mẹ đã không còn vui sống những ngày ở bản làng yên bình, đón từng giọt sữa ấm nóng.
Hôm qua, hai cháu Nguyễn Thị Hoàng Quyền (10 tuổi) và Nguyễn Hoàng Khang (9 tuổi) đã không còn cơ hội đến trường. Nguyên nhân và kết luận cuối cùng của vụ án vẫn còn phải chờ công an, thế nhưng chắc chắn một điều mỗi buổi tan trường cùng chúng bạn ở quê, đã không còn thấy bóng dáng hai cô cậu họ trò ngoan hiền, giỏi giang Quyền và Khang. Chắc chắn một điều, người cha đang làm lụng ở Bến Tre sẽ không bao giờ lại được nhìn thấy nụ cười của 2 đứa con thân yêu.
Mỗi vụ án xảy ra, hàng trăm phóng viên có mặt để tường thuật và đưa tin nhanh nhất. Mỗi tờ báo với mỗi góc độ khai thác nhằm vẽ nên chân dung, động cơ và phương thức mà những kẻ thủ ác nhẫn tâm gây nên, để từ đó cùng tìm ra chân tướng vụ việc, làm rõ nguyên nhân, gợi ý biện pháp phòng tránh.
Mình cũng tin, tất cả đều có một điểm chung rằng: đó chính là những bài báo mà những phóng viên, những người làm tòa soạn không bao giờ muốn viết nhất.
Những dòng tin nhắn ngắn ngủi gửi về tòa soạn, những con chữ khô khốc về tội ác, những thông tin chắt lọc từ cuộc sống hằng ngày của các cháu nạn nhân bao giờ cũng làm nên một sự ám ảnh đến day dứt với những ai trong cuộc, trực tiếp chứng kiến.
Trong nghề báo, những phóng viên nội chính luôn là những người xông pha, gan lì và đi đầu nhất trong những chuyến tác nghiệp thảm án. Trong số họ, nhiều người cũng có những đứa con đang gửi nhà trẻ, ngồi học ở trường. Những số phận không may trước mặt chắc chắn luôn khiến họ quặn lòng.
Hôm nay, 20.11, ngày của tình thầy trò, ngày của những bông hoa tươi thắm tri ân thầy cô. Cũng hôm nay, có thêm hai em bé thơ nữa đã không còn được đến trường…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.